Khảo sát vào lớp 6 tại TPHCM: giảm tối đa áp lực cho học sinh
Năm học 2024-2025, dự kiến có 6 trường THCS trên địa bàn huyện Hóc Môn, các quận 1, 7 và TP Thủ Đức (TPHCM) thực hiện khảo sát đầu vào lớp 6.
Trước thông tin này, nhiều phụ huynh, học sinh băn khoăn, lo lắng.
Lo ngại tăng áp lực cho học sinh
Tại TPHCM, năm học 2023-2024 có Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) và Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP Thủ Đức) tổ chức khảo sát vào lớp 6. Tuy nhiên, năm học tới đây, dự kiến có thêm Trường THCS Hoa Lư, Trường THCS Bình Thọ (TP Thủ Đức), Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) và Trường THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn) thực hiện. Theo chia sẻ của ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, 6 trường THCS này thuộc diện trường tiên tiến, hội nhập quốc tế hoặc trường có nhu cầu đăng ký tuyển sinh đầu cấp cao hơn nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh. Việc mở rộng số trường THCS tổ chức khảo sát đầu vào trong tuyển sinh lớp 6 là căn cứ theo văn bản hợp nhất 03 về quy chế tuyển sinh THCS, THPT của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 3/5/2019.
Trước thông tin các trường THCS trên tổ chức khảo sát vào lớp 6, nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng. Bởi, dù biết việc mở rộng tuyển sinh theo hình thức khảo sát năng lực vào lớp 6 giúp đảm bảo tính công bằng, khách quan trong tuyển sinh đầu vào của các trường “hot”, song cũng khiến nhiều người lo ngại sẽ tăng thêm áp lực học tập, trong đó có việc chạy đua luyện thi cho học sinh bởi “có cầu ắt có cung”.
Anh Minh Tuấn - phụ huynh có con hiện đang học lớp 5, Trường tiểu học Kim Đồng (quận 3, TPHCM) chia sẻ, do gia đình chuyển về TP Thủ Đức sinh sống nên vợ chồng anh có ý định đặt nguyện vọng cho con vào Trường THCS Hoa Lư. Mới đây, anh lại hay tin cơ sở này dự kiến sẽ thi khảo sát đầu vào lớp 6 nên cảm thấy khá lo lắng. “Cháu học đều các môn, tuy nhiên bản thân không biết việc tổ chức khảo sát năng lực như vậy có khiến cháu áp lực học hành hay không. Hiện, vợ chồng cũng đang cân nhắc có nên đăng ký cho cháu tham gia khảo sát hay nộp hồ sơ cho cháu vào một trường THCS khác gần nhà”, anh Minh Tuấn nói.
Tương tự, chị Thanh Hiền, phụ huynh có con đang học lớp 5 tại quận 7 cho biết, theo kế hoạch phân tuyến theo địa bàn cư trú của các năm học trước, con chị được phân tuyến vào Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ. “Nếu trường thay đổi phương thức tuyển sinh theo hình thức khảo sát năng lực, tôi sợ con không đủ sức cạnh tranh giành suất học. Tôi cũng đang thắc mắc trường hợp cháu không đủ điều kiện vào học trường này, con tôi sẽ được phân tuyến vào trường nào, có thuận tiện cho phụ huynh đưa đón. Vì vậy, nếu trường tổ chức thi tuyển thì số lượng học sinh đăng ký dự tuyển sẽ rất đông, tỉ lệ “chọi” sẽ cao. Nếu không cho con luyện thi, e rằng khó có thể đậu được”.
Còn thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1) lo ngại việc tổ chức khảo sát sẽ dẫn đến sự ra đời của các trung tâm luyện thi. Ông cho rằng: “Việc tổ chức khảo sát có thể phát sinh rất nhiều vấn đề. Trường thì phải tổ chức hội đồng khảo sát, ra đề, chấm bài… Phụ huynh thì sẽ cho con đi học thêm, luyện thi, tạo áp lực lớn lên các em. Khảo sát cũng không nhằm mục đích chọn học sinh giỏi nên các trường không cần đặt nặng vấn đề này”.
Hạn chế việc luyện thi
Là địa phương đề xuất 3 trường THCS sẽ tổ chức khảo sát vào lớp 6 năm học 2023-2024 tới, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức cho hay, qua năm đầu tiên thực hiện thí điểm khảo sát để tuyển sinh lớp 6 tại Trường THCS Trần Quốc Toản 1, từ kết quả khảo sát, hội đồng tuyển sinh sẽ lấy từ trên xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu. Cách làm này không chỉ công bằng, khách quan mà còn tạo được sự đồng thuận của đa số phụ huynh. Sau năm đầu tiên thực hiện tuyển sinh lớp 6 bằng bài khảo sát tại Trường THCS Trần Quốc Toản 1, đến năm học 2024-2025, quận xây dựng kế hoạch và mở rộng thực hiện thêm 2 trường THCS Hoa Lư và Bình Thọ.
Ông Nguyên cũng cho biết, 3 trường THCS nói trên là những trường luôn có số lượng học sinh có nguyện vọng theo học rất đông nhưng chỉ tiêu không cao. Nếu xét tuyển đầu vào bằng điểm toán, tiếng Việt ở bậc tiểu học cũng như các chứng chỉ tiếng Anh sẽ rất khó đảm bảo.
Việc đánh giá học sinh tùy từng giáo viên, tùy từng trường đồng thời đánh giá học sinh theo năng lực, phẩm chất nên không có mặt bằng chung để so sánh. Còn nếu lấy theo kết quả của các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học… thì áp lực dồn vào việc học sinh phải tham gia các kỳ thi chứng chỉ… Vì thế, việc tổ chức khảo sát sẽ giúp trường chọn lựa được những học sinh thực sự xuất sắc và phù hợp.
“Chúng tôi đề xuất sẽ tự xây dựng đề khảo sát với kế hoạch tổ chức khảo sát riêng chứ không thực hiện theo đề thi chung với Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa như năm trước. Tức là cấu trúc bài khảo sát sẽ giống như Trường Trần Đại Nghĩa nhưng mức độ thấp hơn. Các bậc phụ huynh không nên cho con đi luyện thi vì đề thi thay đổi theo từng năm, không thể dựa vào đề thi năm trước để ôn thi cho năm sau. Điều kiện tiên quyết để đơn vị chọn người ra đề thi là không dạy thêm hay làm việc tại các trung tâm luyện thi. Vì vậy, việc luyện thi không những không có hiệu quả mà còn gây thêm áp lực cho các em”, ông Nguyên nói.
Còn ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, không có phương án nào tạo ra công bằng tuyệt đối, chỉ có phương án nào tối ưu. Để xác định được điều này, vai trò của Sở GD&ĐT rất quan trọng. Sở phải nghiên cứu, khảo sát để tìm ra cách tuyển sinh phù hợp với từng trường, từng địa bàn mà không gây áp lực cho học sinh và gia đình. Từ đó có hướng dẫn để các trường thực hiện.
“Việc gây áp lực với học sinh 10-12 tuổi là không tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển của các em. Nếu nhờ ôn luyện mà học sinh may mắn đậu vào trường không đúng năng lực, về lâu về dài sẽ không thể theo kịp bạn bè, ảnh hưởng đến tâm lý và cả chặng đường học tập sau này. Ngược lại, nếu vào đúng trường phù hợp với năng lực, sở trường và sự hỗ trợ của phụ huynh thì các em sẽ có động lực học tập hơn”, ông Nguyễn Văn Ngai chia sẻ.
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, ngoài 6 THCS trường nói trên, các trường THCS còn lại vẫn tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển. Công tác đăng ký tuyển sinh và nhập học được thực hiện hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. Quy trình tuyển sinh được chia làm 2 đợt, trong đó đợt 1 ưu tiên tuyển sinh các trường hợp là đối tượng đang cư trú thực tế trên địa bàn. Căn cứ các đơn vị chưa tuyển đủ học sinh so với chỉ tiêu được giao, ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp quyết định về việc mở tuyển sinh đợt 2, đồng thời quy định các đối tượng được phép đăng ký trong giai đoạn này. Hạn chót công bố kết quả tuyển sinh là ngày 1/8.