Phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc trong giai đoạn mới
VÕ THANH AN
(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi thời kỳ đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ khác nhau cho MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh. Với Quảng Ngãi, từ ngày tái lập tỉnh đến nay, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh luôn đổi mới phương thức tập hợp, đoàn kết toàn dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp để cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh gặt hái những thành tựu quan trọng trong xây dựng, phát triển tỉnh nhà.
Từ những ngày đầu tái lập tỉnh, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nhanh chóng tiếp cận vào thực tiễn, yêu cầu của mỗi thời kỳ. Hình thức tập hợp, kết nạp thành viên được MTTQ Việt Nam các cấp tăng cường thực hiện; quan tâm đến công tác dân tộc, tôn giáo, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Mặt trận từng bước được kiện toàn, năng lực công tác ngày càng được nâng cao. Trong những ngày đầu tái lập tỉnh, bộ máy cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ với 4 người, gồm 1 phó chủ tịch và 3 cán bộ. Thực hiện chủ trương của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi lần thứ IX, diễn ra trong 2 ngày (20 - 21/4/1993) đã hiệp thương, nhất trí cử ra 39 vị đại diện cho các tổ chức thành viên và ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã và các cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân. Từ đó, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phong trào xây dựng "Người tốt, việc tốt" đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Qua đó, phát hiện, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, nhất là “những tấm gương bình dị mà cao quý” trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 2.000 gương “Người tốt, việc tốt” được suy tôn ở các cấp. Từ năm 2011 đến nay, phong trào “Quảng Ngãi chung sức xây dựng nông thôn mới” đã vận động nhân dân đóng góp gần hàng trăm tỷ đồng và hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, các công trình công cộng... giúp bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
Phong trào “Quảng Ngãi vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh triển khai đạt kết quả khá tích cực. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã huy động hàng chục tỷ đồng hỗ trợ xây mới gần 13,4 nghìn nhà "Đại đoàn kết", sửa chữa 1.312 nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ 2.084 nhà tránh lũ; chuyển UBND tỉnh 87,9 tỷ đồng để cùng với nguồn ngân sách hỗ trợ xây dựng 12,596 nghìn “nhà 167” cho hộ nghèo... Đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được Mặt trận các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 100% khu dân cư đã xây dựng quy ước, hương ước để thực hiện quản lý cộng đồng dân cư tự quản tại các thôn, tổ dân phố. Nhiều mô hình "Dân vận khéo" hoạt động có hiệu quả... Qua đó, góp phần khẳng định vị thế, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam các cấp trong xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Công tác cứu trợ luôn được Mặt trận các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện kịp thời. Những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận hàng trăm tỷ đồng, cùng nhu yếu phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế có giá trị hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 đã tiếp nhận trên 83 tỷ đồng và nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tập trung thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa. Ngoài ra, các cấp MTTQ Việt Nam trong tỉnh còn phối hợp thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”...
Thực hiện tốt vai trò phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đã tổ chức giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng dự thảo Luật MTTQ Việt Nam, Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Không những tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong nước ngày càng vững mạnh, trong suốt những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn thực hiện tốt công tác đối ngoại. Đặc biệt là xây dựng mối quan hệ với Mặt trận của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức đón tiếp và làm việc với Đoàn Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Champasak sang thăm và làm việc. Đã hỗ trợ tỉnh Champasak 340 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác Mặt trận; khen thưởng Cuộc thi văn nghệ giữa người Lào và người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Champasak; khen thưởng Cuộc thi viết tìm hiểu về lịch sử Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam tại tỉnh Champasak.
Năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng tiếp đón Đoàn công tác Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Attapeu sang thăm và làm việc tại Quảng Ngãi. Cũng trong năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức Đoàn công tác sang thăm, làm việc với 2 tỉnh Champasak và Attapeu; hỗ trợ mỗi tỉnh 150 triệu đồng để tổ chức các hoạt động Mặt trận và an sinh xã hội. Qua đó, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, sự hợp tác và tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước Việt Nam - Lào, đặc biệt là giữa tỉnh Quảng Ngãi với 2 tỉnh Champasak và Attapeu.
Trong những năm đầu tái lập tỉnh, thực hiện chủ trương của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tỉnh Quảng Ngãi cũng vận động đóng góp hỗ trợ, chia sẻ với những khó khăn của nhân dân Cu Ba anh em. Kết quả đã vận động, hỗ trợ trong năm 1992 là 800 triệu đồng, năm 1994 là 804 triệu đồng và năm 1996 là 1,2 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa khác, lan tỏa sâu rộng tình cảm giữa 2 dân tộc, được đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.
Thiết kế, trình bày: VÕ VĂN