Khát vọng bên núi Hoàng Liên
Trong những năm gần đây, trên địa bàn thị xã Sa Pa, đặc biệt là ở xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân làm theo lời Bác thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
Ghi ở những mô hình hay
Từ thành phố Lào Cai theo Quốc lộ 4D ngược dốc đến cửa ngõ thị xã Sa Pa chẳng mấy chốc chúng tôi đã có mặt tại trung tâm phường Hàm Rồng. Gọi là phường, nhưng đa số người dân ở các tổ dân phố lại là đồng bào dân tộc thiểu số với công việc chính hằng ngày là sản xuất nông nghiệp. Điều đó cũng dễ nhận ra khi trước mắt chúng tôi là thung lũng Tả Hồ với màu xanh mướt của rau, màu trắng của nhà màng trồng rau ứng dụng công nghệ cao và những ngôi nhà của đồng bào Mông, Dao nằm rải rác bên sườn núi.
Đang bận rộn chăm sóc những luống rau bắp cải lên xanh mướt trong vườn, anh Hạng A Vảng, Tổ dân phố số 1 bảo năm nay thời tiết thuận lợi, rau ít bị sâu bệnh, chỉ khoảng một tháng nữa vườn rau bắp cải của gia đình sẽ đến thời điểm thu hoạch. Năm nay, gia đình anh Vảng trồng 3 vạn cây bắp cải, dự tính thu được 30 tấn, nếu bán giá 5.000 đồng/kg sẽ thu về 150 triệu đồng. Anh Vảng cũng đang chuẩn bị trồng khoảng 2,5 vạn cây mầm đá, loại rau đang có giá bán trên thị trường 15 - 20 nghìn đồng/kg, dự tính tổng sản lượng 25 tấn thì anh sẽ thu về 350 triệu đồng.
Năm 2021, từ mô hình trồng khoảng 1 ha rau với các loại rau trái vụ như rau mùi, xà lách, su hào, bắp cải, súp lơ, mầm đá… gia đình anh Hạng A Vảng thu khoảng 300 triệu đồng, trừ chi phí, số tiền lãi là hơn 200 triệu đồng. Anh Vảng được công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Những năm trước, từ trồng rau, anh thu nhập ổn định mỗi năm từ 200 đến 300 triệu đồng. Anh không chỉ xây được ngôi nhà khang trang mà còn mua được chiếc ô tô bán tải trị giá gần 1 tỷ đồng phục vụ sản xuất.
Ông Má A Sẳng, Phó Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng hồ hởi nói với chúng tôi “Nhiều hộ trên địa bàn phường tích cực thi đua tăng gia, sản xuất theo lời Bác Hồ dạy”. Năm 2021, trên địa bàn phường có 57 hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét cuối năm, có 3 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương; 16 hộ cấp tỉnh; 14 hộ cấp thị xã và 15 hộ cấp xã, phường.
Ngoài ông Hạng A Vảng còn có mô hình trồng hoa địa lan của ông Má A Lù; mô hình trồng Atiso của ông Má A Cở… hằng năm cho thu nhập 300 - 500 triệu đồng. Các hộ nông dân đã áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất chuyên canh bền vững gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Việc phát triển nông nghiệp còn góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái.
Rời phường Hàm Rồng, chúng tôi tiếp tục ngược dốc đến vùng đất còn khá hoang sơ dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn, trước đây là xã Bản Khoang và xã Tả Giàng Phình. Sau mấy năm trở lại, thật bất ngờ vì những đổi thay rõ nét nơi đây, không chỉ nhiều ngôi nhà mới mọc lên, mà hai bên đường còn có nhiều trang trại nuôi cá, trồng hoa, trồng rau các loại. Những homestay, farmstay cũng được đầu tư và mở cửa đón khách, thu hút du khách đến nghỉ dưỡng và tiếp tục hành trình trải nghiệm Y Tý.
Anh Sùng A Lử, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngũ Chỉ Sơn cho biết: Xã có gần 100% dân số là dân tộc thiểu số, còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, xã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 2021, xã Ngũ Chỉ Sơn có 139 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 2 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương là ông Nguyễn Văn Lũy, Nguyễn Thế Hải với mô hình nuôi cá nước lạnh. Ngoài ra còn có 5 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và 42 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thị xã là người dân tộc thiểu số.
Đến xã Ngũ Chỉ Sơn lần này, chúng tôi còn được tham quan mô hình sản xuất của các ông: Hạng A Giả (thôn Móng Xóa); Chảo Duần Mình (thôn Can Hồ B); Chảo Dào Phú (thôn Can Hồ A)… Chính họ, những triệu phú nông dân với khát vọng vươn lên đã và đang làm đổi thay diện mạo của vùng đất dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn quanh năm mây phủ.
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua sản xuất giỏi
Ở thị xã Sa Pa, những nơi chúng tôi qua đều là các cung bậc cảm xúc. Trên những vùng đất nghèo khó ấy, nhờ sự thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất mà không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành tấm gương sáng để các hộ khác học hỏi, làm theo.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sa Pa cho biết: Phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” có sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ, không dừng lại ở một vài hộ, một vài thôn, bản, tổ dân phố mà ngày càng xuất hiện nhiều hơn những mô hình hay, cách làm sáng tạo, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2021, thị xã Sa Pa có 1.322 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, chiếm 10,2% hộ sản xuất nông nghiệp, ở khu vực nông thôn, trong đó 15 hộ đạt cấp trung ương, 125 hộ đạt cấp tỉnh, 384 hộ đạt cấp thị xã, 798 hộ đạt cấp xã.
Điều đáng mừng là số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi người dân tộc thiểu số ngày càng tăng, qua phong trào đã có 1.057 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp là người dân tộc thiểu số, chiếm 80%. Đặc biệt, có 26 hộ dân tộc thiểu số là hộ nghèo vượt khó với mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, điển hình là các hộ: Chảo Vần Chòi (xã Bản Hồ); Hạng A Xóa (phường Phan Si Păng); Tẩn Kiềm Tá, Đào A Củi, Chảo Vần Sinh (xã Mường Bo). Từ mô hình chăn nuôi và trồng trọt, các hộ này có thu nhập 140 - 150 triệu đồng/năm.
Trước đây, chủ yếu các hộ sản xuất, kinh doanh độc lập nên khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng giờ đây, nhiều hộ sản xuất giỏi đã góp phần hình thành các hợp tác xã và liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tạo đầu ra ổn định hơn cho sản xuất. Cũng từ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giảm nghèo bền vững mà năm 2021 đã xây dựng được 14 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, nâng tổng số sản phẩm được chứng nhận trên địa bàn thị xã lên 32 sản phẩm.
Ông Nguyễn Viết Ánh khẳng định: Việc đẩy mạnh phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở Sa Pa không chỉ tạo bước đột phá, chuyển biến lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, mà còn mang tính nhân văn sâu sắc.
Các triệu phú nông dân tích cực phổ biến, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, hướng dẫn, giúp đỡ vốn, kỹ thuật, cây, con giống cho người dân, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Cùng với đó, tác động tích cực tới việc cải tạo môi trường nông thôn, xây dựng nông thôn mới, làm cho diện mạo các thôn, bản vùng cao ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.
Mỗi hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là gương sáng điển hình tiên tiến làm theo lời Bác Hồ dạy, thể hiện tinh thần bền bỉ vượt khó, không cam chịu đói nghèo, khát vọng và quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng cho chính mình và giúp đỡ người khác cùng vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/360598-khat-vong-ben-nui-hoang-lien