Khát vọng vươn khơi, bám biển, làm giàu từ biển

Phố biển Nha Trang đêm mùa thu dịu mát. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, ngư dân, thanh niên và sinh viên, học sinh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa náo nức về tham gia Chương trình chính luận nghệ thuật 'Mạnh giàu từ biển quê hương' do Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp tổ chức.

Vai trò của biển đối với sự phát triển đất nước

Ngay từ chập tối 12-8, Quân cảng Nha Trang, Học viện Hải quân đã chật kín khách. Dường như đại biểu nào cũng muốn có mặt sớm bởi sự kiện này góp phần lan tỏa tình yêu biển, đảo, khơi dậy khát vọng vươn khơi, bám biển, làm giàu từ biển và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Tới dự chương trình có các đồng chí: Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà, Phó thủ tướng Chính phủ, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Lê Hoài Trung, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Đỗ Tiến Sỹ, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Trung tướng Thái Đại Ngọc, Tư lệnh Quân khu 5; Phó đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Tư lệnh Quân chủng Hải quân; Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; lãnh đạo các tỉnh, thành phố có biển; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và gần 1.500 cán bộ, chiến sĩ, ngư dân, thanh niên, sinh viên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Đại tướng Lương Cường và các đại biểu tham dự chương trình.

Đại tướng Lương Cường và các đại biểu tham dự chương trình.

Chương trình được truyền hình trực tiếp từ Khánh Hòa-trung tâm du lịch và kinh tế biển-được thể hiện dưới hình thức giao lưu chính luận nghệ thuật, đan xen giữa các phần giao lưu khách mời với các phóng sự hiện trường sinh động, hấp dẫn cùng các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng với các chủ đề: “Tâm thức biển”, “Việt Nam hướng tới giàu từ biển” và “Việt Nam hướng tới mạnh về biển”.

Mở đầu chương trình là liên khúc mở: Việt Nam trong tôi là-Rap "Biển trong tôi là"-Biển hát chiều nay, sáng tác: Yến Lê-Phong Windy-Hồng Đăng, do các ca sĩ: Đông Nhi-Phong Windy-Hà Trần, Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng cùng Vũ đoàn Lavender biểu diễn. Những câu hát đầy yêu mến và tự hào đã đưa người xem đến với một không gian cảm xúc thật đặc biệt về biển Việt Nam và con người Việt Nam-thật đẹp và tự hào biết bao khi triệu triệu trái tim cùng hòa nhịp chung câu hát tự hào về biển, đảo quê hương.

Liên khúc mở vừa dứt, người xem dạt dào cảm xúc với phóng sự “Cùng ngư dân vươn khơi bám biển” thể hiện rõ nét hành trình vươn khơi, bám biển không chỉ là cuộc mưu sinh đầy vất vả của bà con ngư dân mà còn thể hiện sự can trường nơi đầu sóng ngọn gió để góp phần đấu tranh khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Trong hành trình của ngư dân vươn khơi trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc luôn có sự đồng hành của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Quân đội.

Đại tá Bùi Duy Châu, nguyên giảng viên Học viện Hải quân nhận món quà từ Lữ đoàn Tàu ngầm 189.

Đại tá Bùi Duy Châu, nguyên giảng viên Học viện Hải quân nhận món quà từ Lữ đoàn Tàu ngầm 189.

Phóng sự “Nghị quyết 36-Cú hích để phát triển kinh tế biển” đã gửi tới thông điệp: Việt Nam là quốc gia biển với tiềm năng, giá trị từ biển đem lại vô cùng to lớn, phong phú. Biển đã mang lại nguồn sống, sinh kế cho hàng triệu ngư dân đánh bắt hải sản và lao động gắn với nghề biển. Quá trình vươn khơi, bám biển không chỉ là hành trình mưu sinh của ngư dân, mà điều đó còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Bởi vậy, dù khó khăn, vất vả thế nào thì ngư dân vẫn lựa chọn vươn ra biển, hướng tới biển.

Trong những hải trình khai thác hải sản, các lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Hải quân... luôn sát cánh cùng ngư dân vươn khơi, sẵn sàng hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nhiên liệu... Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, dù mưa bão, sóng to, gió lớn, cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn có mặt kịp thời để ứng cứu, hỗ trợ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân. Trong tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đồng hành, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, phát triển kinh tế biển là một chủ trương lớn. Nghị quyết 36 khẳng định rõ đây là chủ trương lớn, đột phá với các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế biển để đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa...

Việt Nam hướng tới mạnh giàu từ biển

Trong phần thứ hai với chủ đề “Việt Nam hướng tới giàu từ biển”, chương trình đã khái quát một bức tranh chung về kinh tế biển Việt Nam thông qua những câu chuyện gần gũi nhưng sâu sắc, ý nghĩa. Biển và hải đảo là không gian phát triển nhiều hoạt động kinh tế-xã hội quan trọng.

Phóng sự “Xu hướng chuyển dịch năng lượng của Petrovietnam” đề cập khá rõ nét về hành trình trải nghiệm nơi giàn khoan dầu khí là một hành trình đặc biệt ý nghĩa. Hình ảnh của những người công nhân nơi giàn khoan dầu khí lao động hăng say, quên tuổi thanh xuân, chạy đua với thời gian để khơi từ lòng biển những vỉa dầu thô, tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc quả thực là một hình ảnh rất đẹp giữa biển khơi.

Phóng sự “Kinh tế biển từ góc độ quy hoạch không gian biển và phát triển logistics” giới thiệu thông điệp: Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của biển và đại dương. Tổ quốc Việt Nam đang từng ngày lớn mạnh, khẳng định vị thế là một quốc gia biển...

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật trong Chương trình chính luận nghệ thuật “Mạnh giàu từ biển quê hương”.

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật trong Chương trình chính luận nghệ thuật “Mạnh giàu từ biển quê hương”.

Bên cạnh việc xem các phóng sự truyền hình, thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, khán giả được giao lưu với những chuyên gia, nhà nghiên cứu về phát triển kinh tế biển. Là chuyên gia chuyên nghiên cứu về bảo tồn biển ở Việt Nam, PGS, TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chủ tịch Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam-ASEAN, nêu vấn đề: “Việt Nam đang phấn đấu để trở thành một trong những quốc gia giàu mạnh về biển. Một quốc gia giàu mạnh về biển trước hết phải có nền kinh tế về biển, với tất cả các ngành mũi nhọn về biển, có sức cạnh tranh cao, đóng góp lớn cho công nghệ biển, cũng như những tiềm lực có thể khai thác được một cách hiệu quả nhất các tài nguyên về biển". Theo PGS, TS Bùi Tất Thắng, để thực hiện Nghị quyết 36, nước ta cần phải tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Nhằm huy động nguồn lực bổ sung phục vụ phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và những công trình thiết yếu khác, Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá sẽ xây dựng và phát triển huyện Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc...”.

Ước mơ chinh phục biển cả, giàu mạnh từ biển không chỉ chảy trong huyết quản của mỗi người dân Việt Nam mà quyết tâm đó còn được thể hiện qua những quyết sách và đường lối, qua những công trình thế kỷ, mang tầm vóc quốc gia, dân tộc... Tham gia giao lưu cùng khán giả, GS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia nghiên cứu về biển, đảo, chia sẻ: “Để Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh trên biển thì cần phải bảo vệ tài nguyên môi trường tốt; xã hội phát triển tốt về biển; có nguồn lực, nhân lực, tài chính tốt; bảo đảm an ninh truyền thống và phi truyền thống trên biển; có hợp tác quốc tế mạnh; có người dân đồng hành với đất nước".

Theo GS Mai Trọng Nhuận, thực chất tư duy hướng mạnh ra biển có từ Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 6-5-1993 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, tiếp tục được phát triển trong Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và được cụ thể hóa trong Nghị quyết 36. Tư duy đó tổng quát được thể hiện trong Nghị quyết 36: Phát triển đất nước hướng biển, dựa vào biển, theo hướng bền vững, thịnh vượng và an toàn.

Khán giả có mặt tại Quân cảng Nha Trang và người xem truyền hình xúc động khi được xem phóng sự “Gặp gỡ các thế hệ chinh phục lòng biển”. Phóng sự vừa kết thúc, gần 30 chiến sĩ đại diện cho các lực lượng bảo vệ chủ quyền trên biển có mặt tại sân khấu chính và trên tàu Yết Kiêu cùng Đại tá Bùi Duy Châu, nguyên giảng viên Học viện Hải quân (nhân vật trong phóng sự). Như một mệnh lệnh không lời, những người lính trẻ nghiêm trang giơ tay chào Đại tá Bùi Duy Châu theo điều lệnh, khiến ông rất xúc động.

Đại tá Bùi Duy Châu càng thêm bất ngờ khi nghe MC Lê Anh giới thiệu chiến sĩ trẻ Nguyễn Trung Kiên đến từ Lữ đoàn Tàu ngầm 189 (Quân chủng Hải quân) lên sân khấu trao quà tặng người thầy đã có công dạy bảo bao thế hệ học viên. Món quà chính là chai nước lấy từ biển với độ sâu hơn 200m-thể hiện tinh thần làm chủ, chinh phục lòng biển của những người lính biển hôm nay. Đây cũng chính là thông điệp về quyết tâm "mạnh giàu từ biển", thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn.

Chương trình càng thêm phần sôi động, ý nghĩa với không gian nghệ thuật đầy cảm xúc về biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc qua liên khúc hát múa “Và ta viết lại sử xanh-Nơi đảo xa”; các ca khúc: “Tổ quốc gọi tên mình”, “Ru em bằng tiếng sóng”, “Ra khơi”... do các nghệ sĩ đến từ Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn.

Những câu chuyện về hành trình xây dựng lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam và hình ảnh các ngư dân bám biển trở thành phòng tuyến quan trọng để bảo vệ chủ quyền là điểm nhấn quan trọng của phần thứ ba “Việt Nam hướng tới mạnh về biển”. Điều này thể hiện quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta là thực hiện song song hai nhiệm vụ vừa phát triển bền vững kinh tế biển, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời mở ra hướng đi mới về phát triển kinh tế biển trong thời đại kinh tế mở và hội nhập toàn cầu. Cùng với xem các phóng sự, tiết mục văn nghệ, khán giả được trò chuyện với chuyên gia xoay quanh những câu chuyện về khát vọng làm chủ vùng biển, mạnh trên biển, về ước mơ của lớp lớp thế hệ người Việt Nam trên hành trình khám phá biển khơi.

Kết thúc chương trình, các đại biểu và khán giả có mặt trên quân cảng đều vỗ nhịp theo lời bài hát “Bay qua Biển Đông”, sáng tác: Lê Việt Khánh, do Nhóm nhạc MTV, Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn.

Màn hình sân khấu bừng sáng, lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên những con tàu cá ngư dân, trên các giàn khoan dầu khí, nhà giàn DK1, trên các tàu Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư... như nhắn gửi một thông điệp: “Biển yên” thì “bờ ấm".

Chương trình chính luận nghệ thuật “Mạnh giàu từ biển quê hương” đã mang đến cho chúng ta một “không gian biển” đặc biệt-nơi gặp gỡ, giao lưu của những người con “yêu biển”, với khát vọng “vươn khơi, bám biển”, làm giàu từ biển và quyết tâm giữ gìn chủ quyền biển, đảo quê hương, góp phần xây dựng một quốc gia “mạnh giàu từ biển”. Nội dung chương trình góp phần hun đúc tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy tiềm năng đa dạng của biển, đảo Việt Nam; khẳng định Việt Nam là quốc gia biển với khát vọng muôn đời chinh phục biển, thịnh vượng từ biển và giữ gìn hòa bình trên biển...

Bài và ảnh: TIẾN DŨNG - VĂN CHUNG - HOÀNG CHUNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khat-vong-vuon-khoi-bam-bien-lam-giau-tu-bien-738466