Khát vọng du lịch ở 'cuối đất' Bảo Yên

Xã Tân Tiến được ví là nơi 'cuối đất' của huyện Bảo Yên. Vùng đất xa xôi và còn nhiều khó khăn, thế nhưng cảnh vật, thiên nhiên tươi đẹp và nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây đã nhen lên khát vọng phát triển du lịch.

Tân Tiến có cảnh vật hoang sơ, khí hậu mát, diện tích rừng tự nhiên lớn, phù hợp để tổ chức các hoạt động trải nghiệm, khám phá bản làng, tìm hiểu văn hóa dân tộc. Nhắc đến Tân Tiến không thể không kể đến thác Xa. Bắt nguồn từ những dãy núi cao ở thôn Nậm Bắt, giáp tỉnh Hà Giang, thác Xa chảy trong những rừng cây, khe núi rồi đổ về Tân Tiến. Thác Xa được chia làm 3 tầng, dưới chân mỗi tầng thác là hồ nước tự nhiên trong xanh như ngọc.

Từ xa nhìn lại, thác nước trắng xóa hòa cùng màu xanh của rừng già, màu nâu xám của những tảng đá bao quanh thác tạo thành bức tranh tuyệt đẹp. Vào ngày hè, thác Xa thu hút người dân địa phương và các vùng lân cận đến trải nghiệm. Đường di chuyển vào thác Xa không quá khó, thác nằm ven Tỉnh lộ 153, trên đường từ xã Tân Tiến sang xã Bản Liền (Bắc Hà).

Bên cạnh thác Xa, Tân Tiến còn có những rừng quế bạt ngàn, khí hậu trong lành, cảnh vật nguyên sơ. Đặc biệt, bản Cán Chải là địa điểm phù hợp để săn mây vào các tháng 10, tháng 11 hằng năm. Đây là bản của người Mông với nhiều nét văn hóa đặc sắc. Cán Chải cũng là nơi có ruộng bậc thang đẹp, nhiệt độ mùa hè dao động từ 25 - 28 độ C. Ở Tân Tiến còn có đồng bào dân tộc Dao, Tày sinh sống. Bà con người Dao có lễ cấp sắc, nghề bện đệm rơm, đan gùi vẫn được lưu truyền đến ngày nay. Những ngôi nhà sàn của người Tày ở Tân Tiến cũng được bảo tồn, mang đến cho vùng đất xa xôi một nền văn hóa đa sắc.

Ông Lương Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: Địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch trải nghiệm, là địa điểm thuận lợi nối liền giữa Bản Liền (Bắc Hà) và điểm du lịch xã Nghĩa Đô, Bảo Yên. Trên địa bàn đang xây dựng điểm kinh doanh tại ngã 3 nơi giáp với đường đi Bản Liền (Bắc Hà) và đường đi xã Nà Chì, huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang), thay thế chợ tự phát đang họp vào thứ 4 hằng tuần. Điểm kinh doanh được khánh thành sẽ thuận lợi cho bà con trao đổi các mặt hàng, giao lưu văn hóa.

Được sự động viên, khích lệ của chính quyền địa phương, hiện trên địa bàn đã có 2 hộ kinh doanh dịch vụ homestay, trong đó có hộ ông Lương Văn Đớ, dân tộc Tày, ở bản Thác Xa. Ngôi nhà 5 gian được xây dựng từ năm 1995, đến cuối năm 2023, ông Đớ sửa chữa, chỉnh trang, ngăn phòng, đầu tư thêm rèm, chăn, đệm phục vụ du khách. Từ khi xây dựng homestay, gia đình ông Đớ đã đón một số đoàn khách ghé qua nghỉ trước khi di chuyển đi Hà Giang hoặc sang Bản Liền. Bên cạnh cho khách nghỉ, gia đình cũng chuẩn bị mâm cơm truyền thống của người Tày để khách cùng thưởng thức.

Ông Đớ cho biết: Hiện giờ còn vắng khách, bởi ít người biết tới Tân Tiến và dịch vụ của gia đình. Thế nhưng chúng tôi không nản lòng và luôn xác định làm homestay cũng là làm đẹp cho nhà ở của mình, khi khách đến chúng tôi đón tiếp, không có khách vẫn có nhà sạch, đẹp.

Đến Tân Tiến, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn chế biến từ giống gà bản địa, được người dân nuôi lâu năm bằng phương pháp thả vườn. Các món ăn chế biến từ giống gà bản địa có vị thơm ngon, chắc thịt, trứng gà năng suất, bán được giá cao hơn một số giống gà ngoài thị trường. Ông Đặng Văn Bậu, bản Nậm Đâu - một trong những hộ nuôi nhiều gà trong bản - cho biết: Giống gà bản địa khỏe, khả năng chống dịch bệnh tốt, giá bán cao, đầu ra thuận lợi.

Với những điều kiện về tự nhiên và văn hóa, xã hội, Tân Tiến có tiềm năng trở thành địa chỉ hấp dẫn cho khách du lịch trải nghiệm. Tuy nhiên, địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc hình thành và phát triển du lịch, đặc biệt là giao thông; các điểm đến còn ít người biết tới, chưa được quảng bá, giới thiệu rộng rãi.

Tân Tiến vẫn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Yên. Mong rằng, du lịch Tân Tiến sẽ sớm được nhiều người biết tới, mang lại hướng phát triển kinh tế mới cho người dân, góp phần thay đổi diện mạo của xã vùng 3 nơi “cuối đất” Bảo Yên.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/khat-vong-du-lich-o-cuoi-dat-bao-yen-post386536.html