Khát vọng giàu mạnh từ văn hóa

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, bất chấp 'cơn bão' Covid-19, nước ta vẫn đạt được những thành tựu về văn hóa, vị thế của con người Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được khẳng định. Mới đây, Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII đã khẳng định, trong khó khăn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tích cực triển khai bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Tiêu Dao

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tích cực triển khai bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Tiêu Dao

Những điểm sáng văn hóa Việt Nam

Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII vừa diễn ra đã đánh giá toàn diện về đời sống văn hóa của đại đa số người dân với những chuyển biến theo chiều tốt lên, kể cả những người ở vùng sâu, vùng xa. Theo đó, để phát triển văn hóa Việt Nam, ngày 24/11/2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức rất thành công, đã tạo ra một nguồn sinh lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, được dư luận rộng rãi trong cả nước hoan nghênh và đồng tình, ủng hộ cao.

Qua đó, các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị ngày càng nhận thức đúng đắn hơn và hành động tích cực, có hiệu quả hơn đối với vấn đề phát triển văn hóa, xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế và xã hội; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội.

Trong tiến trình phát triển văn hóa Việt Nam những năm gần đây, Việt Nam đã khắc phục được những hạn chế ở các giai đoạn trước, từ đó, xác lập được các khuôn mẫu văn hóa mới, thực sự hội nhập tương đối sâu vào văn hóa nhân loại theo các chuẩn mực chung của cộng đồng thế giới. Điểm tích cực đáng kể nhất của văn hóa Việt Nam hôm nay được dư luận quốc tế đánh giá cao là văn hóa hội nhập, là khát vọng phát triển.

Trong những năm vừa qua, đội ngũ làm văn hóa cũng đã không ngừng nỗ lực, tìm tòi, thử nghiệm, tìm ra hướng đi mới, cách tiếp cận mới, những ngôn ngữ nghệ thuật mới phù hợp hơn với yêu cầu mới của xã hội và thời đại. Đã có những thử nghiệm táo bạo, đưa đến thành công và cả chưa thành công trong các lĩnh vực sân khấu, ca nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, múa, du lịch...

Việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đã thu được nhiều kết quả, tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở, ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tích cực triển khai đưa văn hóa, thể thao về cơ sở, ưu tiên hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận văn hóa, tập luyện thể dục, thể thao nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển và mức hưởng thụ đời sống kinh tế - xã hội giữa các dân tộc, vùng, miền, nhất là ở các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi thông qua các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, cũng như thông qua việc thực hiện nhiều Đề án của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát triển văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế

Nhìn lại lịch sử phát triển hàng nghìn năm của xã hội Việt Nam, có thể thấy, so với trước kia, văn hóa Việt Nam hiện nay ở tất cả các dạng hoạt động và với tất cả các loại hình đều có những thay đổi. Việt Nam đã thoát ra khỏi nhiều hạn chế của cách tiếp cận cũ và nhanh chóng hòa vào dòng chảy chung của văn hóa - văn minh nhân loại.

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ảnh: Tiêu Dao

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ảnh: Tiêu Dao

Trong đó, các ngành kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa đã và đang trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế thế giới. Khai thác giá trị văn hóa để phát triển kinh tế, trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước là chủ trương xuyên suốt của Đảng qua nhiều kỳ đại hội. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.

Nhiều sản phẩm văn hóa đã được đưa ra thế giới và tạo nên những tiếng vang. Như bộ phim “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã giành giải Montgolfìere d’or (Golden Balloon - Khinh khí cầu vàng) tại Liên hoan phim 3 châu lục, tổ chức tại thành phố Nantes (Pháp). Đây là liên hoan phim quan trọng đối với điện ảnh đương đại châu Á. Hay bộ phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” lọt vào danh sách 15 phim đề cử giải Oscar 2022, sau khi được trao hàng loạt giải quan trọng tại các liên hoan phim quốc tế.

Ngoài ra, các sự kiện điện ảnh như Cuộc thi phim ngắn Màn ảnh xanh của Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (tháng 8/2022), Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam (tháng 9/2022), Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (tháng 11/2022) cũng đã được tổ chức thành công, hay Liên hoan phim châu Á thường niên tại Đà Nẵng diễn ra vào tháng 5/2023 - kỳ đầu tiên, với sự tham gia của các nhà làm phim nổi tiếng của Việt Nam và quốc tế cùng các chuyên gia điện ảnh hàng đầu. Những sản phẩm văn hóa ấy mang bản sắc dân tộc Việt Nam đậm nét và đa dạng từ phong tục tập quán, tính cách, quan hệ ứng xử cho đến triết lý sống, tinh thần vượt khó, sức trỗi dậy của con người... - đó là cái “nền”, cái “chất” làm nên văn hóa Việt Nam. Thị trường văn hóa, nghệ thuật đã bước đầu phát triển sôi động, đa sắc và đa diện hơn với nhiều loại hình, sản phẩm, dịch vụ phong phú, tham gia tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Văn hóa truyền thống được tôn trọng và phục hồi rất căn bản. Quan điểm mới về văn hóa đã kích thích sự hồi sinh của phần lớn những giá trị truyền thống trước kia bị bỏ quên. Các giá trị và bản sắc văn hóa, gồm cả bản sắc văn hóa các địa phương, các tộc người, chẳng hạn văn hóa Chămpa, văn hóa Phù Nam; các thành tựu văn minh của nhân loại, chẳng hạn văn minh Pháp tại Việt Nam, thành tựu của các vương triều Nguyễn... đã được đánh giá ngày càng hợp lý và là nhân tố được kế thừa của văn hóa người Việt, được nghiên cứu ngày càng sâu và khơi dậy được ý nghĩa nhân văn, khách quan của sự tồn tại của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong quốc gia độc lập, thống nhất.

Biến văn hóa thành sản phẩm để có thể bán được cho nhiều người, bán được nhiều lần là một trong những cách phát triển kinh tế trong công nghiệp văn hóa đã và đang thực hiện. Với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa là hướng đi mới, góp phần tạo nên hướng đột phá trong thúc đẩy kinh tế văn hóa. Trong thời đại mới, công nghiệp văn hóa có khả năng biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp Việt Nam xây dựng được một nền kinh tế sáng tạo, thịnh vượng, tự tin và độc đáo.

Tiêu Dao

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khat-vong-giau-manh-tu-van-hoa-post463060.html