Khát vọng phát triển quê hương phồn vinh, hạnh phúc…
Xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm cá ngừ đại dương trở thành đặc sản cũng là mục tiêu của phát triển kinh tế biển và du lịch Phú Yên. Ảnh: TRẦN QUỚI
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những quan điểm cốt lõi, xuyên suốt của Đảng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII (2020-2025) cũng khẳng định: “… xây dựng văn hóa, con người Phú Yên phát triển toàn diện; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc…”.
Cụ thể hóa tinh thần, quan điểm này, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng, ban hành 5 nghị quyết chuyên đề và 8 chương trình hành động (CTHĐ) quan trọng. Năm mới 2022, trong điều kiện bình thường mới, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, toàn hệ thống chính trị tiếp tục đặt quyết tâm cao cho các CTHĐ và mục tiêu các nghị quyết đã ban hành, đây là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, đòi hỏi phải nỗ lực và thực hiện thường xuyên liên tục.
Phát triển con người toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính
Xây dựng con người phát triển toàn diện, phát huy tinh thần đoàn kết, khát vọng xây dựng phát triển quê hương là quan điểm xuyên suốt trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Điều này được cụ thể hóa bằng CTHĐ số 15, với mục tiêu: Xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện gắn với phát triển tri thức, phát triển thể chất, có phẩm chất đạo đức, có kiến thức về kỹ năng xã hội.
Song song đó, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên cần kiệm liêm chính, chí công vô tư cũng là điều kiện cần để thực hiện các mục tiêu lớn về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, phát triển Phú Yên bền vững. Điều này được thể hiện bằng quyết tâm chính trị thông qua Nghị quyết chuyên đề: Nâng cao hiệu quả công tác dân vận các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp (NQ số 06). “Nghị quyết này nhằm cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Hướng tới mục tiêu đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đó là hướng đến đẩy mạnh cải cách hành chính; giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống nhân dân…”, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hòa An nhấn mạnh.
BÍ THƯ TỈNH ỦY PHẠM ĐẠI DƯƠNG:
Để Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (2020-2025), cũng như các nghị quyết chuyên đề, CTHĐ của Tỉnh ủy ban hành đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả, trong năm mới 2022, cả hệ thống chính trị cần tạo sự thống nhất về ý chí và hành động, cụ thể hóa vào kế hoạch của địa phương, đơn vị; vượt qua những khó khăn do dịch bệnh COVID-19, các tác động khách quan, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Khơi dậy khát vọng phát triển quê hương Phú Yên của từng người dân, mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần vào sự cường thịnh của quê hương đất nước, đó cũng chính là ý Đảng - lòng dân, là nguyện ước chung của dân tộc và Chủ tịch Hồ Chí Minh về đất nước Việt Nam “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.
Cùng với nghị quyết trên, Tỉnh ủy đã ban hành CTHĐ số 07 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và CTHĐ số 12 về nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát triển đô thị và nền kinh tế xanh - bền vững
Xây dựng, phát triển hạ tầng cơ sở, kinh tế - xã hội các địa phương trở thành đô thị là vấn đề lớn, bao trùm tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Bởi vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành 3 nghị quyết về nội dung này: Mục tiêu đến năm 2025 xây dựng và phát triển huyện Tuy An thành thị xã; TX Sông Cầu trở thành thành phố; TP Tuy Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I, trực thuộc tỉnh.
Hơn 30 năm tái lập tỉnh (7/1989), từ thị xã tỉnh lỵ, Tuy Hòa đã phát triển trở thành đô thị loại III vào năm 2002, đến năm 2013, TP Tuy Hòa được công nhận là đô thị loại II. Những năm gần đây, Tuy Hòa đã tập trung cao độ trong việc khai thác các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện được vai trò là trung tâm, động lực phát triển của tỉnh và hướng đến mục tiêu trở thành đô thị loại I - đô thị xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Không chỉ kỳ vọng về sự phát triển của thành phố biển Tuy Hòa trung tâm trực thuộc tỉnh, mục tiêu lớn hơn là phát triển đồng bộ chuỗi đô thị ven biển, tạo nét đặc trưng riêng với thành phố phía bắc của tỉnh, TP Sông Cầu - TX Tuy An - TP Tuy Hòa và TX Đông Hòa!
Về kinh tế, xác định thế mạnh và tiềm năng trong phát triển kinh tế của tỉnh gồm ba trụ cột: kinh tế biển, nông nghiệp và du lịch. Gắn với các mục tiêu này và chìa khóa về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực, nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đồng thời bảo vệ môi trường là mục tiêu chiến lược, bền vững; xây dựng tỉnh Phú Yên đến năm 2025 trở thành điểm đến xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường.
CTHĐ số 10/Ctr-TU của Tỉnh ủy xác định: Phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh. Tiếp tục xây dựng vùng biển và ven biển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng; phấn đấu đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế biển chủ lực, để đến năm 2030 Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, trên cơ sở phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đến năm 2030 (CTHĐ số 09).
Nông nghiệp là một lĩnh vực rộng lớn, nhưng lâu nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. CTHĐ số 11 của Tỉnh ủy xác định tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế. Từ đó thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 bình quân đạt 3,5-4%/năm, đóng góp khoảng 20% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Bí thư Huyện ủy Tuy An Phạm Văn Bảy cho biết, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện và Tỉnh ủy ban hành các nghị quyết, CTHĐ, Huyện ủy Tuy An đã xây dựng các CTHĐ cụ thể gắn với thực tế địa phương. Những nội dung, vấn đề trọng tâm của các nghị quyết và CTHĐ Tỉnh ủy ban hành lần này rất sát với thực tế, nhu cầu phát triển của tỉnh nói chung và Tuy An nói riêng. Năm 2022 và những năm tới là khoảng thời gian rất quan trọng, Tuy An xác định huy động mọi nguồn lực, khơi dậy nội lực, tiềm năng, triển khai khẩn trương, đồng bộ các nội dung chương trình đã đề ra, hướng tới mục tiêu xây dựng Tuy An trở thành thị xã vào năm 2025.