'Khát' ure, chuỗi cung ứng của Australia đứng trước nguy cơ 'vỡ vụn'
Australia có khả năng sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung dung dịch xử lý khí thải sử dụng trong hoạt động vận tải, giữa bối cảnh Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu urê, một loại hóa chất quan trọng dùng cho các loại động cơ chạy bằng nhiên liệu diesel.
Theo nhà báo Stephen Johnson của tờ Daily Mail Australia, một nửa trong tổng số xe tải đường dài của Australia sử dụng nhiên liệu diesel. Các xe này cần urê để động cơ có thể hoạt động. Do 80% nguồn cung urê tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến từ Trung Quốc, Hiệp hội Vận tải Đường Bộ Quốc gia Australia cho biết, lượng dự trữ urê trong nước đã gần cạn kiệt.
Nếu trong vòng 8 tuần nữa, Australia không tìm kiếm được nguồn cung thay thế, hoặc Trung Quốc không dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu hóa chất này, thì phần lớn các đội xe tải chở hàng hóa của "xứ chuột túi" sẽ buộc phải ngừng hoạt động, từ đó tác động mạnh đến chuỗi cung ứng và khiến nhiều loại hàng hóa thiết yếu không thể lưu thông.
Vì sao urê lại quan trọng?
Urê là một loại hóa chất chủ yếu được sử dụng chủ yếu làm phân bón trong nông nghiệp. Nhưng một phiên bản tinh chế hơn của nguyên liệu này được đưa thêm vào động cơ chạy bằng nhiên liệu diesel, để giúp giảm lượng khí thải oxide nitric.
Urê, chất phụ gia môi trường, sẽ được đổ vào hệ thống xả của các loại xe chạy bằng nhiên liệu diesel, để ngăn không cho chất thải oxide nitric, gây ô nhiễm khói bụi, bơm vào khí quyển. Do thế giới đang ngày càng tăng cường hành động chống lại ô nhiễm môi trường, urê đã trở thành một sản phẩm cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải xe, ở hầu hết các quốc gia.
Tại Australia, loại dung dịch xả khí thải diesel bày bán trên thị trường có tên gọi là AdBlue. Hợp chất này chứa 32% urê và 68% nước khử ion. AdBlue sẽ được rót trực tiếp vào hệ thống xả của động cơ chạy bằng diesel, dùng trong các loại ô tô, máy móc xây dựng dân dụng và nông nghiệp.
Nếu không có dung dịch để xử lý khí thải diesel, nhiều xe chở hàng trọng tải lớn, xe tải nhỏ và xe ô tô chạy bằng nhiên liệu diesel, có hệ thống quản lý động cơ nhạy cảm với môi trường, sẽ không được phép hoạt động.
Hiện tại các thị trường đang vào mùa cao điểm trước dịp lễ Giáng sinh. Với lượng đặt hàng lớn, các tài xế xe tải của Australia lo ngại nguồn hóa chất urê sẽ cạn kiệt ngay trong tháng 12/2021, thay vì duy trì được tới cuối tháng 1/2022 như dự báo trước đó.
Sự việc thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi công ty hóa chất Incitec Pivot tại thành phố Brisbane (bang Queensland), vào tháng 11, thông báo sẽ dừng sản xuất urê tinh chế, dùng trong hoạt động vận tải, từ năm 2022.
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng
Giám đốc điều hành của Hiệp hội Vận tải Đường Bộ Quốc gia Australia Warren Clark mới đây đã lên tiếng kêu gọi Bộ trưởng Thương mại Dan Tehan cần nhanh chóng tìm nguồn cung thay thế. Ông Clark nói chúng tôi thực sự không biết còn bao nhiêu urê trong chuỗi cung ứng và một số thành viên của Hiệp hội Vận tải Đường Bộ Quốc gia Australia đã nói rằng, họ có thể cạn kiệt urê sớm nhất là trong tuần này.
Theo ông Clark, sự thiếu hụt urê sẽ gây ra tác động đối với bất kỳ loại xe nào sử dụng động cơ diesel kiểu mới, từ các nhà làm nông cho đến tài xế đường trường, người tham gia giao thông. Việc thay đổi động cơ không cần dùng đến urê như một giải pháp thay thế sẽ là điều không thực tế và bất hợp pháp, thậm chí có thể gây ra các thiệt hại đáng kể với môi trường và nền kinh tế, xã hội.
Hiệp hội Vận tải Đường bộ Quốc gia Australia đã có cuộc họp với các cố vấn chính sách của Phó Thủ tướng Barnaby Joyce vào ngày 3/12. Tại cuộc họp này, Giám đốc điều hành công ty Shaws Darwin Transport, Allan Thornley, thành viên hội đồng quản trị của nhóm vận động hành lang, cảnh báo nguồn cung urê của Australia chỉ còn đủ cho 8 tuần nữa.
Ông nói: "Chúng tôi được thông báo là không có nguồn cung nào sau tháng 1/2022. Với tình hình hiện nay, rất có thể dự trữ urê sẽ cạn kiệt trước thời điểm đó. Chúng ta sẽ không có dịch vụ vận tải, toàn bộ mạng lưới cung cấp hàng hóa sẽ sụp đổ".
Khan hiếm nguồn cung
Tại Australia, chỉ duy nhất công ty hóa chất Incitec Pivot là nhà sản xuất nguyên liệu urê dùng trong hoạt động vận tải. Tuy nhiên, vào tháng 11 vừa qua, Giám đốc điều hành Jeanne Johns của Incitec Pivot đã thông báo công ty sẽ ngừng sản xuất urê tại nhà máy Gibson Island ở thành phố Brisbane từ năm 2022, vì tranh chấp nguồn cung cấp khí đốt và hướng tới một "tương lai xanh".
Bà Johns cho biết, Incitec Pivot sẽ nhập khẩu hóa chất này, cùng với các loại phân bón khác từ nước ngoài, thay vì sản xuất trong nước.
Trước khi đưa ra quyết định dừng sản xuất urê dạng hạt tại Australia, Incitec Pivot từng cho hay urê tinh chế sản xuất của công ty không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các loại động cơ diesel trong nước.
Báo cáo của Incitec Pivot vào tháng 4/2017 viết: "Incitec Pivot sản xuất urê dạng hạt ở thành phố Brisbane. Đây là nhà máy duy nhất sản xuất loại sản phẩm này tại Australia. Australia không tự cung cấp được urê và một lượng đáng kể hóa chất được nhập khẩu, để bổ sung cho nguồn sản xuất trong nước".
Vào tháng 10/2021, một tháng trước khi công bố kế hoạch ngừng sản xuất urê trong nước, Incitec Pivot đã công bố một nghiên cứu khả thi, hợp tác với tập đoàn Fortescue Metals, để biến đảo Gibson (bang Queensland) thành một nhà máy sản xuất phân bón urê dạng hạt xanh.
Hiện rất nhiều tập đoàn lớn của Australia đang lên kế hoạch chuyển đổi sang hoạt động sản xuất dành cho tương lai sử dụng xe điện, theo chính sách chung của Chính phủ Australia, hướng tới mục tiêu có 30% tổng số ôtô mới được bán ra trong năm 2030 là xe điện hoặc xe hybrid (lai giữa xăng và điện).
Thủ hiến bang Queensland, bà Annastacia Palaszczuk, đã đến thăm nhà máy trên đảo Gibson cùng với tỷ phú Andrew Forrest, Chủ tịch tập đoàn Fortescue Metals, khi công ty của ông công bố ý tưởng hợp tác sản xuất 50.000 tấn hydro tái tạo mỗi năm.
Tháng 7/2021, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc tuyên bố sẽ kiểm soát hoạt động tích trữ phân bón, dẫn đến việc các công ty quốc doanh hạn chế xuất khẩu hóa chất. Trước đó, đối tác thương mại lớn nhất của Australia, cũng đã thông báo ngừng xuất khẩu urê, trong nỗ lực kiềm chế giá phân bón và ngăn lạm phát lương thực nội địa tăng cao.