Khát vọng Kỳ quan
Trong rất nhiều những món quà vô giá mà thiên nhiên đặc biệt ưu ái dành cho Cao Bằng, thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao xứng đáng được liệt vào hàng những 'kỳ quan' đáng giá nhất và giàu hấp lực nhất của miền non nước này.
Bài liên quan
Du lịch Cao Bằng - Định vị thương hiệu, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Phát triển du lịch bền vững từ mô hình Công viên địa chất toàn cầu
Tuy nhiên, cho đến nay, việc làm thế nào để những “kỳ quan” này thực sự là trọng điểm phát triển du lịch của Cao Bằng vẫn là một khát vọng cháy bỏng.
Kỳ quan vùng biên ải
Từ TP. Cao Bằng, vượt quãng đường đèo Mã Phục - đèo Khau Liêu dài khoảng 89km với hai bên là những dãy núi xanh biếc nối tiếp nhau sẽ đến thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh)- dòng thác được mệnh danh đẹp nhất Việt Nam, thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á.
Nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, Bản Giốc, nhìn toàn cảnh, thác như chốn bồng lai tiên cảnh gồm cả 2 thác với tổng chiều rộng lên tới 200m. Thác chính ở phía Bắc rộng khoảng 100m, cao 70m, gồm 3 tầng thác chênh nhau 34m. Thác phụ ở phía Nam ít nước hơn thác chính và thường cạn vào mùa khô. Nhìn từ xa, từng dòng thác cuồn cuộn đổ xuống tạo nên những đám bọt trắng xóa, tựa như những dải lụa trắng mềm mại vắt ngang lưng đồi.
Thác Bản Giốc.
Làm nên vẻ đẹp hư ảo, huyền hoặc của thác Bản Giốc còn là việc thác tọa lạc tại một ví trí hết sức đặc biệt. Dưới chân thác là mặt sông rộng, phẳng như gương, in bóng mây trời lồng lộng với hai bên bờ sông là những thảm cỏ xanh rì. Bao phủ quanh thác là rừng xanh và đá vôi, cộng thêm những đám Giã quỳ vàng, những gò đất nở đầy hoa cúc dại tím ngắt, những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp nối tiếp nhau đẹp tựa một bức họa muôn màu.
Đến với Bản Giốc, Cao Bằng, ngoài thú thăm quan ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ của Thác Bản Giốc, du khách cũng có thể chọn cho mình những sản vật vô cùng phong phú bởi tính chất lạ và độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa ẩm thực của dân tộc thiểu số như cá trầm hương có thịt thơm như mùi trầm và đặc biệt hạt dẻ Trùng Khánh ngon nổi tiếng. Ngoài ra, du khách cũng có thể đi thăm bản Giốc của người Tày với những nếp nhà sàn truyền thống để nghe những điệu hát lượn, hát then bên ánh lửa bập bùng.
Nằm cách thác Bản Giốc khoảng 3km về phía Nam, động Ngườm Ngao được hình thành cách đây khoảng 300 triệu năm. Theo tiếng Tày, Ngườm Ngao có nghĩa là động Hổ. Theo truyền thuyết, tiếng suối chảy trong động phát ra nghe như tiếng gầm rú của hổ dữ nên người dân địa phương đặt tên động là Ngườm Ngao.
Động Ngườm Ngao có tổng chiều dài 2.144m, gồm 3 cửa chính: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn. Động thu hút du khách bởi những hình thù nhũ đá tự nhiên và tuyệt đẹp. Khối dưới đất mọc lên, khối từ trên sà xuống, vô cùng đa dạng. Nổi bật trong không gian tĩnh lặng là hình cây san hô và con tàu, thác vàng, thác bạc, cột đá… đặc biệt hơn cả là khối đá vôi “Bông sen vàng” úp ngược, đây thực sự là một kiệt tác của thiên nhiên. Những cánh hoa như được gọt giũa công phu tỉ mỉ đạt đến độ hoàn mỹ. Một trong những nét độc đáo nhất của động Ngườm Ngao còn là những “thửa ruộng bậc thang” do sàn đá vôi bị xâm thực và phong hóa suốt nhiều triệu năm. Những hình thù trên nền động trông cứ như đi trên bờ biển đầy cát nào đó sau những con sóng rút xa bờ.
Động Ngườm Ngao.
Khai phóng hơn nữa những tiềm năng
Với vẻ đẹp tuyệt tác được thiên nhiên ban tặng, từ năm 1997, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là thắng cảnh Quốc gia. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư về hạ tầng cơ sở, cùng với sự quảng bá về tiềm năng du lịch của tỉnh, huyện, khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nếu năm 2016, tổng lượt khách đến Khu du lịch thác Bản Giốc là 381.548 lượt thì năm 2017 đã lên đến 452.680 lượt, trong đó khách quốc tế tăng mạnh từ 20.335 lượt năm 2016 lên 35.494 lượt năm 2017.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng sản phẩm du lịch ở khu vực thác Bản Giốc chưa tạo ra sự độc đáo và chuyên nghiệp; Nhận thức về du lịch và phát triển du lịch của người dân bản địa chưa cao, chưa có tính bền vững; các giá trị di sản chưa phát huy giá trị... những “điểm nghẽn” ấy đã được đưa ra bàn luận và tìm cách tháo gỡ tại tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch liên quốc gia Khu cảnh quan thác Bản Giốc” hồi tháng 8/2018 do Tổng cục Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức.
Tại Diễn đàn, ông Trịnh Hữu Khang- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Khó khăn thách thức lớn nhất của Trùng Khánh nói riêng và Cao Bằng nói chung hiện nay là cơ sở hạ tầng yếu kém, công tác quy hoạch chưa phù hợp, phải tiếp tục điều chỉnh. Hơn nữa, thác Bản Giốc là khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng; địa phương thiếu đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động có kinh nghiệm quản lý điều hành; chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược; sản phẩm du lịch nghèo nàn, công tác xúc tiến đầu tư còn yếu; thiếu đội ngũ hướng dẫn viên và công tác xúc tiến, quảng bá rất kém…
Bà Đỗ Thị Thanh Hoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch nhấn mạnh, qua khảo sát thực tế có thể nhận thấy, phía bạn đang có những thay đổi rất nhanh chóng, trong khi đó phía ta có nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ. Cụ thể là việc tiếp cận các thị trường, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ lưu trú, sản phẩm đặc thù. Trong đó, cần phải thu hút vốn mồi và tính toán kỹ khả năng đón tiếp của ta vì với tình trạng như hiện nay, mục tiêu năm 2020 thác Bản Giốc đón gần 1 triệu lượt khách thì khó có thể đáp ứng được nhu cầu của khách. Khi đó, việc khách tăng ồ ạt cả từ thị trường trong nước lẫn nước ngoài, đặc biệt là dòng khách Trung Quốc khi lối mở khai thông thì áp lực về môi trường, về kinh tế xã hội và phụ thuộc thị trường là rất lớn.
Ông Lê Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) thì cho rằng, Đề án cơ chế chính sách đặc thù phát triển du lịch tại thác Bản Giốc cần đi thẳng vào việc có cơ chế chưa? Có rồi thì khó ở chỗ nào? Cần gỡ cái gì? Ai là người thực hiện? Nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành ra sao?
Đó thực sự là những câu hỏi không dễ có câu trả lời ngày một ngày hai. Nhưng khó không có nghĩa là không thể. Khó khăn còn bộn bề nhưng với khát vọng bùng cháy trong tim, hoàn toàn có thể nuôi niềm tin rằng sẽ sớm đến ngày những khó khăn, tồn tại, những “điểm nghẽn” ấy sẽ được dần tháo gỡ. Và những “tuyệt tác thiên nhiên” như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao sẽ thực sự là những trọng điểm du lịch, thu hút du khách bậc nhất khi đến với miền non nước này.
Trong Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Khu du lịch thác Bản Giốc nằm trong danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch Quốc gia. Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định Du lịch là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, với mục tiêu phấn đấu Khu du lịch thác Bản Giốc được công nhận là Khu du lịch Quốc gia vào năm 2020. Khu du lịch thác Bản Giốc nằm trong Tuyến Du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ xở thần tiên” được xác định là khu du lịch trọng điểm của tỉnh, cũng là điểm nhấn của CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Bên cạnh đó, Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa ký ngày 5/11/2015, có hiệu lực từ tháng 6/2016 và Quyết định phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện Hiệp định đã được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 14/11/2017.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khat-vong-ky-quan-post68476.html