KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO TẠI THƯ VIỆN HÀ NỘI

Chiều ngày 23/08, tiếp tục hoạt động khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa thể thao tại thành phố Hà Nội, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Thư viện Hà Nội.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Thư viện Hà Nội nằm tại trung tâm Thủ đô (47 Bà Triệu, Hoàn Kiếm), trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, Thư viện Hà Nội là một trong những địa chỉ văn hóa luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Hà Nội nhiều thế hệ. Đến tháng 2.2009, sau khi hợp nhất với Thư viện tỉnh Hà Tây, Thư viện Hà Nội có thêm trụ sở tại số 2B Quang Trung, quận Hà Đông. Năm 2021 - 2022, cơ sở vật chất tại Bà Triệu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đầu tư, cải tạo từ tầng 1 đến tầng 4 với thiết kế hiện đại, khang trang, sạch đẹp, nên càng thu hút đông đảo bạn đọc.

Báo cáo với Đoàn khảo sát tại buổi làm việc, Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh khẳng định, thời gian qua Thư viện Hà Nội không ngừng tăng cường bổ sung và nâng cao chất lượng vốn tài liệu, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc và xu hướng phát triển chung của xã hội. Tổng số vốn tài liệu Thư viện Hà Nội hiện có là 655.844 bản sách.

Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh cho biết, Thư viện Hà Nội cũng đang đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin vào toàn bộ hoạt động thư viện, bảo đảm tính quy chuẩn, chuyên nghiệp hóa trong quá trình xử lý thông tin, nghiệp vụ. Hiện tại, Thư viện Hà Nội đã ứng dụng phần mềm thư viện điện tử LIBOL 6.0 cho các hoạt động nghiệp vụ, quản lý và phục vụ bạn đọc: thực hiện việc cấp thẻ trực tuyến; biên soạn thư mục chuyên đề, thư mục giới thiệu sách mới; số hóa vốn tài liệu địa chí; sản xuất sách phục vụ bạn đọc khiếm thị (sách chữ Braille, sách nói)...

Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh

Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh

Bên cạnh việc phục vụ bạn đọc tại chỗ, Thư viện Hà Nội còn chú trọng công tác phục vụ bạn đọc ngoài thư viện, mở rộng đối tượng, phạm vi cấp thẻ và hình thức phục vụ học sinh đọc sách tại các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố. Đồng thời, luân chuyển sách báo tới các quận, huyện, thị xã; phục vụ thư viện lưu động tới các điểm trường tiểu học và trung học cơ sở thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội, nhằm phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, chú trọng tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng còn gặp nhiều khó khăn để giúp người dân được tiếp cận tri thức một cách thuận tiện…

Tuy nhiên, Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh cho biết, hiện các cơ chế, chính sách chưa quan tâm nhiều đến ngành thư viện và các hoạt động của thư viện nên việc tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc còn hạn chế. Hàng năm Thư viện được cấp kinh phí để bổ sung tài liệu sách, báo, tạp chí, song kinh phí chưa đủ để mua tài liệu điện tử, tài liệu số đáp ứng nhu cầu bạn đọc và bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội...

Bên cạnh đó, công tác phát triển mạng lưới thư viện cơ sở còn khó khăn do thiếu kinh phí hoạt động, thiếu cán bộ phụ trách do chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp. Một số thư viện cấp quận, huyện diện tích chật hẹp, vị trí không thuận lợi, xa dân cư, do đó hạn chế lượng bạn đọc đến sử dụng thư viện…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng - Trưởng đoàn khảo sát phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng - Trưởng đoàn khảo sát phát biểu

Qua nghe ý kiến của Thư viện Hà Nội và các ý kiến trong Đoàn, Đoàn khảo sát đề nghị trong thời gian tới, Thư viện Hà Nội tiếp tục quan tâm xây dựng nguồn tài nguyên thông tin, liên thông, kết nối với các thư viện khác, tạo thuận lợi cho việc khai thác thông tin hiệu quả; nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường các tiện ích, đáp ứng nhu cầu ngày càng của độc giả...

Đoàn tiến hành khảo sát thực tế tại Thư viện Hà Nội

Đoàn tiến hành khảo sát thực tế tại Thư viện Hà Nội

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Luật Thư viện được Quốc hội Khóa XIV thông qua năm 2019 và có hiệu lực từ 1/7/2020 với nhiều quy định khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam, thúc đẩy văn hóa đọc, Đoàn khảo sát đề nghị Hà Nội quán triệt và thực hiện tốt hơn điều này bằng cơ chế, chính sách phù hợp, đặc biệt là tăng đầu tư cho Thư viện Hà Nội làm đầu tàu cho hệ thống thư viện của cả thành phố trong thời gian tới, bởi đây là thiết chế văn hóa, thông tin, giáo dục, khoa học, góp phần tạo môi trường học tập suốt đời cho Nhân dân, xây dựng con người Việt Nam toàn diện./.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79225