Chuyện cúng lễ truyền đời của người Dao Lào Cai

Dựng nhà - cúng, sanh nở - cúng, trưởng thành - cúng, tạ ơn - cúng, tang ma - cúng, khách quý đến - cúng, vào rừng - cúng, lúa mới - cúng, năm mới - cúng, giải hạn - cúng… lễ cúng hiện tồn trong muôn mặt đời sống người Dao, được truyền đời qua sách vở ghi chép, qua những thực hành của thầy cúng cao tay trong cộng đồng.

Người Dao Việt Nam hiện diện ở nhiều tỉnh thành với số dân xấp xỉ 1 triệu người, tín ngưỡng chính là Đạo giáo, thờ Tam Thanh, thực hành nhiều nghi thức tôn giáo với nhân vật chủ đạo là sư công (thầy cúng). Riêng Lào Cai, miền đất của người Dao đỏ, cũng là nơi hiện diện những vị thầy cúng tên tuổi lớn trong cộng đồng người Dao không chỉ trong nước, mà ngay cả cộng đồng người Dao bên kia biên giới cũng trọng nể, thường mời sang chủ trì các lễ cúng lớn, hoặc các nghi thức phục vụ lễ cúng như việc đếm tiền âm.

Người Dao ở Phìn Ngan, Lào Cai đang cử hành nghi thức “tái sinh” trong lễ cấp sắc 12 đèn.

Người Dao ở Phìn Ngan, Lào Cai đang cử hành nghi thức “tái sinh” trong lễ cấp sắc 12 đèn.

Theo các tài liệu lịch sử, nhánh người Dao đến Lào Cai ở thế kỷ XVII với các dòng họ lớn như họ Lý, Chảo, Tẩn, Phàn… Do địa hình đồi núi chia cắt, cộng đồng người Dao ở đây gần như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.

Nhà nghiên cứu độc lập, chuyên sâu về người Dao Việt Nam là Dương Thanh cho biết: “Người Dao ở Lào Cai được biết đầu tiên qua những khám phá của người Pháp khi đến Sapa ở thế kỷ XIX. Do thời gian dài sống tách biệt với các cộng đồng dân tộc khác nên người Dao ở đây lưu giữ gần như nguyên bản các giá trị văn hóa, bản sắc, trang phục, lễ cúng… của cộng đồng như từ ngày họ di cư đến đất mới”.

Đó cũng là chi tiết góp phần lý giải vì sao ở Lào Cai lại có những thầy cúng cao tay, với kinh nghiệm có thể đứng ra tổ chức những lễ cúng lớn của cộng đồng, đặc biệt là lễ lên 12 đèn - một nghi thức tối quan trọng về tâm linh của người Dao.

Điệu múa rùa của người Dao đỏ Lào Cai quanh lễ đàn tượng trưng cho đỉnh núi Mỹ Sơn trong truyền thuyết.

Điệu múa rùa của người Dao đỏ Lào Cai quanh lễ đàn tượng trưng cho đỉnh núi Mỹ Sơn trong truyền thuyết.

Người Dao là số ít các dân tộc thiểu số sử dụng chữ viết, một thống kê từ Sở Văn hóa Lào Cai cho biết trong số gần 500 bản làng của người Dao ở Lào Cai, lưu giữ đến hơn 11.000 đầu sách, nội dung rất đa dạng, từ văn cúng, nghi lễ, cách xem ngày giờ, đến sách văn học, âm nhạc, vũ đạo… đều là những pho sách cổ do tiên tổ lưu truyền.

Bên cạnh sách, mảng tranh thờ cũng là một điểm nhấn độc đáo ở khía cạnh tâm linh. Mỗi dòng họ đều sở hữu một hoặc nhiều bộ tranh thờ, do người trưởng họ nắm giữ và chỉ đem trưng bày vào những lễ cúng lớn, thường ngày tranh thờ được cuộn lại cẩn trọng, cất kỹ, người được giao trách nhiệm gìn giữ lấy đó làm vinh dự vì tranh thờ được xem như báu vật của các dòng họ. Bộ tranh thờ cổ nhất trong cộng đồng người Dao cả nước hiện ở Lào Cai, với niên đại hơn 200 năm, thuộc sở hữu của họ Chảo.

Nhờ có chữ viết, có sách lưu truyền, mọi hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, được người Dao ở Lào Cai dựa tuyệt đối vào ghi chép từ sách, và sư công là người thể hiện lại theo những gì đã học từ sách vở tổ tiên. Trò chuyện với những thầy cúng thâm niên trong cộng đồng người Dao ở Lào Cai như thầy Lý Phủ Vàng, Chảo Tờ Sài, Chảo Tờ Quẩy hay thầy cúng trẻ nhất hiện nay là Chảo Láo Sì (sinh năm 1990) - thầy cúng hiếm hoi còn lại trong cộng đồng người Dao có thể vẽ tranh thờ để phục vụ các lễ cúng, các vị đều cho biết việc cử hành chuyện cúng bái, chỉ là những kiến thức học từ sách vở, cộng thêm kinh nghiệm thực hành theo thời gian.

Người Dao Lào Cai lưu giữ nhiều giá trị nguyên bản trong đời sống tâm linh, thể hiện qua các lễ cúng.

Người Dao Lào Cai lưu giữ nhiều giá trị nguyên bản trong đời sống tâm linh, thể hiện qua các lễ cúng.

Một thú vị trong quá trình tìm hiểu về đời sống tín ngưỡng của cộng đồng người Dao ở Lào Cai, ấy là dù có nhiều thầy cúng danh tiếng, được cộng đồng người Dao nể trọng, nhưng họ không xếp thứ bậc, người cao tay hay mới vào nghề bình đẳng như nhau, không ai tự nhận mình giỏi hơn người khác. Tính khiêm tốn, chừng mực là một hành xử đẹp trong đời sống sư công. Có được đức tính ấy, chính nhờ việc học từ sách vở, từ những răn dạy của bài học đạo đức trong Đạo giáo, và sự học thì vô biên, cả đời vẫn không hề đủ nên thầy cúng càng giỏi, lại càng khiêm tốn chan hòa.

Thêm một điều lạ, cúng lễ là hoạt động không thể thiếu trong muôn mặt đời sống, sư công là người được cộng đồng nể trọng, nhưng không phải bất kỳ sư công nào cũng vui vẻ với trách nhiệm và vai trò làm thầy cúng. Trong lần tham gia lễ cúng 12 đèn - nghi lễ quan trọng nhất trong đời người Dao - ở Phìn Ngan, Bát Xát, cái sự “không vui” ấy được nhà nghiên cứu Dương Thanh lý giải: “Nghi thức cúng 12 đèn rất tốn kém cả về tiền bạc lẫn thời gian, chuẩn bị cho nghi lễ phải mất 6 tháng, về tiền của ở thời điểm hiện tại phải tính đến tiền tỷ, lễ cúng tập hợp gần như toàn bộ các thầy cúng của người Dao ở Lào Cai, hoạt động liên tục trong 45 ngày từ viết sớ, dựng rạp, cúng, việc nặng nhất là 5 ngày cuối cùng khi các nghi lễ diễn ra liên tục ngày đêm.

Đổi lại sau lễ cúng, các thầy nhận về khoảng 5 triệu đồng tiền trả ơn từ gia chủ, mệt mỏi vì thiếu ngủ, thu nhập không bằng đi làm ruộng, nhưng đã là thầy cúng, được gia chủ tin mời thì phải nhận, không được từ chối. Các thầy cúng người Dao coi việc cúng lễ là trách nhiệm, chấp nhận quên mình để chăm lo cho cộng đồng trọn vẹn ý nghĩa của đời sống tâm linh”.

Thầy cúng trẻ Chảo Láo Sì, sinh 1990 nhưng đã có khả năng kế thừa, tham gia các nghi thức cúng lớn của người Dao ở Lào Cai.

Thầy cúng trẻ Chảo Láo Sì, sinh 1990 nhưng đã có khả năng kế thừa, tham gia các nghi thức cúng lớn của người Dao ở Lào Cai.

Lễ cúng trong đời sống người Dao diễn ra thường xuyên, nhưng sau mỗi lễ cúng, các vị sư công sẽ ngưng hoạt động trong khoảng đôi ba tháng, họ coi đó như cách hồi phục tinh thần, không cúng theo kiểu “chạy sô”, kiểu thị trường, hay cứ nhận tiền là cúng. Bởi nói như thầy cúng Chảo Tờ Quẩy: “Mình tham tiền là mất lộc, lấy tiền nhiều của gia chủ là không tốt đâu”.

Nhờ ghi chép sách vở, nhờ những lớp học chữ tự tổ chức cho con em người Dao từ khi bé thơ ở nhà các vị thầy cúng, nhờ những lễ cúng 3 đèn, 7 đèn, 12 đèn… người Dao ở Lào Cai lưu giữ được những vốn quý tổ tiên để lại, đó là bản sắc, là văn hóa, là giá trị tinh thần… cùng cách tổ chức vận hành các nghi thức ấy vào đời sống thực sự khoa học, thực tế và gần gũi đã tạo nên những nét đẹp đậm bản sắc, là vốn quý, là di sản của người Dao nơi đây, để càng tìm hiểu, lại càng thêm ngưỡng vọng.

Bài & ảnh: Nguyễn Đình

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/chuyen-cung-le-truyen-doi-cua-nguoi-dao-lao-cai-44266.html