Khát vọng rừng xanh (Bài 2): Những 'triệu phú' trồng rừng

'Nếu gắn bó với rừng thì việc làm giàu từ rừng không hề khó. Hiểu và trải qua, tôi luôn động viên anh em trong dòng họ nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế rừng, tích cực tham gia với lực lượng chức năng bảo vệ rừng' - anh Bùi Thành Luân, một 'triệu phú' trồng rừng ở xã Vân Du chia sẻ.

Trồng rừng kết hợp với nuôi ong lấy mật, trồng cây ăn quả, mỗi năm anh Bùi Thành Luân, khu phố 2, xã Vân Du có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Trồng rừng kết hợp với nuôi ong lấy mật, trồng cây ăn quả, mỗi năm anh Bùi Thành Luân, khu phố 2, xã Vân Du có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Được sự chỉ dẫn của cán bộ Hạt Kiểm lâm Thường Xuân, chúng tôi đến thăm gia đình anh Hoàng Huy Duy, thôn Minh Quang, xã Lương Sơn. Trong căn nhà mới khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, qua câu chuyện của anh Duy, chúng tôi được biết anh sinh ra và lớn lên trong gia đình có “thâm niêm” làm kinh tế rừng. Vì thế, sau khi xây dựng gia đình, anh Duy được bố mẹ giao cho toàn bộ 20ha đất rừng sản xuất, rừng tự nhiên.

Những ngày đầu tiên bắt tay vào làm, anh nhận thấy đủ mọi khó khăn từ thiếu kiến thức trồng, chăm sóc rừng đến vốn đầu tư. Nhưng với ý chí quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, anh Duy đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng để áp dụng vào thực tiễn. Dần dà, diện tích rừng ngày một phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài trồng rừng anh Duy còn thuê đất để trồng mía, đồng thời bao tiêu đầu ra cây mía cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Lương Sơn.

Hiện nay, 1ha keo đến tuổi khai thác mang lại thu nhập cho gia đình anh Duy khoảng 120 - 150 triệu đồng. Từ nguồn thu trồng rừng kết hợp với trồng mía và làm dịch vụ vận chuyển mía, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu 400 - 450 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập 7 - 9 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ. Bên cạnh đó, anh Duy còn tích cực tham gia ủng hộ kinh phí làm đường giao thông, nhà văn hóa thôn và các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn xã; hỗ trợ nhiều hộ dân trong thôn về vốn, kỹ thuật chăm sóc rừng.

Cùng với phát triển kinh tế rừng, anh Duy luôn chú trọng bảo vệ diện tích rừng tự nhiên mà Nhà nước giao gia đình anh trông coi, bảo vệ. Cứ vài ngày, anh Duy lại lên đỉnh núi Bù Xèo, xã Lương Sơn để kiểm tra. Bởi, rừng tự nhiên ở núi Bù Xèo là một trong những vùng trọng điểm cháy rừng và tiềm ẩn những nguy cơ mất an ninh rừng. Mỗi lần đi kiểm tra, anh đều chú ý thật kỹ các dấu hiệu xâm hại rừng, nguy cơ cháy rừng để kịp thời báo cáo chính quyền địa phương, kiểm lâm viên địa bàn có biện pháp xử lý. Hằng năm, anh Duy đầu tư hàng chục triệu đồng để làm đường băng cản lửa và thuê nhân công phát dọn thực bì phòng cháy.

Anh Hoàng Huy Duy, chia sẻ: “Nhờ phát triển kinh tế rừng, đời sống của gia đình tôi được nâng lên, có điều kiện đầu tư cho các con học hành và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Vì vậy, tôi đã động viên các thành viên trong gia đình tích cực bảo vệ diện tích rừng tự nhiên và thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân không được chặt phá rừng, không xâm hại đất rừng, không đốt lửa làm cháy rừng".

Nhờ phát triển kinh tế rừng, anh Hoàng Huy Duy xây được căn nhà 2 tầng, rộng rãi, khang trang.

Nhờ phát triển kinh tế rừng, anh Hoàng Huy Duy xây được căn nhà 2 tầng, rộng rãi, khang trang.

Khi nói về anh Hoàng Huy Duy, ông Dương Đình Sơn, cán bộ Hạt Kiểm lâm Thường Xuân phụ trách địa bàn xã Lương Sơn, cho biết: Không chỉ năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao, anh Hoàng Huy Duy còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên nông dân có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm phát triển trồng rừng, tích cực tham gia với lực lượng kiểm lâm trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Những việc làm của anh không chỉ giữ vững an ninh rừng, mà còn mang lại thu nhập để cải thiện cuộc sống cho nhiều hộ dân.

Rời xã Lương Sơn, chúng tôi vượt quãng đường hơn 80km đến thăm gia đình anh Bùi Thành Luân, khu phố 2, xã Vân Du. Khi đến nơi, trước mắt chúng tôi là ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, xung quanh là những đồi keo xanh ngát, thân thẳng đều tăm tắp. Như đoán được suy nghĩ của chúng tôi, anh Luân chia sẻ: "Căn nhà khang trang này được xây dựng lên, được trang bị đầy đủ tiện nghi cùng với việc chăm lo cho các con học tập, tất cả là nhờ phát triển kinh tế rừng. Vì thế, tôi có thể khẳng định rằng, nếu gắn bó với rừng thì việc làm giàu từ rừng không hề khó. Hiểu và trải qua, tôi luôn động viên anh em trong dòng họ nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế rừng, tích cực tham gia với lực lượng chức năng bảo vệ rừng".

Từ câu chuyện của anh Luân, chúng tôi được biết, năm 2011 anh được bố mẹ chuyển 10ha đất rừng để canh tác, trong đó có 4ha rừng phòng hộ và 6ha đất rừng sản xuất. Mạnh dạn đầu tư, sau khi cải tạo đất, vợ chồng anh đã mua keo giống về trồng. Sau này anh nuôi thêm ong để lấy mật. Đến nay, gia đình anh nuôi khoảng 70 đàn ong, mỗi năm cho thu hoạch hàng trăm lít mật.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh Luân đã mạnh dạn đầu tư vốn trồng thêm cây ăn quả, như: mít, chanh, ổi ở những khu đất dưới chân đồi keo để tăng thêm thu nhập. Mô hình kinh tế tổng hợp này đã mang lại lợi nhuận cho gia đình anh Luân từ 250 - 300 triệu đồng/năm.

“Hưởng lộc” từ rừng tôi luôn có trách nhiệm bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên mà Nhà nước giao; thường xuyên đi tuần rừng, phát quang, xử lý thực bì để phòng chống cháy rừng xảy ra. Hiện nay, rừng đang phát triển tốt và cũng chưa có vụ xâm hại rừng nào xảy ra”, anh Luân tâm sự.

Trên đây là 2 trong hàng trăm hộ làm giàu từ kinh tế rừng, tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Họ không những làm giàu cho mình mà còn giúp đỡ, động viên nhiều hộ gia đình cùng làm kinh tế để xóa đói, giảm nghèo, góp phần giữ vững an ninh rừng.

Bài và ảnh: Xuân Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/khat-vong-rung-xanh-bai-2-nbsp-nhung-trieu-phu-trong-rung-38104.htm