Khát vọng Tuyên Quang: Bài cuối: Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh

Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhân tố quyết định tạo nên những thắng lợi. Để thực hiện công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng các đề án nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị phù hợp giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Đây chính là giải pháp căn bản nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, đưa khát vọng của Tuyên Quang trở thành hiện thực.

>> Bài 1: Ban hành và triển khai các nghị quyết, đề án kịp thời, bài bản

>> Bài 2: Gỡ những điểm nghẽn hạ tầng

>> Bài 3: Phát triển các ngành kinh tế trọng điểm

>> Bài 4: Chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo

>> Bài 5: Xây nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển

Gắn bó với cơ sở, giao việc đột phá

Hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc đã được cụ thể hóa bằng Đề án 03-ĐA/TU ngày 03/01/2020 về nâng cao năng lực, sức chiến đấu của cơ sở đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đề án chính là giải pháp quan trọng để thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng mà trọng tâm thực hiện Đề án số 16-ĐA/TU về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2020 - 2025. Đến nay, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đã được triển khai sâu, rộng trong toàn Đảng bộ. Trong thực hiện, đã được nhiều chi, đảng bộ có nhiều cách làm sáng tạo, tiêu biểu. Các đồng chí cấp ủy viên từ tỉnh đến cơ sở thực hiện nghiêm chỉ đạo về phân công dự sinh hoạt chi bộ. Từ đó đã tạo chuyển biến sâu sắc về tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của chi bộ và ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nhiều chi bộ thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là trung tâm đoàn kết, giáo dục, quản lý, rèn luyện và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên... đã kịp thời nhận diện được những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên để cảnh báo, sửa chữa, khắc phục.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm mô hình bưởi hữu cơ
tại xã Thái Long (Tp Tuyên Quang). Ảnh: Thanh Phúc

Đồng chí Triệu Văn Minh, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lập (Lâm Bình) cho biết, thực hiện Đề án số 16-ĐA/TU, Đảng ủy xã lựa chọn một chi bộ trực thuộc tổ chức sinh hoạt chi bộ mẫu và mời các bí thư, phó bí thư các chi bộ trực thuộc khác trong đảng bộ cùng tham gia sau đó họp rút kinh nghiệm. Thường trực Đảng ủy phân công các đồng chí trong BCH Đảng bộ xã thực hiện nghiêm việc tham gia dự sinh hoạt cùng các chi bộ thôn, bản. Trước khi sinh hoạt chi bộ, BCH Đảng bộ xã cùng với BCH chi bộ họp trước để thống nhất chuẩn bị nội dung, kịch bản điều hành, nội dung kết luận phân công nhiệm vụ cho dảng viên giống như “cầm tay chỉ việc”… Các bước tiến hành sinh hoạt đúng hướng dẫn của tỉnh. Qua đó chất lượng sinh hoạt từng bước nâng lên, phát huy được tinh thần, trách nhiệm của đảng viên.

Đồng chí Hoàng Cao Khải, Bí thư Đảng ủy xã Trung Yên (Sơn Dương) khẳng định, sinh hoạt chi bộ, đảng bộ cơ sở thực sự có chất lượng là nhân tố quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Từ thực tiễn đối với xã Trung Yên sau hơn 1 năm thực hiện Đề án số 16-ĐA/TU đã chứng minh rằng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có được thực hiện tốt hay không, có đi vào thực tiễn cuộc sống hay không đều phụ thuộc vào vai trò quan trọng, quyết định của tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đề án 03 đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó trọng tâm là thực hiện tốt Quy định về giao việc đột phá, đổi mới với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Đây là một quy định mới, mang tính đột phá của tỉnh chưa có trong tiền lệ nhưng bước đầu đã cho thấy hiệu quả, tính đúng đắn trong thực tiễn. Đồng chí Mai Hồng Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Hàm Yên cho biết, giao việc đột phá ở mỗi cấp đều tập trung vào những khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, các công việc có tính đột phá, việc mới, việc khó, việc tồn đọng, bức xúc của nhân dân.

Trong triển khai, nhiều đồng chí đã có cách làm sáng tạo, giải quyết vấn đề phù hợp với thực tiễn và đã đạt được kết quả bước đầu với những sản phẩm cụ thể điển hình như: chấm dứt hoạt động và tháo dỡ toàn bộ 98 lò sản xuất gạch thủ công trên địa bàn huyện; giải phóng mặt bằng Kho bạc Nhà nước huyện; giải quyết việc lấn chiếm đất lâm nghiệp; nâng cấp, cải tạo sân vận động huyện để xây dựng Quảng trường trung tâm huyện; nâng cấp cải tạo một số tuyến đường… Đây chính là động lực để các đồng chí cán bộ, lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý thử thách, phấn đấu, góp phần vào việc nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, của cá nhân cán bộ, đảng viên, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Quảng trường Nguyễn Tất Thành.

Quảng trường Nguyễn Tất Thành.

Để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Đề án 02-ĐA/TU về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đề án đề ra mục tiêu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng để nâng cao hiệu quả hoạt động Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo phương châm “Hướng mạnh về cơ sở, chăm lo nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân”; đổi mới công tác vận động quần chúng theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đồng chí Đàm Thanh Hương, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Na Hang cho biết, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã có tác động hết sức tích cực trong mọi mặt đời sống, xã hội trên địa bàn huyện, nổi bật trong các cuộc vận động và phong trào là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được MTTQ các cấp trong huyện triển khai hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đóng góp trực tiếp trong xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, bảo vệ môi trường. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực tham gia thực hiện các việc mới, việc khó, việc phát sinh của huyện; chủ động, tích cực đa dạng hóa các hình thức tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, hội viên… Qua đó giáo dục đạo đức, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức cách mạng, vượt khó vươn lên trong cuộc sống của mỗi người dân.

Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ

Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là nội dung quan trọng mà Đề án 03 đề cập. Đề án cũng đã đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Tuyên Quang thực sự: “Chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính, sáng tạo, hiệu quả, phục vụ nhân dân”; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức tốt, lối sống trong sáng, lành mạnh; có ý thức tổ chức kỷ luật, gương mẫu trong công tác và sinh hoạt; có trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo, khát vọng cống hiến; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển chung của tỉnh.

Theo đó, Đề án đã chỉ ra đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, 97% đảng viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; 100% công chức được bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức hiện giữ và tiêu chuẩn ngạch công chức của chức danh, vị trí được quy hoạch; 100% cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, nghiên cứu, tổng hợp cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên.

Một góc thành phố Tuyên Quang.

Một góc thành phố Tuyên Quang.

Đồng chí Âu Thế Thái, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, một trong những mục tiêu của Đề án phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đảm bảo về số lượng, nâng cao về chất lượng, có cơ cấu phù hợp, có sự kế thừa liên tục, vững vàng, lâu dài cho tỉnh, đủ sức lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Do vậy, các cấp, các ngành, các đơn vị phải định kỳ rà soát, bổ sung, quy hoạch cán bộ, lãnh đạo theo quy định, yêu cầu của chức danh, vị trí việc làm đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Việc đánh giá cán bộ phải xác định cụ thể công việc, lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu. Tiêu chí đánh giá phải bổ sung được yếu tố định lượng về công việc, thời gian hoàn thành việc đột phá, đổi mới.

Đổi mới hình thức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng

Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, việc tuyên truyền quán triệt thực hiện các nghị quyết phải thực sự được quan tâm, đổi mới. Thời gian qua các cấp ủy trong toàn Đảng bộ đã có những cách làm sáng tạo, đổi mới trong tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Cụ thể như việc triển khai bằng hình thức kết nối trực tuyến hội nghị Trung ương tới các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và các chi, đảng bộ cơ sở giúp cho nhiều cấp, nhiều đối tượng cán bộ, đảng viên ở cấp cơ sở tiếp thu các bài giảng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và báo cáo viên Trung ương.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã Ban hành Quy định về đánh giá chất lượng tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Văn kiện của Đảng ở các chi, đảng bộ cơ sở. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện lấy phiếu khảo sát chất lượng học tập nghị quyết ngay tại hội nghị quán triệt, học tập nghị quyết từ cấp tỉnh đến cơ sở. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp dự, nắm tình hình, theo dõi, giám sát việc học tập, tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết ở các Đảng bộ. Trên cơ sở đó, đánh giá, phân tích chất lượng học tập nghị quyết và đề xuất, kiến nghị cấp ủy các cấp nghiêm túc rút kinh nghiệm, tổ chức học tập lại đối với những đơn vị chưa đạt yêu cầu, kịp thời có giải pháp khắc phục những hạn chế đảm bảo việc tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng nghiêm túc, hiệu quả, tránh hình thức.

Đồng chí Nông Thị Bích Huệ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, để hiện thực được mục tiêu đề ra “Đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc” đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, người dân trong tỉnh phải cùng nhau nỗ lực phấn đấu. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải không ngừng tích cực học tập và làm theo Bác, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, có trách nhiệm, tâm huyết và khát vọng phát triển, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Ngay từ lúc này, mỗi cấp ủy đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân Tuyên Quang cần chung sức đồng lòng, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/khat-vong-tuyen-quang-bai-cuoi-xay-dung-dang-he-thong-chinh-tri-vung-manh-150536.html