Khát vọng độc lập và sức mạnh của niềm tin nhân dân

Khát vọng độc lập và sức mạnh đại đoàn kết dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng đưa dân tộc ta thực hiện thành công của Cách mạng tháng Tám, giành độc lập.

Thắng lợi của khát vọng độc lập

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trước quần chúng nhân dân tại vườn hoa Ba Đình ngày 2/9/1945 có đoạn "Dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền độc lập".

PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Lời khẳng định của Bác đã phản ánh khát vọng cháy bỏng, thiết tha nhất của toàn dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ, đó là được sống trong tự do, độc lập. Quyền được sống trong độc lập là một trong những quyền cơ bản, thuộc về nguyên tắc của con người cũng như mỗi quốc gia dân tộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã đem lại quyền độc lập cho người dân Việt Nam.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, độc lập dân tộc là một tư tưởng lớn, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Trước khi đọc bản Tuyên ngôn tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trong Lời kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy kháng chiến để giành độc lập tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một câu nói nổi tiếng, thể hiện rõ nét và mạnh mẽ nhất tư tưởng độc lập dân tộc: "Thà hi sinh tất cả, quyết không chịu mất nước, quyết không chịu làm nô lệ",PGS.TS Lê Quốc Lý cho biết.

Theo ông Lý, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Bác tiếp tục ra Lời kêu gọi cứu quốc, trong đó nổi bật 9 chữ vàng "Không có gì quý hơn độc lập tự do".

Trong lúc ốm nặng tưởng chừng như không qua khỏi, Bác căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp, dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn, cũng phải quyết giành cho được độc lập dân tộc.

"Ngày nay, ngay dưới tên nước Việt Nam, luôn có 6 chữ do Bác và Đảng ta đặt đó là "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc". Đây là chân giá trị, lý tưởng, là con đường đúng đắn mà Đảng ta và nhân dân lựa chọn", ông Lý nói.

PGS.TS Lê Quốc Lý cho biết, bằng trí tuệ, bản lĩnh cùng tư tưởng "không có gì quý hơn độc lập tự do", Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã chèo lái con thuyền cách mạng đưa dân tộc ta giành thắng lợi trong hai cuộc cách mạng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đi đến độc lập, thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước thống nhất, Đảng tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng, đưa đất nước thực hiện được công cuộc đổi mới. Nhờ đó, đất nước ta mới đạt được nhiều thành công từ một nước đói nghèo vươn lên trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông thủy sản, bước vào ngưỡng thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới.

"Thành công này cho thấy chúng ta đã vượt lên, chiến thắng chính mình. Thực tiễn đó chỉ ra, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là ngọn cờ, là sự lựa chọn nhất quán và đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta", ông Lý nhìn nhận và khẳng định đó là điều kiện bảo đảm để dân tộc thực sự độc lập, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trở thành hiện thực.

Nhà sử học Dương Trung Quốc (nguyên đại biểu Quốc hội).

Nhà sử học Dương Trung Quốc (nguyên đại biểu Quốc hội).

Đoàn kết là sức mạnh cội nguồn của dân tộc

Trong thời khắc cả nước hướng về kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, nhà sử học Dương Trung Quốc (nguyên đại biểu Quốc hội) khẳng định, cách mạng tháng Tám không chỉ chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, kết thúc ách đô hộ của phát xít Nhật, mà vào lúc đó, chế độ phong kiến cuối cùng ở Việt Nam tồn tại hàng nghìn năm cũng đã kết thúc. Việt Nam hội nhập với thế giới hiện đại ngay lập tức.

Cách mạng tháng Tám cũng là sự tiếp nối những cuộc đấu tranh giành độc lập của bao thế hệ cha ông từ xa xưa.

Nếu tính từ lúc Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam năm 1858 đến trước cách mạng tháng Tám, đã có rất nhiều người Việt Nam yêu nước, khát khao tìm đường giải phóng dân tộc. Mỗi cá nhân, tổ chức có khuynh hướng, lựa chọn học thuyết khác nhau.

"Trong hoàn cảnh lịch sử trước năm 1945, lực lượng nào tập hợp được quần chúng hùng hậu, có tổ chức mạnh, biết chớp thời cơ thì sẽ thành công", ông Quốc nói.

Từ khi ra đời, Mặt trận Việt Minh luôn thực hiện đúng tinh thần của lãnh tụ Hồ Chí Minh là dựa vào thời cơ, lực lượng của thời đại, nhưng quan trọng nhất là phải "lấy sức ta mà tự giải phóng cho ta". Quan điểm này rất quan trọng, vì góp phần tạo được nền độc lập bền vững cho dân tộc.

Khi về nước năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần đại đoàn kết. Mặt trận Việt Minh ra đời cũng nhằm tập hợp các tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, đảng phải để giải phóng dân tộc.

Những chính sách của Việt Minh đưa ra dựa trên tôn chỉ đoàn kết toàn dân, nên đã kêu gọi được đông đảo quần chúng hưởng ứng. Lúc đó đường sá giao thông, liên lạc yếu kém, nhưng chỉ trong nửa tháng, người Việt Nam giành được chính quyền từ Hà Nội đến Sài Gòn.

Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết về thời kỳ cách mạng tháng Tám rằng: "Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu hạnh phúc, chung là nước được hoàn toàn độc lập và chống giặc xâm lăng, đuổi bọn thực dân tham ác ra khỏi bờ cõi".

"Cách mạng tháng Tám để lại nhiều bài học, nhưng theo tôi, "muôn dân đoàn kết" là một bài học rất quan trọng và vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa. Và đây cũng là tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh", ông Quốc nói.

Ông Quốc cho rằng, nhìn về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh không chỉ là nhìn về quá khứ, mà chính là nhìn về hiện tại và tương lai. Bởi sức mạnh đoàn kết dân tộc không chỉ hữu dụng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm mà còn ý nghĩa to lớn trong công cuộc phát triển đất nước.

"Gần đây nhất, đại dịch Covid-19 (từ năm 2020-2022) một lần nữa chứng tỏ, nếu toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm thì đất nước sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách", ông Quốc dẫn chứng.

Từ xưa đến nay, các nhà lãnh đạo thường nhắc lại câu nói "được lòng dân là được tất cả, mất lòng dân là mất tất cả". Bài học này đơn giản nhưng không dễ thực hiện.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, phải đối mặt với vô vàn khó khăn, nhưng trước sau như một, người dân luôn tin tưởng vào Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Điều đó để lại bài học cho những người lãnh đạo hôm nay, là muốn vượt qua được thời kỳ khó khăn, điều quan trọng nhất là phải có lòng tin của người dân. Cách đây 78 năm, tầm nhìn của người lãnh đạo và lòng dân là hai trong số các nguyên nhân làm nên thành công của cách mạng tháng Tám. Bài học đó đến nay chúng ta vẫn phải thường xuyên soi lại", ông Quốc nói.

Phùng ĐôTrần Trang -

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khat-vong-doc-lap-va-suc-manh-cua-niem-tin-nhan-dan-19223090117504158.htm