Khát vọng hòa bình

Nói đến dân tộc Việt Nam, người ta thường nói đến một dân tộc anh hùng, với những chiến thắng lẫy lừng năm châu. Nhưng người ta thường quên rằng để có những chiến thắng đó người dân đất Việt đã phải đánh đổi bởi biết bao hy sinh xương máu.

Một góc thành phố Tuyên Quang. Ảnh K.T

Một góc thành phố Tuyên Quang. Ảnh K.T

Những cuộc chiến tranh mà chúng ta phải tiến hành, đều do kẻ thù áp đặt, người Việt vốn yêu chuộng hòa bình, quý trọng tình hữu nghị, nhưng không bao giờ khuất phục trước uy vũ, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Chúng ta muốn hòa bình, nhưng chúng ta không sợ chiến tranh, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, đó là chân lý muôn đời

khi đất nước lâm nguy.
Ôi Việt Nam, xứ sở lạ lùng
Đến em thơ cũng hóa những anh hùng
Đến ong dại cũng luyện thành chiến sỹ
Và hoa trái cũng biến thành vũ khí!
(Tố Hữu: Ê mily con)

Khát vọng hòa bình của dân tộc ta bắt nguồn từ ngay những ngày đầu dựng nước qua những truyền thuyết, huyền thoại chống ngoại xâm. Đó là Thánh Gióng lớn lên từ nong cơm, vại cà, vươn vai lớn dậy bảo vệ quê hương, giặc tan thanh thản về trời không màng danh lợi. Đó là chàng Thạch Sanh với tiếng đàn nói lời lẽ thiệt hơn khiến giặc phải lui binh. Đó là lòng khoan dung của dân tộc thể hiện qua niêu cơm Thạch Sanh đãi kẻ đã buông giáo quy hàng. Đó là khi khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, chúng ta vẫn cấp thuyền, cấp ngựa, cho hàng binh quân Minh trở về nước. Còn nhiều nữa những minh chứng nói lên khát vọng hòa bình, lòng khoan dung của dân tộc Việt Nam.

Nếu nói lịch sử đất nước ta là lịch sử của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thì cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc chiến đau thương và mất mát lớn nhất về người và của, với sự tàn phá không thể nào đo đếm được, hậu quả chiến tranh để lại trên đất nước ta là vô cùng nặng nề. Nhưng cuối cùng toàn thắng vẫn về ta, đau thương vô cùng nhưng cũng oanh liệt vô cùng, bất khuất vô cùng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn 20 năm, dài hơn bất cứ cuộc chiến tranh nào trong lịch sử dân tộc. Nhưng chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác, chúng ta chỉ có một lựa chọn duy nhất: Lựa chọn vì đất nước, vì độc lập, tự do của dân tộc. Mỗi người lính ra trận đều mang trong mình lòng khát khao hòa bình cháy bỏng trong tim, nhưng họ vẫn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì quê hương đất nước.

Dải đất ông cha mấy ngàn năm bồi đắp
Yêu hòa bình nhưng không tiếc máu xương
Hồn liệt sỹ cháy trong hồn dân tộc
Giặc xâm lăng - lại xốc tới chiến trường
(Hướng Dương: Hồn liệt sỹ thắp sáng hồn dân tộc)

Hội viên CCB tỉnh gặp gỡ thế hệ trẻ nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam.Ảnh: Quang Hòa

Chúng ta đã chiến thắng, đã giành lại được hòa bình, thống nhất, thế nhưng cái giá để có được hòa bình của chúng ta là những đau thương, mất mát không gì bù đắp nổi. Không ngôn từ nào có thể diễn tả được một cách đầy đủ những nỗi đau đó. Chiến thắng của chúng ta không chỉ được đo bằng các con số và chiến thắng ngoài mặt trận mà còn được đo bằng cả trái tim bởi những đau thương do chiến tranh gây ra vẫn còn âm ỉ cho đến tận hôm nay.

Chiến tranh bao giờ chấm dứt
Nếu một đứa con của mẹ không về
(Hữu Thỉnh: Đường tới thành phố).

Dân tộc Việt Nam, dân tộc yêu hòa bình, nhưng lại là nạn nhân của nhiều cuộc chiến tranh với biết bao đau thương, hy sinh biết bao xương máu, chúng ta mong muốn hòa bình, nhưng chúng ta cũng sẵn sàng đương đầu với bất cứ kẻ thù nào để bảo vệ độc lập, tự do và chủ quyền quốc gia. Khát vọng hòa bình của dân tộc ta luôn gắn liền với độc lập tự do.

“Ôi tổ quốc! ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng
Ôi Tổ quốc! Nếu cần ta chết:
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi,
con sông”
(Chế Lan Viên: Sao chiến thắng)

Chiến tranh dù tàn nhẫn, khốc liệt đến đâu rồi cũng phải nhường chỗ cho hòa bình, nhường chỗ cho yêu thương tràn ngập, cho nụ cười hạnh phúc. Việt Nam một dân tộc có truyền thống nhân ái, nhân văn, nhân nghĩa, luôn mang trong mình khát vọng hòa bình, ngay cả khi phải cầm vũ khí để chiến đấu thì truyền thống ấy vẫn luôn được phát huy; đúng như nhà thơ Huy Cận đã viết:

Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững
Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa
Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa.

Hoàng Bách

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/khat-vong-hoa-binh-131731.html