Khát vọng Khuổi Mèo
Sau tròn 5 năm, chúng tôi có dịp trở lại Khuổi Mèo, một trong những xóm khó khăn bậc nhất của huyện vùng cao Võ Nhai. Đồng chí Hà Văn Quyền, Bí thư Đảng ủy xã Sảng Mộc khái quát với chúng tôi:
Sau 2 tiếng quanh co trên các cung đường, vượt qua nhiều dãy núi cao, băng qua những khu dân cư thưa vắng, chúng tôi mới đến được xóm Khuổi Mèo. Vào ngày Hè nắng chói, những cây ngô trồng trên sườn dốc có phần héo rũ do thiếu nước, chỉ đợi khi đêm đến, sương xuống để hồi sinh. Anh Ngô Văn Tô, Bí thư Chi bộ Khuổi Mèo bảo: Trong xóm chỉ có khoảng 1/3 số hộ là thuận nước sản xuất, do nằm gần suối. Còn lại chúng tôi bắt nước chảy từ khe núi, nhưng chỉ đủ để sinh hoạt, nước dùng cho sản xuất không nhiều.
Chẳng thế mà cả xóm chỉ có 10ha ngô và 5ha lúa là canh tác được 2 vụ, số chân ruộng cao còn lại (khoảng hơn 10ha) chỉ sản xuất 1 vụ, có năm để trắng do thiếu nước. Nói đến chuyện đất sản xuất, anh Vương Văn Hình, Trưởng xóm Khuổi Mèo thở dài: Trong xóm có hơn 30 hộ không có ruộng, số còn lại chỉ cấy vài ba sào lúa một vụ. Trong khi đó, đất rừng vốn là thế mạnh của các xóm vùng cao thì ở Khuổi Mèo chỉ có gần 30ha rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ.
Qua cuộc trò chuyện với những người đã gắn bó với mảnh đất này, chúng tôi càng hiểu hơn về cái khó của Khuổi Mèo. Xóm hiện có 119 hộ, với trên 570 nhân khẩu, toàn bộ là người Mông di cư từ tỉnh Cao Bằng đến sinh sống từ sau năm 1975. Do đến sau, đất canh tác hầu hết đã có chủ nên các hộ dân trong xóm có rất ít tư liệu sản xuất. Đồng bào phải khai hoang những diện tích còn trống, nhưng hầu hết là đất dốc, bạc màu, lại canh tác theo phương pháp cũ nên năng suất thấp. Ở Khuổi Mèo, từ năm này qua năm khác, đồng bào Mông bám đất, bám rừng mà sống. Họ có chung một giấc mơ là thoát nghèo và có cuộc sống ấm no.
Anh Tô nói thêm: 5 năm nay, xóm vẫn chỉ có 2 gia đình anh Vương Văn Tô và Vương Văn Thịnh thoát nghèo. Một số ít khác vươn lên trở thành hộ cận nghèo. Ngay như Chi bộ Khuổi Mèo có 4 đảng viên thì 1 người thuộc hộ nghèo, số còn lại là hộ cận nghèo. - “Vậy các nghề phụ khác thì sao? Hoặc người dân có đi làm việc ở bên ngoài?” - Chúng tôi đưa ra thắc mắc.
Trưởng xóm Vương Văn Hình giải thích: Cũng có nhưng không nhiều. Do trình độ của hầu hết người dân trong xóm thấp, chưa học hết cấp 2 nên rất khó xin vào làm việc tại các nhà máy. Một số khác cũng ra ngoài bươn chải, làm phụ hồ, lái máy cày, phát rừng thuê… nhưng thu nhập không cao, không đủ để “đèo bòng” mấy miệng ăn trong nhà.
Ngồi lặng yên nãy giờ, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Sảng Mộc Hà Văn Quyển trầm giọng: Những năm qua, xã đã đưa vào một số giống cây, con mới để hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất như: ngô lai, cam sành, cam Vinh, bò… nhưng đến nay, chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Bởi đa số cây cam trồng trên sườn đất dốc, lại trơ sỏi đá nên kém phát triển và tuổi đời của cây ngắn. Chăn nuôi bò 2 năm gần đây gặp khó khăn do giá bán lao dốc. Trong khi với diện tích canh tác ít, ngô không thể trở thành cây làm giàu của Khuổi Mèo. Hay như có một số hộ đã trồng na nhưng cây không lớn.
Liệt kê ra “trăm bề khó” như vậy, nhưng không có nghĩa là trong suốt nhiều năm qua, Khuổi Mèo không có bước đi lên nào. “Cuộc sống khó khăn nhưng ở Khuổi Mèo, mọi người đoàn kết thương yêu, đùm bọc nhau lắm. Đã từ lâu, trong xóm không xảy ra vụ xích mích nào, dù là rất nhỏ.” - Anh Vương Văn Mại, Công an viên xóm Khuổi Mèo cho hay.
Nói rồi anh Mại, anh Tô, anh Hình xòe tay kể thêm một số “mặt được” của xóm: Với sự hỗ trợ của Nhà nước, Khuổi Mèo đã có đường bê tông đến trung tâm xóm, 100% người dân được sử dụng điện lưới Quốc gia, nước sạch hợp vệ sinh. Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây, người dân Khuổi Mèo đã được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng để phát triển sản xuất…
Anh Ngô Văn Tô nói thêm: Cũng phải kể đến sự nỗ lực của đồng bào trong xóm nữa. Không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân trong xóm đã chủ động đăng ký tham gia các chương trình, dự án. Một số hộ khác thì mạnh dạn thuê đất ở các xóm khác để canh tác, chưa có tiền trả ngay, bà con hẹn trả bằng thóc vào cuối vụ. Tiêu biểu trong làm kinh tế ở xóm hiện giờ cũng có thể kể được một số cái tên như: Phùng Văn Lành với mô hình trồng rừng keo và hơn 500 gốc cam sành, cam Vinh; Vương Thị Tỵ với hơn 400 gốc cam sành; Ngô Thị Hồng với mô hình kinh doanh hàng tạp hóa…
Anh Lý Văn Hành, người dân xóm Khuổi Mèo bộc bạch: Không có đất canh tác, chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ để chăn nuôi trâu, bò. Vài năm trước, trâu, bò được giá, nhà tôi tự mua thêm con giống và có thời điểm nuôi đến 6 con, nhờ đó gia đình đã vươn lên thành hộ cận nghèo. Ngoài ra, tôi cũng động viên các con chăm chỉ học tập để tìm lối thoát nghèo. Nhà tôi có 1 cháu sắp tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, 1 cháu đang học lớp 9 và dự định thi vào lớp 10 ở trường cấp 3 của huyện.
Theo anh Hình, anh Tô, để thoát khỏi khó khăn, cùng với sự nỗ lực của người dân, Khuổi Mèo vẫn cần nhiều chính sách tiếp sức. Đó là việc hỗ trợ ngô giống mới (chính sách này đã tạm dừng khoảng 3 năm nay - P.V), làm đường bê tông nối với bản Lũng Luông (xã Thượng Nung) và nhánh đi Khuổi Xà, Khuổi Nong để mở ra con đường thông thương từ các vùng sản xuất gỗ và cây ăn quả. Anh Tô chia sẻ: Chúng tôi cũng mong xã mở rộng các lớp dạy nghề trồng cây có múi để bà con có điều kiện tham gia và áp dụng vào sản xuất tại gia đình. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, cải tạo đất đai. Bởi hiện nay, xóm có 7 hộ đã thu được kết quả nhất định từ mô hình trồng cam sành, cam Vinh...
Với đồng bào người Mông ở Khuổi Mèo, thoát nghèo không chỉ là giấc mơ mà còn là hành trình cả cộng đồng đang cùng theo đuổi. Và trên con đường thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, bà con rất cần những chính sách hỗ trợ kịp thời và phù hợp để khó khăn không còn “níu giữ” cái nghèo ở lại với Khuổi Mèo từ năm này qua năm khác.