Người phụ nữ 63 tuổi vỡ bàng quang vì thói quen 'bất đắc dĩ' nhiều người mắc

Bụng chướng, tiểu ít, khó thở, cụ bà 63 tuổi được phát hiện vỡ bàng quang – hậu quả từ tình trạng ít ai ngờ tới khi chăm người bệnh nằm lâu tại chỗ.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, bệnh nhân là bà N.T.V 63 tuổi, được đưa đến cấp cứu trong tình trạng đau hông lưng, chướng bụng, tiểu tiện khó khăn, lượng nước tiểu rất ít dù sử dụng tã, kèm triệu chứng khó thở và lơ mơ.

Người nhà cho biết, bà V. có tiền sử đột quỵ nhồi máu não, để lại di chứng yếu liệt tay chân, phải nằm một chỗ suốt thời gian dài, mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào người thân. Di chứng này cũng làm tổn hại đến khả năng kiểm soát tiểu tiện, khiến bàng quang hoạt động kém và không thể co bóp để đẩy nước tiểu ra ngoài.

Kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh tại bệnh viện cho thấy: bàng quang căng, hai thận ứ nước, ổ bụng có nhiều dịch, xét nghiệm máu ghi nhận tình trạng suy thận. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị vỡ bàng quang trong phúc mạc – một biến chứng hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm.

Người bệnh nhanh chóng được nội soi bàng quang. Kết quả phát hiện một lỗ thủng nhỏ kích thước khoảng 5mm ở thành sau bàng quang gần đỉnh, niêm mạc phù nề, nước tiểu đục.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi khẩn cấp để khâu lỗ thủng. Trong quá trình can thiệp, ekip đã hút ra hơn 1.000ml nước tiểu trong khoang bụng. Sau mổ, sức khỏe cụ bà đã ổn định, các chỉ số sinh tồn dần trở về bình thường.

Theo bác sĩ Phan Huy Thông – Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, vỡ bàng quang tự phát là hiện tượng thành bàng quang bị rách hoặc thủng mà không do chấn thương bên ngoài như tai nạn hay va đập. Nguyên nhân thường là do bàng quang bị căng quá mức hoặc thành bàng quang yếu bởi bệnh lý nền như viêm bàng quang mạn tính, suy thần kinh kiểm soát đường tiểu hoặc bị tổn thương do nằm lâu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trường hợp của bà V. là điển hình cho tình trạng bàng quang hỗn loạn thần kinh, khiến nước tiểu ứ đọng quá lâu mà không được tống xuất. Lâu dần, áp lực tăng cao gây vỡ thành bàng quang, nước tiểu tràn vào ổ bụng. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm phúc mạc, nhiễm trùng nặng và tử vong.

Đáng lưu ý, các triệu chứng của vỡ bàng quang tự phát thường không điển hình và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm đường tiết niệu hoặc suy thận. Chẩn đoán chỉ được xác định khi bác sĩ nghi ngờ và thực hiện các xét nghiệm, nội soi chuyên sâu.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ vỡ bàng quang tự phát

Theo các bác sĩ, những nguyên nhân phổ biến dẫn đến vỡ bàng quang tự phát gồm:

Nhịn tiểu quá lâu: Làm bàng quang căng đầy kéo dài, gây tổn thương thành bàng quang.

Bệnh lý nền: Người bị đột quỵ, phì đại tuyến tiền liệt, sỏi bàng quang, chấn thương tủy sống hoặc rối loạn thần kinh kiểm soát tiểu tiện có nguy cơ cao.
Nhiễm khuẩn tiết niệu kéo dài: Làm thành bàng quang yếu đi.

Lạm dụng rượu bia: Gây mất cảm giác buồn tiểu, khiến bàng quang bị giãn quá mức.

Dấu hiệu cảnh báo cần lưu ý:

Người bệnh hoặc người thân cần chú ý các triệu chứng sau để kịp thời xử trí:

Đau tức bụng dưới (vùng hạ vị), đặc biệt khi không đi tiểu được

Tiểu rắt, tiểu rất ít, tiểu máu hoặc hoàn toàn không có nước tiểu

Bụng chướng, khó thở, buồn nôn, sốt – dấu hiệu nhiễm trùng ổ bụng

Lơ mơ, mệt mỏi, dấu hiệu rối loạn điện giải hoặc nhiễm độc nước tiểu

Cách phòng ngừa vỡ bàng quang tự phát
Không nhịn tiểu quá lâu – đặc biệt với người cao tuổi, người bệnh tai biến hoặc có bệnh lý đường niệu

Điều trị triệt để các bệnh lý liên quan như nhiễm khuẩn tiết niệu, phì đại tuyến tiền liệt, sỏi bàng quang

Hạn chế rượu bia, đảm bảo phản xạ tiểu tiện bình thường

Theo dõi sát chức năng tiểu tiện ở người bệnh nằm lâu, người mất vận động, người đột quỵ

Trang bị kiến thức y tế cơ bản để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường ở người thân cao tuổi

Xuân Vũ (T/H)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/nguoi-phu-nu-63-tuoi-vo-bang-quang-vi-thoi-quen-bat-dac-di-nhieu-nguoi-mac-19601.html