Khát đường tránh quốc lộ
Trong khi hầu hết các đô thị, thậm chí đô thị loại 3 ở khu vực phía Nam đều có đường tránh quốc lộ 1A thì nhiều năm qua, TP HCM, trung tâm đô thị lớn nhất cả nước lại không có. Hậu quả là tuyến đường quốc lộ 1A qua TP HCM (dài khoảng 60 km) luôn xảy ra ùn tắc, kẹt xe, áp lực giao thông cực lớn. Hơn nữa, với vài chục điểm giao cắt (cột đèn tín hiệu) khiến các phương tiện thường mất tới vài giờ đồng hồ để di chuyển qua địa bàn TP HCM.
Tuyến quốc lộ 1A là tuyến đường kinh lý Bắc-Nam đi qua hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Lưu lượng phương tiện của quốc lộ 1A luôn lớn hơn các khu vực khác. Vì vậy, khi đi qua các đô thị thường được xây dựng đường tránh để giảm áp lực, nhất là xe tải, container...
Cụ thể, khu vực phía Nam các đô thị như TP Tân An (Long An) có đường tránh dài 6 km; TP Biên Hòa (Đồng Nai) có tuyến tránh khoảng 12 km, TP Vĩnh Long có tuyến tránh gần 8 km hay thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) có tuyến tránh dài 12 km...
Trong đó có tuyến tránh được xây dựng từ hàng chục năm trước. Do quốc lộ 1A có lưu lượng phương tiện xe tải, xontainer hay xe khách nhiều nên việc đi qua trung tâm đô thị sẽ gây mất an toàn giao thông cũng như nhiều nguy cơ.
Rộng hơn, các đô thị khác dọc quốc lộ 1A ở miền Trung hay miền Bắc, việc xây dựng tuyến đường tránh cũng khá phổ biến. Quay trở lại với khu vực TPHCM, dù áp lực phương tiện lớn nhưng quốc lộ 1A qua đây lại chỉ được sửa chữa bằng các dự án BOT.
So với phương án xây đường tránh, việc cải tạo nâng cấp không mang nhiều ý nghĩa bởi các làn đường không thay đổi nhiều. Đặc biệt, do tốc độ đô thị hóa rất nhanh, hiện nay 2 bên đường quốc lộ 1A đoạn qua quận Bình Tân, quận 12, Thủ Đức hay Bình Chánh đã xuất hiện hàng trăm khu dân cư, chung cư… khiến giao thông đi lại vô cùng khó khăn. Hơn nữa, dù không có tuyến đường tránh nhưng nếu di chuyển trọn vẹn tuyến quốc lộ 1A đoạn qua TP HCM, các phương tiện phải mất tới 2 lần thu phí.
Theo một chuyên gia về hạ tầng giao thông nhu cầu có một tuyến đường tránh cho các phương tiện đường dài như vận chuyển nông, thủy sản từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ra Bắc hay xe khách, xe cá nhân là rất lớn. Nếu như khoảng 10 năm trước, quốc lộ 1A vẫn được coi là chạy qua rìa TP HCM thì hiện nay nhiều nơi đã là trung tâm.
Việc sửa chữa, nâng cấp (một vài đoạn nhỏ trong số khoảng 60km) không mang đến nhiều ý nghĩa vì các đoạn không được sửa chữa vẫn xảy ra ùn tắc. Thực tế TP HCM có một vài dự án như đường vành đai 3, vành đai 4 kết nối với các tỉnh, thành khác không qua tuyến quốc lộ 1A nhưng nhiều năm qua các dự án vành đai này chưa được khởi công xây dựng.
Trong khi các phương tiện giao thông của người dân, doanh nghiệp và nhu cầu sử dụng ngày một nhiều thì các dự án hạ tầng giao thông ở TP HCM không đáp ứng kịp. Ngoài các dự án cấp bách, việc thiếu dự án xây dựng đường tránh cũng khiến cho bức tranh giao thông ở TP HCM ngày càng bức bí, ngột ngạt.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khat-duong-tranh-quoc-lo-552056.html