'Khát' giữa đại ngàn
Nước nguồn đã cạn
12 giờ trưa ngày cuối tháng 5, ngồi trong căn nhà chừng 40m2 ghép bằng các tấm tôn của chị Niê H Nía (thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp), nóng hầm hập như chảo lửa. Đang cầm quyển vở quạt cho 5 đứa con thì nghe tiếng lộp độp, chị Niê H Nía vui mừng vội chạy ra kéo tấm tôn có sẵn trên mái nhà để hứng nước mưa vào thùng. Nhưng, cơn mưa rào chỉ tầm được 10 phút, nước chưa kịp tráng thùng thì đã tạnh, khiến chị buồn rầu.
Cả tháng nay, vùng đất này chưa có cơn mưa nào đủ thấm đất, nước sạch đang là vấn đề khiến toàn bộ 4 thôn ở xã Khánh Hiệp gồm 1.037 hộ với 4.224 nhân khẩu, trong đó 90% là đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn.
Người dân nơi đây cho biết, những năm gần đây, các giếng đào, giếng khoan do Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện vẫn có nước, nhưng nguồn nước bị nhiễm phèn nặng nên không dùng sinh hoạt được. Nguồn nước để sinh hoạt duy nhất là nước tự chảy được Nhà nước đầu tư làm đường ống dẫn qua các thôn. Tuy nhiên, mùa nắng hạn nước ngầm cũng dần cạn kiệt, nước chỉ chảy đến thôn Ba Cẳng, còn các khu vực phía dưới như xóm Mới, xóm A Ma Duân (thôn Hòn Lay)… thì không có nước. Vậy nên, cứ tầm 4 - 5 giờ chiều, người dân lại phải mang thùng nhựa đi 4 - 5km lên phía trên thượng nguồn thôn Ba Cẳng để xin nước. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng quá lớn, nước ở thôn Ba Cẳng đến tầm 8 giờ tối là cạn, không đủ để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Ngược về xã Khánh Trung (huyện Khánh Vĩnh), người dân nơi đây cũng đang gặp khó khăn về nước sạch. Giữa trời nắng bỏng rát, ông Cao Văn Diệu (thôn Bắc Sông Giang, xã Khánh Trung) chạy xe máy 5km ngược lên núi Hòn Mưa để lấy nước nguồn về dùng. Ông Diệu cho biết, nước giếng ở khu vực này cạn trơ đáy từ lâu. Người dân chỉ biết lấy nước nguồn từ núi, nhưng hiện nay nước nguồn đang dần cạn kiệt nên nhiều hôm người dân phải đi rất xa (9 - 10km) mới xin được nước về dùng. Một số trường hợp tranh thủ đi rẫy, mang theo can để lấy nước trên núi về sử dụng.
Triển khai nhiều giải pháp chống hạn
Ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp cho biết, trên địa bàn có hai điểm nóng thiếu nước sạch là xóm Mới, xóm A Ma Duân (thôn Hòn Lay). Những khu vực này vốn có đường nước tự chảy nhưng hiện nay đường ống bị hỏng nên không dẫn nước về được. Vừa qua, UBND huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư sửa chữa lại đường ống. Đồng thời, xã Khánh Hiệp cũng được UBND tỉnh quan tâm đầu tư 3 giếng khoan. Hiện nay, xã đang đề xuất thêm một số giếng khoan nữa ở các khu vực không bị nhiễm phèn và lắp các đường ống đấu nối đến tận các thôn xóm để ứng phó với mùa hạn năm nay.
Ông Cường cũng thừa nhận, việc người dân phản ánh nguồn nước sông Chò đang bị cạn và đục không sử dụng được là đúng. Nguyên nhân cơ bản là do nạn khai thác cát trái phép vẫn còn diễn ra ở khu vực ven sông, tình trạng phá rừng vẫn còn. Cùng với đó, dự án Hồ chứa nước Sông Chò 1 (huyện Khánh Vĩnh) đang triển khai trên núi, ngăn lại để làm đập nước nên phải chờ đến khi dự án hoàn thành mới phát huy được hiệu quả.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, từ tháng 4 đến tháng 9-2021, nhiệt độ ở mức xấp xỉ trên trung bình nhiều năm cùng kỳ. Từ tháng 7 đến tháng 9, tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10 đến 20%. Lượng dòng chảy ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ khoảng 10 - 30%. Hiện nay, mực nước ở các đập dâng, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đang ở mức thấp.
Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, để chủ động triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn huyện, UBND huyện đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn và các phòng, ban, đơn vị thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực trạng nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi để có kế hoạch phân phối, điều chỉnh hợp lý nguồn nước, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu thiết yếu và sản xuất nông nghiệp năm 2021. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án phòng, chống hạn năm 2021. Cụ thể, chỉ đạo triển khai các biện pháp cần thiết để phòng, chống hạn, thiếu nước (nạo vét, gia cố chống rò rỉ thất thoát nước tại các cửa lấy nước, cống, kênh mương; lắp đặt, vận hành trạm bơm dã chiến); chủ động tích trữ nước trong các hồ, ao, vùng trũng thấp để sử dụng trong thời kỳ cao điểm hạn hán.
Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước cho các hộ ở những khu vực hạn hán, thiếu nước; chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương, huy động các nguồn kinh phí khác để phòng, chống hạn hán, thiếu nước; tuyên truyền người dân tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng thì cần ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cây trồng có giá trị kinh tế cao...
THÁI THỊNH
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202105/khat-giua-dai-ngan-8217514/