Khát vọng thành phố bên sông Đà
Ngày rời xa mảnh đất Hòa Bình, phía sau lưng chàng trai Nguyễn Văn Công (phường Thịnh Lang) là đám bụi đất vàng tung lên dưới bánh xe, cuốn theo chiều gió. Khi ấy, nối nhịp giữa đôi bờ sông Đà chỉ có một cây cầu vắt ngang. Gần chục năm bôn ba xa xứ, cũng giống như bao người con sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này, ngày trở về, anh Công ngỡ ngàng trước sự đổi thay của thành phố.
Không gian phát triển mở rộng
Theo trí nhớ của những người cao tuổi, thị xã Hòa Bình (nay là TP Hòa Bình) thời kỳ trước Cách mạng tháng 8/1945 chỉ có khu chợ Phương Lâm (khu vực Nhà văn hóa thành phố cũ) là nơi nhộn nhịp. Mà cũng chỉ đông vào những ngày chợ phiên, còn bình thường đìu hiu vài hàng quán. Ngoài ra, diện mạo thị xã Hòa Bình được điểm tô chỉ bằng những ngôi nhà xây là cơ quan công sở. Hình thái "đô thị” giản đơn đó của thị xã tiếp giữ cho đến khi được lựa chọn và trở thành đại công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Lúc này, thị xã Hòa Bình mới "bừng tỉnh”. Nhà cửa mọc lên san sát, nhiều công trình văn hóa - xã hội được xây dựng. Những con đường được mở mới trải dài tương lai tươi sáng cho "thành phố bên sông Đà".
Đồng chí Bùi Quang Điệp, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết: Hiện nay, thành phố đang là đô thị loại III. Năm 2020 ghi dấu ấn đặc biệt khi thực hiện sáp nhập toàn bộ huyện Kỳ Sơn vào TP Hòa Bình. Từ đó, không gian phát triển được mở rộng gắn liền với những cơ hội mới để thành phố vươn mình trở thành đô thị xứng tầm trung tâm của tỉnh. Trong giai đoạn phát triển mới, Thành ủy, UBND thành phố đã và đang tập trung cao độ đẩy nhanh tiến độ quy hoạch (QH) và quản lý QH, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, huy động tốt các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, chỉnh trang diện mạo đô thị xanh, sạch, đẹp, thân thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân... Các giải pháp đang được triển khai đồng bộ và quyết liệt, phấn đấu xây dựng TP Hòa Bình đạt tiêu chí đô loại loại II trước năm 2025, xa hơn là đô thị có bản sắc, đáng sống của khu vực.
Sức sống thành phố mới
Thực tế đã chứng minh, việc sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của huyện Kỳ Sơn vào TP Hòa Bình để hình thành nên TP Hòa Bình mới không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn mở ra nhiều cơ hội để địa phương tập trung nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Sau sáp nhập địa giới hành chính, TP Hòa Bình được mở rộng, hội tụ những điều kiện thuận lợi để phát triển khi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hạ tầng giao thông kết nối... Cùng với đó, thành phố triển khai các giải pháp quyết liệt trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giải quyết những vấn đề đô thị nhằm tạo sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng đô thị, thương mại, dịch vụ. Đến nay, TP Hòa Bình đã có hệ thống giao thông trục dọc, trục ngang đồng bộ, khép kín, tạo ra những đổi thay rõ rệt. Đường Chi Lăng kéo dài, bề mặt rộng 27m, trở thành trục giao thông chiến lược mở ra không gian phát triển cho khu vực Quỳnh Lâm. Quảng trường Hòa Bình trở thành địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao lớn của tỉnh. Những cây cầu bắc qua sông Đà mở ra không gian đô thị rộng lớn cho thành phố. Từ đây, hàng loạt dự án đô thị, du lịch sinh thái đã được khởi động. Công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm. Đề án phát triển kinh tế đêm tập trung đầu tư các tuyến phố ven sông Đà hứa hẹn tạo bứt phá... Bên cạnh đó, thành phố chuẩn bị tốt điều kiện để khởi công các dự án giao thông trọng điểm; tích cực phối hợp để sớm triển khai các dự án phát triển đô thị xanh gắn với phát triển hạ tầng du lịch...
Với khát vọng vươn lên, TP Hòa Bình tập trung thực hiện các tiêu chí đô thị loại II, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, ban hành Nghị quyết tập trung lãnh đạo xây dựng TP Hòa Bình đạt các tiêu chí đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập các đồ án QH phân khu tỷ lệ 1/2000, phấn đấu hoàn thành các đồ án đã có chủ trương. Ban hành và triển khai có hiệu quả Quy chế quản lý QH xây dựng, kiến trúc đô thị; Chương trình phát triển đô thị TP Hòa Bình. Thu hút đầu tư, xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới, nhà ở xã hội. Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục khai thác lợi thế có dòng sông Đà và nền văn hóa đặc sắc, là điểm kết nối của các dự án đầu tư đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Hòa Bình - Mộc Châu, tạo nên tuyến trục cao tốc kết nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối khu du lịch quốc gia Mộc Châu với khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Đây là cơ hội để TP Hòa Bình phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành đô thị loại II vào năm 2025.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/181445/khat-vong-thanh-pho-ben-song-da.htm