Khát lao động sau Tết

Tình trạng thiếu lao động sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán từ lâu đã luôn là vấn đề đau đầu mà không ít doanh nghiệp phải đối mặt.

Những ngày qua, doanh nghiệp ở nhiều nơi trên cả nước đã đồng loạt thông báo tuyển một lượng lớn lao động do nhận được đơn hàng trở lại. Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) cho biết nhu cầu tuyển dụng đang khá sôi động tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt tại các trung tâm công nghiệp lớn như Hà Nội, Bình Dương, TP.HCM...

Sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp thường tuyển dụng lao động với số lượng lớn - Ảnh: TN

Sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp thường tuyển dụng lao động với số lượng lớn - Ảnh: TN

Các doanh nghiệp đang tích cực tập trung tuyển dụng lao động ngay từ thời điểm đầu năm để bổ sung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là cơ hội việc làm cho người lao động, nhất là sinh viên, học viên mới tốt nghiệp tìm được việc làm và người lao động có nhu cầu thay đổi việc làm phù hợp. Một số nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn là: bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải - logistics, dịch vụ nhà hàng khách sạn, du lịch...

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, sau Tết Nguyên đán, thị trường lao động tiếp tục đà phục hồi, sự khởi sắc đầu năm thể hiện tại các thị trường lao động lớn trong cả nước. TP.Hà Nội có 29 doanh nghiệp đăng ký, với tổng chỉ tiêu tuyển dụng là 977 chỉ tiêu. Trong tổng số 29 doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch có 15 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ, chiếm tỷ lệ cao nhất (51,7%), còn lại thuộc lĩnh vực sản xuất, xây dựng, bất động sản... Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng - đại học trở lên là 385 người, chiếm tỷ lệ 39,4%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp - công nhân kỹ thuật là 32 người, chiếm tỷ lệ 33,6%...

Mức thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng cho các chỉ tiêu tuyển dụng vào các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng - phó phòng... Mức thu nhập phổ biến từ 7 - 10 triệu đồng/tháng sẽ dành cho đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng dành mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, partime...

Trong số các ngành doanh nghiệp tuyển dụng, ngành công nghiệp sản xuất điện tử; ngành kinh doanh; may mặc... vẫn là những ngành có số lượng tuyển dụng lao động nhiều nhất. Các phân khúc thu nhập cũng được doanh nghiệp tham gia tuyển dụng đưa ra khá đa dạng. Mức thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng trở lên có 154 chỉ tiêu; mức thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng có 283 chỉ tiêu; mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng có 345 chỉ tiêu; mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng có 167 chỉ tiêu; mức thu nhập thỏa thuận có 28 chỉ tiêu.

Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, ngay sau Tết Nguyên đán, thị trường lao động tiếp tục đà phục hồi, sự khởi sắc đầu năm thể hiện tại các thị trường lao động lớn trong cả nước. Các doanh nghiệp đang tích cực tập trung tuyển dụng lao động ngay từ đầu năm để bổ sung nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Sau Tết Nguyên đán, chị Nguyễn Thị Mai Hương ở huyện Thạch Thất (TP.Hà Nội) đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhờ các cán bộ, nhân viên tại đơn vị hỗ trợ tư vấn việc làm. Trước đây, chị Hương làm cho một công ty sản xuất linh kiện điện tử ở Hưng Yên. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, số lượng đơn hàng của công ty sụt giảm mạnh, kéo theo thu nhập của chị không ổn định, từ 10 triệu đồng/tháng nay chỉ còn 5 triệu đồng/tháng, không còn tăng ca. Do đó, sau Tết Nguyên dán, chị quyết tìm việc làm mới.

Chị Hương chia sẻ: "Tôi cùng với 3 người bạn thống nhất tìm việc làm mới. Vì với khoảng 5 triệu đồng/tháng thì thật sự không sống nổi. Các khoản chi phí trong nhà tôi phải lo, bao gồm tiền ăn học của 2 đứa con, mỗi tháng cũng hết 8 triệu đồng". Không chỉ chị Hương mà đó cũng là suy nghĩ của rất nhiều người lao động sau Tết Nguyên đán.

Số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An cho biết đến ngày 24.2 đã có 116 doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động liên hệ với trung tâm với khoảng 30.000 lao động. Các doanh nghiệp tuyển dụng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: may mặc, sản xuất giày da, sản xuất thép, linh kiện điện tử, cơ khí...

Cụ thể, sau kỳ nghỉ tết, số lượng lao động đến thông báo về tình trạng việc làm và cần tư vấn công việc tại trung tâm tăng cao, trung bình mỗi ngày có hơn 900 trường hợp, bao gồm tại các cơ sở khác ở các huyện Anh Sơn, Diễn Châu...

"Số lao động đến thông báo tìm kiếm việc làm đầu năm tăng cao là do trong năm 2023 vừa qua, kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp, đơn vị phá sản, cắt giảm lao động. Do đó, nhiều lao động tại Nghệ An trở về quê hương thời gian qua vừa ăn Tết vừa tìm kiếm cơ hội mới tại quê nhà. Mỗi ngày, đơn vị liên tục tư vấn, giới thiệu các vị trí công việc mới cho người lao động", lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An cho biết thêm.

Trong đó có thể kể đến các doanh nghiệp cần số lao động lớn như: Công ty TNHH Giầy Cypress Việt Nam sản xuất giày da tại Khu công nghiệp WHA Nghi Thuận, Nghi Lộc; Công ty TNHH Giày Andromeda tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 1, TX.Hoàng Mai, Nghệ An...

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Thanh Hóa, trong gần 2 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 9.360 lao động, trong đó có hơn 1.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, các huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành việc chi trả trợ cấp xã hội tháng 1 và tháng 2.2024 đối với hơn 193.000 đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí thực hiện cả 2 tháng trên 200 tỉ đồng.

Những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM ồ ạt thông báo tuyển lượng lớn lao động với số lượng lớn do nhận được đơn hàng trở lại. Sau Tết, nhiều doanh nghiệp thiếu hụt lao động, nhất là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, điện - điện tử, kinh doanh bảo hiểm - tài chính... Nhu cầu nhân lực thành phố cần khoảng 52.000 lao động, tập trung ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ (chiếm 70,56%), công nghiệp - xây dựng (28,66%), nông - lâm nghiệp và thủy sản (0,78%). Trong đó, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố khoảng 1.000 lao động có trình độ đại học trở lên, hơn 500 lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp và gần 8.800 lao động phổ thông.

Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM cho biết đơn vị hiện tiếp nhận thông tin đăng ký tuyển dụng của 102 doanh nghiệp với tổng nhu cầu tuyển dụng gần 20.000 vị trí việc làm. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều ở các ngành da giày - may mặc, chiếm 42,76% tổng nhu cầu tuyển dụng; lao động phổ thông chiếm 12,15%; kinh doanh - quản lý chiếm 11,27%; công nghệ thông tin chiếm 5,61%; kỹ thuật - cơ khí chiếm 5,27% và ngành nghề khác khoảng 22,94%.

Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) Vũ Trọng Bình cho rằng lực lượng lao động quay trở lại làm việc với tỷ lệ cao ngay từ những ngày đầu năm mới là tín hiệu vui và tích cực. Đây cũng có thể là dấu hiệu của sự phục hồi thị trường lao động trong năm 2024.

"Thị trường lao động năm 2024 được dự báo sẽ tăng tốc và bứt phá. Năm 2024, chúng tôi sẽ thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, yếu thế. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng thị trường lao động", ông Bình nói.

Ông Bình cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, thực hiện các giải pháp nhằm thu hút người lao động quay lại làm việc tại các địa phương, duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực sau Tết, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ như đã từng xảy ra những năm trước đây.

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/khat-lao-dong-sau-tet-214455.html