Khát vọng của người xứ Thanh trong văn hóa lễ hội

Đại gia đình các dân tộc tỉnh Thanh với 7 dân tộc anh em cùng chung sống, đã mang lại cho vùng đất này một kho tàng văn hóa – lễ hội truyền thống vô cùng phong phú, đặc sắc. Ở đó, mỗi dân tộc lại có nét rất riêng mang tính đặc trưng, mà từ trước đến nay, những giá trị của nó vẫn còn được lưu truyền mãi trong đời sống sinh hoạt của mỗi cộng đồng.

Lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố, xã Ngư Lộc (Hậu lộc) thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương. Ảnh: tư liệu của N.A

Một trong số những lễ hội lớn tiêu biểu của xứ Thanh, không chỉ người dân Hậu Lộc mà còn thu hút đông đảo những cư dân miền biển tham gia, đó là Lễ hội Cầu ngư xã Ngư Lộc. Từ bao đời nay, người Diêm Phố, xã Ngư Lộc có truyền thống thờ Cá Voi (Cá Ông, Ông Nam Hải). Cá Voi là đấng cứu nhân độ thế được ngư dân tôn sùng, biết ơn và tiến hành cúng lễ với những nghi thức trang trọng, thành kính. Tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông của ngư dân làng Diêm Phố gắn liền với Lễ hội Cầu ngư (còn gọi là cầu mát) thờ các vị thần biển và đám rước hội đồng thần linh. Lễ hội thường tổ chức mỗi năm một lần. Năm nào được nhiều tôm cá thì năm đó tổ chức lễ hội lớn. Hiện nay, lễ hội thường được tổ chức trong 3 ngày, từ 22 đến 24 tháng 2 âm lịch. Lễ hội Cầu ngư xã Ngư Lộc không chỉ là tín ngưỡng của người dân vùng biển mà còn gửi gắm thông điệp lớn lao về sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Rằng những cư dân biển Ngư Lộc đã từng tham gia đội Hoàng Sa để bảo vệ hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong những chuyến đi ấy, họ đã vượt qua muôn vàn gian khổ và tin sẽ được các vị thần linh phù hộ, Cá Ông giúp đỡ trong những lúc nguy nan lênh đênh trên sóng nước.

Ngược lên các huyện miền núi phía Tây của tỉnh, hòa vào không gian thiên nhiên núi rừng thơ mộng, bản làng yên bình là Lễ hội Pồn Pôông của người Mường (Ngọc Lặc). Lễ hội bắt nguồn từ “Sử thi đẻ đất đẻ nước” của người Mường. Pồn Pôông là lễ thưởng hoa, chơi hoa, thường được tổ chức vào mùa xuân, khi hoa bông trăng nở. Lễ hội Pồn Pôông gồm phần lễ và phần diễn trò với rất nhiều trò chơi, trò diễn đặc sắc như: làm nhà, đánh cá, kéo co, ném còn, dệt vải, đi cày, đi cấy, xay lúa, giã gạo... Cây bông cũng là tấm lòng thành kính mà người Mường gửi gắm vào đó những kỳ vọng trong một năm mới tốt lành, mùa màng bội thu, bản làng no ấm, mọi người hạnh phúc.

Được tổ chức hàng năm và đã thành thông lệ cứ 3 năm một lần đại lễ, Lễ hội Đình Thi của đồng bào dân tộc Thổ (Như Xuân) diễn ra vào tháng 3 âm lịch là dịp để tri ân, tưởng nhớ công đức Tướng quân Lê Phúc Thành, người đã có công khai khẩn đất hoang, dựng làng, lập ấp, mang lại cuộc sống ấm no cho dân làng. Thông qua lễ hội, người dân gửi gắm ước mong vị thành hoàng và các vị thần linh phù hộ độ trì, chở che cho dân làng có cuộc sống bình yên, nhân khang, vật thịnh. Những nghi thức tế lễ trong phần lễ và phần hội như: hát giao duyên, gảy đàn môi, ném còn, đi cà kheo... đã phản ánh chân thực đời sống, tình cảm, tâm hồn của đồng bào nơi đây, đồng thời hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Với người Thái bản Lùm Nưa, đất Trịnh Vạn (Thường Xuân), trong mỗi tấc đất, ngọn núi, rừng cây, dòng sông, con suối đều có thần linh cai quản. Chính vì vậy, họ vừa biết ơn, vừa “thiêng hóa” con người và tự nhiên, thể hiện sâu đậm trong Lễ hội Dâng trâu trắng tế trời, diễn ra vào tháng 6 âm lịch của đồng bào nơi đây. Giữa đỉnh Pú Pen – nơi thông linh giữa trời và đất, mọi người tụ họp đầy đủ với lòng ngưỡng mộ thành kính, chắp tay cầu niệm bao điều mong mỏi tốt đẹp sẽ đến. Từ bao đời nay, trong tâm thức của đồng bào Thái, lễ dâng trâu tế trời được ví như là nghĩa cử cao đẹp của con người trong việc ứng xử với thiên nhiên, tạ ơn trời đất, bản mường của cha ông đã ban cho họ mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống hạnh phúc, no đủ.

Đồng bào Dao nói chung và Dao quần chẹt nói riêng ở một số huyện miền núi như: Ngọc Lặc, Cẩm Thủy vẫn giữ được nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, đó là Lễ hội Năm cùng, thể hiện “Năm cùng tháng tận” trong một chu trình sản xuất. Thời điểm này là những ngày cuối tháng Chạp, khi mùa màng bội thu, phấn khởi sau những ngày lam lũ vất vả, thu hoạch ngô lúa đầy bồ, gà, lợn, trâu đầy chuồng, thì cũng là lúc người Dao vui mừng tổ chức Tết Năm cùng. Để chuẩn bị cho dịp lễ quan trọng này, ngay từ trong năm người Dao đã chọn những giống vật nuôi tốt, trồng giống lúa nếp dẻo thơm để có sản vật thơm ngon nhất dâng lên tổ tiên. Qua lễ hội nhằm thể hiện tấm lòng thành kính với ông bà, tổ tiên về thành quả lao động, cũng như cầu mong ông bà, tổ tiên phù hộ, giúp đỡ cho các gia đình, dòng tộc bước sang một năm mới sung túc, hạnh phúc tràn đầy, làm ăn thuận lợi.

Cũng giống như một số đồng bào dân tộc khác ở tỉnh ta, người Khơ Mú (Mường Lát) vốn quen với cuộc sống nương rẫy. Gắn với hoạt động kinh tế đó, từ xa xưa đã hình thành tập tục, tín ngưỡng liên quan đến lễ nghi nông nghiệp, trong đó Lễ đón mẹ lúa là nghi lễ điển hình của đồng bào nơi đây. Lễ đón mẹ lúa gồm 3 lễ nhỏ ứng với từng thời điểm, từng giai đoạn phát triển của cây lúa trong năm. Đầu tiên là lễ cơm mới, được tổ chức sau khi gặt hái xong. Vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch, lúa nếp bắt đầu chín ở trên nương, chủ nhà chọn ngày tốt để người nhà ra nương tuốt lúa bằng tay từng bông. Lúa được tuốt xong mang về ủ cho chín và thơm, sau đó bỏ vào cối giã thành gạo, sàng sảy cho sạch rồi ngâm vào nước 1-2 tiếng, sau đó cho vào chõ để đồ, dâng lên cúng lễ. Lễ cơm mới nhằm phù hộ cho người nông dân cầm được cái cuốc khỏe, con dao sắc, tránh được rủi ro, phát được nhiều cây, nhiều đất, trồng được cây lúa tươi tốt... Nếu việc tiến hành Lễ cơm mới là bước chuẩn bị thu hoạch, thì Lễ thu lúa mới chính là mùa thu hoạch thực sự của đồng bào trên nương rẫy. Đến cuối tháng 12 âm lịch, khi việc thu hoạch lúa đã xong, đây là khoảng thời gian bà con được nghỉ ngơi sau bao ngày lao động vất vả, cực nhọc. Lúc này, người Khơ Mú cũng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán nên làm nghi lễ cuối cùng là Lễ đón mẹ lúa. Nội dung chính của nghi lễ này là nhằm mục đích gọi hồn lúa ở trên nương rẫy hãy về nhà với “Mẹ lúa”, về với gia đình. Lễ đón mẹ lúa cùng với các nghi lễ không chỉ hàm chứa giá trị văn hóa độc đáo về tín ngưỡng tâm linh, mà còn thể hiện sự tôn vinh cây lúa - cây nông nghiệp truyền thống quan trọng nhất trong đời sống của đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào Khơ Mú ở huyện vùng cao Mường Lát nói riêng.

Trong đời sống tâm linh, người Mông (Mường Lát) quan niệm con người là một phần nhỏ bé của vũ trụ, cuộc sống phụ thuộc và chi phối bởi thần linh. Mỗi ngọn núi, cây rừng, tấc đất... đều có ma trú ngụ. Tín ngưỡng thờ ma trở thành một phần quan trọng trong cấu trúc đời sống cộng đồng của họ. Vì vậy vào dịp năm mới, mở đầu mùa vụ gieo trồng, người Mông thường tổ chức Lễ hội Gầu tào, thể hiện mối quan hệ và ứng xử giữa con người với thiên nhiên. Lễ hội Gầu tào là lễ hội tiêu biểu với mục đích cầu phúc và cầu mệnh. Đây còn là dịp để gia chủ gửi gắm những ước muốn của mình và cầu các vị thần linh giúp đỡ, phù hộ cho họ có một cuộc sống may mắn, hạnh phúc, ngăn cho ma quái không quấy nhiễu tới dân làng. Lễ hội còn là sự tri ân hướng về tổ tiên, nhắc nhở mọi người sống đoàn kết, nhân ái, tôn trọng lẫn nhau, yêu và bảo vệ thiên nhiên như bảo vệ nguồn sống của con người.

Xứ Thanh tự hào là vùng đất giàu truyền thống văn hóa – lễ hội. Các lễ hội ở xứ Thanh không chỉ phong phú, đặc trưng về loại hình, mà còn hàm chứa nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc. Thông qua nét đẹp lễ hội còn toát lên được những ước vọng, khát khao bình dị, gần gũi của con người, ở mỗi vùng miền, mỗi tộc người khác nhau. Điều này đã và tiếp tục làm nên bản sắc văn hóa rất riêng của các dân tộc xứ Thanh và tô thắm thêm hương, sắc trong vườn hoa dân tộc Việt Nam.

Anh Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/khat-vong-cua-nguoi-xu-thanh-trong-van-hoa-le-hoi/133416.htm