Khát vọng cống hiến
(Báo Quảng Ngãi)- Gắn bó với nghề cầm bút, nhiều phóng viên, nhà báo đang công tác tại Báo Quảng Ngãi luôn tận tụy cống hiến cho đời, cho nghề, mang đến cho công chúng những tác phẩm báo chí chất lượng, khắc sâu trong lòng bạn đọc.
Nhà báo Thanh Thuận - Biên tập viên, Phòng Nội chính - Văn hóa - Xây dựng Đảng:
Làm báo vì đam mê và trách nhiệm
Với tôi, hơn 20 năm làm báo là khoảng thời gian đủ dài để trải nghiệm cuộc sống, kinh nghiệm làm nghề và cũng nếm trải đầy đủ “gia vị” của nghề. Cũng như bao phụ nữ khác, có những lúc công việc vất vả, áp lực, đôi khi cũng chạnh lòng muốn chùn bước, nhưng rồi đó chỉ là phút thoáng qua trong suy nghĩ. Khi công việc hoàn thành tôi lại tiếp tục lao vào nhận nhiệm vụ mới, những đề tài mới. Bởi đã là đam mê thì dù có khó khăn đến mấy cũng không bỏ được.
Bởi lẽ, với nghề báo, càng vất vả, càng cống hiến thì chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng. Đó chính là lúc những tác phẩm của mình được vinh danh. Với gần 20 giải thưởng báo chí cấp trung ương đoạt được như Giải Báo chí Quốc gia, Giải Búa liềm vàng toàn quốc, Giải báo chí vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, Giải Sáng tác, quảng bá các tác phẩm về chủ đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là thành quả của những ngày vất vả đó...
Tôi cho rằng, nghề báo chỉ đam mê thôi là chưa đủ, mà còn phải có trách nhiệm với nghề, làm nghề phải bằng cái tâm trong sáng. Ngoài ra, để có được thành tích đó, ngoài sự nỗ lực, tư duy của bản thân, tôi còn được Ban biên tập hỗ trợ trong việc định hướng, xử lý, bổ sung, góp ý đề tài; cách làm việc nhóm, trao đổi thông tin... Từ đó, mỗi tác phẩm báo chí ra đời đều có cả trách nhiệm, tình cảm và sự tâm huyết của tập thể cơ quan báo.
Chúng tôi, những người đã, đang và sẽ sống với nghề luôn coi đó là niềm vinh dự, tự hào. Mong rằng, mỗi tác phẩm ra đời sẽ góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, xứng đáng với trọng trách to lớn mà Đảng và nhân dân giao phó.
Nhà báo Nguyễn Triều - Phó Trưởng phòng Thư ký - Tòa soạn:
Tôi yêu nghề báo
Được làm báo, là một trong những điều tuyệt vời nhất của cuộc đời tôi!
Nghề báo có vui không? Cho đến giờ, tôi có thể trả lời không do dự rằng, nghề báo vui. Nghề báo cho tôi gặp những con người rất đỗi bình thường, tử tế và lương thiện. Nghề báo cũng cho tôi gặp những người anh em, đồng nghiệp đầy hào sảng. Nghề báo cho tôi thân quen với nhiều phóng viên, nhà báo mà sự hiểu biết của họ rất uyên thâm. Nghề báo cho tôi đến những nơi mà nếu không làm nghề, thì tôi chẳng đến được bao giờ, đó là quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nghề báo có nhọc nhằn không? Nghề báo rất đỗi nhọc nhằn. Lên rừng, xuống biển, đội mưa, vượt lũ, xông pha vào vùng dịch... để cung cấp thông tin nóng hổi cho bạn đọc.
Nghề báo có buồn không? Đã hơn một lần, nghề báo làm tôi tổn thương. Nhưng khi gắn bó với nghề bằng niềm đam mê thì nỗi buồn nào rồi cũng qua!
Nhiều lúc tôi tự hỏi, nếu được bắt đầu lại từ 15 năm trước, tôi có chọn nghề báo không. Và tôi tự trả lời rằng, chắc chắn tôi vẫn theo nghề báo. Đơn giản là vì, tôi yêu nghề báo vô cùng!
Nhà báo Xuân Hiếu - Phó Bí thư Chi đoàn Báo Quảng Ngãi:
Đề cao trách nhiệm với nghề
Nghề báo là nghề đi và viết. Tôi đã vinh dự 2 lần vượt hàng trăm hải lý để đến thăm và tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. Đây là một niềm vinh dự lớn. Mỗi lần đặt chân đến đó luôn để lại trong tôi những ấn tượng khó phai, dù điều kiện tác nghiệp không hề đơn giản.
Với chuyến đi Trường Sa năm 2018, tôi vẫn còn nhớ như in khi hầu như cánh phóng viên ai cũng say sóng, nằm li bì. Nhưng đổi lại, thời gian ở trên các đảo được dài hơn. Chúng tôi được đến các đảo Phan Vinh, Thuyền Chài, Tiên Nữ, Tốc Tan...; được tìm hiểu và trải nghiệm những khoảnh khắc cuộc sống cùng những người lính đảo. Còn chuyến đi Nhà giàn DK1 thì để lại nhiều tiếc nuối vì đoàn chỉ lên được 1 nhà giàn bởi sóng lớn, tàu khó tiếp cận để đưa phóng viên, nhà báo lên nhà giàn. Vì thế, chúng tôi phải gửi lời động viên, chia sẻ cùng các chiến sĩ trên các nhà giàn qua sóng bộ đàm mà không được gặp gỡ trực tiếp.
Trường Sa, Nhà giàn DK là những “địa danh” thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió, nơi có những con người can trường, bản lĩnh, ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc. Có ra Trường Sa tác nghiệp, được tận mắt chứng kiến ý chí kiên định cùng nghị lực phi thường của quân và dân ta, mới thấy mình thêm yêu Tổ quốc, yêu nghề đã cho mình có được những chuyến đi đầy ý nghĩa, suy nghĩ tích cực hơn và trách nhiệm nghề nghiệp của mình càng cao hơn.
Nhà báo Trịnh Phương - Phòng Nội chính - Văn hóa - Xây dựng Đảng:
Mỗi tác phẩm là một sự trải nghiệm
Tròn 15 năm công tác tại Báo Quảng Ngãi với hơn 10 năm được Ban Biên tập, lãnh đạo phòng phân công phụ trách lĩnh vực GD&ĐT đã đem đến cho tôi những trải nghiệm quý giá, cùng những “thành quả” đáng khích lệ. Tôi đã 3 lần đoạt giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam cùng giải báo chí tỉnh và các giải báo chí quy mô cấp tỉnh. Để có được những thành quả, những trải nghiệm ấy là sự động viên, cổ vũ, khích lệ cả hỗ trợ của các anh chị đồng nghiệp, Ban Biên tập. Bởi lẽ, tác phẩm báo chí là sản phẩm của tập thể, đòi hỏi sự cộng đồng trách nhiệm của tập thể thì mới tạo nên những tác phẩm chất lượng.
Theo tôi, làm việc gì cũng phải có niềm đam mê và lòng tự trọng với chính mình cũng như công việc. Tôi yêu công việc của mình, có thể ban đầu tôi không chọn nghề làm báo để xây dựng tương lai, nhưng có lẽ là cơ duyên đã đưa tôi đến với nghề. Cứ dần như vậy, tập tễnh làm nghề rồi dần cứng cỏi, trưởng thành, nhờ sự hỗ trợ, chỉ bảo của các thế hệ đi trước, những đồng nghiệp... và tôi đã đam mê nghề báo tự lúc nào không hay. Giờ đây, với tôi, được đi, được viết, được phản ánh những thân phận, những sự kiện của cuộc sống là niềm hạnh phúc lớn nhất. Mỗi tác phẩm báo chí là “đứa con tinh thần” được viết ra bằng niềm đam mê và trách nhiệm của mình đối với xã hội. Tôi luôn tâm niệm, giữ vững ngòi bút “thẳng trong” và “giữ lửa” trong chính mình ở mỗi tác phẩm.
Phóng viên Xuân Thiên - Phòng Nội chính - Văn hóa- Xây dựng Đảng:
Trưởng thành hơn từ những chuyến đi
Với tôi, được phụ trách lĩnh vực quốc phòng là một may mắn. Mỗi năm, tôi có vài lần được cơ quan phân công đi công tác ngoại tỉnh. Trong đó, có những chuyến công tác đặc biệt đến với các vùng biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Khoảng 2 năm trở lại đây, tôi đã có 2 chuyến đi đáng nhớ là đến đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) và các nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. Tổng thời gian trên biển là 20 ngày với gần 2.000 hải lý. Cả 2 chuyến công tác đều vào dịp trước thềm tết Nguyên đán, nên cũng khá vất vả bởi biển động, sóng to.
Nhưng chính trải nghiệm với những thử thách nơi biển cả, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống của ngư dân ngày đêm bám biển, chống chọi với sóng gió; về công việc của các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, để bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Qua đó, mình thấy có trách nhiệm hơn với nghề báo.
Qua những chuyến đi, tôi đã đưa những hình ảnh, kể những câu chuyện mà mình chứng kiến, cảm nhận từ hiện trường lên tờ báo mình công tác, góp phần cổ vũ, động viên những lực lượng làm nhiệm vụ trên biển... Đó là niềm vui và vinh dự lớn trong nghề cầm bút.
Phóng viên Thanh Phương - Phòng Báo điện tử:
Những kỷ niệm khó quên
Hơn 12 năm công tác ở mái nhà chung Báo Quảng Ngãi, tôi nhận ra rằng, nghề báo là công việc vất vả nhưng đầy thú vị. Để “trụ” được với nghề, ngoài niềm đam mê, những nhà báo, phóng viên nữ như chúng tôi còn phải giải quyết tốt áp lực giữa công việc và gia đình, công việc đột xuất, giờ giấc không ổn định, nguy cơ đối mặt với những vấn đề phức tạp của xã hội.
Vượt qua những khó khăn ấy, khi dấn thân vào nghề, tôi càng thấy say mê hơn. Nghề đã cho tôi cơ hội để hiểu mình và hiểu cuộc đời. Mỗi chuyến đi công tác, được gặp gỡ, trò chuyện, trải nghiệm và lắng nghe những nhân vật bộc bạch, được hòa mình với niềm vui, nỗi buồn của các nhân vật đã trở thành những kỷ niệm không thể nào quên đối với bản thân tôi. Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh người dân đoàn kết, đùm bọc nhau giữa tâm dịch Covid-19. Tôi cũng không thể quên hình ảnh mệt nhoài của các y, bác sĩ trong bệnh viện điều trị cho bệnh nhân Covid-19 sau nhiều giờ làm việc trong bộ đồ bảo hộ nóng bức. Gian truân, vất vả và không được gặp gia đình trong nhiều ngày, nhưng những chiến sĩ áo trắng vẫn kiên định, hoàn thành tốt sứ mệnh của mình để góp phần đẩy lùi đại dịch. Hay qua những lần tác nghiệp trong bão lũ, tôi thấu hiểu sự yếu ớt, nhỏ bé của con người trước sức mạnh tàn phá của thiên tai.
Qua mỗi chuyến đi, tôi và các đồng nghiệp có những cung bậc cảm xúc khác nhau. Sau những cảm xúc ấy, chúng tôi lại có dịp nhìn lại mình và hun đúc thêm niềm đam mê với nghề. Vẫn biết sẽ còn những chông gai ở phía trước, nhưng tôi rất tự hào vì đã chọn nghề báo làm lối đi cho mình. Được đi, được trải nghiệm để có những đề tài hay, bài viết đáng nhớ... là những giá trị quý báu nghề báo dành cho chúng tôi.
Phóng viên Ý Thu - Phòng Kinh tế - Xã hội:
Nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng...”
Đầu năm 2017, tôi vinh dự được đi công tác tại các nhà giàn DK1 ở thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. Được đặt chân đến các nhà giàn DK1 giữa biển khơi, chứng kiến các cán bộ, chiến sĩ hải quân thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện gian truân, vất vả; khiến tôi càng biết ơn và thấm thía về những hy sinh lặng thầm của cán bộ, chiến sĩ nơi đây.
Nằm giữa biển, nên vào mùa biển động, các nhà giàn DK1 là “tâm điểm” chịu sóng gió. Cùng với đó, nước sạch và rau xanh - những thứ tưởng chừng rất đỗi bình thường trong đất liền, nhưng lại trở nên quý giá đối với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn.
Vì nhiệm vụ, cán bộ công tác tại Nhà giàn DK1 nhiều năm phải đón Tết xa nhà; đồng thời, không thể có mặt bên gia đình vào những thời điểm quan trọng, như lúc vợ sinh con, lúc con kết hôn... Song, vượt lên trên tất cả, cán bộ, chiến sĩ công tác tại các nhà giàn luôn yêu đời, lạc quan, hăng say công tác, một lòng phụng sự Tổ quốc.
Chứng kiến những điều đó, tôi càng thêm hiểu ý nghĩa của câu “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” trong bài hát “Một đời người một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Các cán bộ, chiến sĩ hải quân đã chọn việc gian khổ về mình và luôn một lòng phụng sự Tổ quốc, khiến tôi tự nhủ với bản thân rằng, là một người làm báo, tôi càng phải có trách nhiệm đi nhiều hơn nữa, dấn thân đến những nơi gian khổ hơn nữa, không ngại khó, không ngại khổ, phát huy hơn nữa sức trẻ của mình trong thực hiện các tác phẩm báo chí chất lượng, mang đậm hơi thở cuộc sống.
Phóng viên Thiên Hậu - Phòng Báo điện tử:
Luôn khao khát được cống hiến
“Hạnh phúc là có việc để làm, có người để yêu thương và có thứ để chờ đợi”. Với tôi, hạnh phúc còn là được gắn bó với nghề nghiệp mình yêu thích. Là người thích đi đây đi đó, khám phá cuộc sống và tìm hiểu về các ngành nghề, lĩnh vực... nên tôi yêu thích công việc phóng viên.
Thấm thoắt đã tròn 10 năm tôi được công tác tại Báo Quảng Ngãi và phân công về Phòng Báo điện tử. Đặc thù của báo điện tử là tích hợp các loại hình báo chí, nên tôi được lên hình, được học cách quay phim, dựng hình và được viết. Tôi được đi đến những vùng đất mới, gặp gỡ những con người thú vị. Họ không chỉ là chất liệu để viết bài, mà còn là kho tàng kiến thức và vốn sống quý báu để tôi tích lũy cho bản thân.
Cũng như các đồng nghiệp nam, tôi cũng như các nữ phóng viên khác phải thích ứng với những áp lực của công việc. Bởi lẽ, làm báo là một hành trình dài; mỗi chuyến đi, mỗi nhân vật, mỗi đề tài là một trải nghiệm, cũng là một thử thách với người làm báo. Tuy nhiên, khi hoàn thành xong một tác phẩm, niềm vui lớn nhất của phóng viên trẻ là nhận được phản hồi tích cực từ cơ sở, tình cảm yêu quý của người dân và được Ban Biên tập ghi nhận. Đó là động lực để nuôi dưỡng niềm đam mê, tiếp tục sáng tạo những bài viết, video chất lượng, mang đậm hơi thở của cuộc sống, hướng đến những điều tốt đẹp.
Kỷ niệm 35 năm ngày Báo Quảng Ngãi ra số báo đầu tiên, thật trùng hợp khi tôi cũng vừa tròn 35 tuổi. Điều đấy làm tôi rất đỗi tự hào. Với tôi, Báo Quảng Ngãi như một gia đình thứ 2, ở đó, tôi có những người anh, người chị luôn dìu dắt, giúp đỡ, truyền nghề, tạo điều kiện để bản thân được làm việc mỗi ngày.
NHÓM PV
Trình bày: VÕ VĂN
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202406/khat-vong-cong-hien-d7f2ff1/