Khát vọng vươn lên của nông dân Bát Xát

Cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, nhiều nông dân ở Bát Xát đã vượt qua đói nghèo, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Chăm chỉ sẽ thoát nghèo

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần, anh Vàng Văn Hoàng, thôn Ná Rin, xã Mường Vi hoàn thiện nốt phần cổng, tường rào quanh ngôi nhà 2 tầng mới xây của gia đình. Anh Hoàng nhớ lại: Sau khi lập gia đình, tôi xác định để thoát nghèo không cách nào khác là phải chăm chỉ lao động. Nhớ nhất là vợ chồng tôi đã cải tạo 2 mẫu ruộng đá nhiều hơn đất rồi dẫn nước về cấy lúa Séng cù, mỗi năm thu được gần chục tấn thóc.

Không chỉ cấy lúa, anh Hoàng còn mạnh dạn vay vốn từ các tổ chức tín dụng mua ngựa, trâu để nuôi. Đầu năm 2022, anh bán 5 con ngựa, 2 con trâu được gần 200 triệu đồng. Cùng với số tiền tiết kiệm, anh xây ngôi nhà mới, với chi phí hơn 500 triệu đồng. Ông Hoàng Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Vi cho biết: Nhờ chăm chỉ trong lao động, sản xuất, gia đình anh Hoàng đã vượt khó vươn lên trở thành hộ khá trong thôn Ná Rin. Anh Hoàng cũng là tấm gương sáng trong cộng đồng dân cư, chung tay cùng xã Mường Vi xây dựng nông thôn mới.

Thất bại là mẹ thành công

Ở Bát Xát ai cũng biết anh Lý Văn Tiên, thôn Hải Khê, xã Bản Qua. Cách đây khoảng 6 năm, nhận thấy diện tích trồng ngô, sắn của gia đình ven bãi bồi sông Hồng kém hiệu quả, anh đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng bưởi, táo, xoài, nhãn, hồng xiêm… Tuy nhiên, đến thời kỳ cho thu hoạch thì đại dịch Covid-19 bùng phát, quả đầy vườn nhưng rất khó khăn trong tiêu thụ. Tưởng rằng Covid-19 sẽ nhấn chìm quyết tâm, hy vọng của người đàn ông sinh năm 1977, dân tộc Giáy, nhưng điều này đã không thể xảy ra. Anh Tiên tâm sự: Dù Covid-19 bùng phát, tôi vẫn hằng ngày kiên trì chăm bón, dọn cỏ, tỉa cành, tưới nước cho vườn cây ăn quả. Khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát cũng là thời điểm vườn cây ăn quả nhà tôi được mùa, cho sản lượng lớn nhất từ trước đến nay. Ước tính, năm 2022 gia đình tôi thu lãi khoảng 150 triệu đồng từ diện tích cây ăn quả.

Ang còn thuê thêm đất của các hộ lân cận, đầu tư 400 triệu đồng xây dựng 2.000 m2 nhà kính trồng dưa lưới. Những cây dưa lưới phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao, giúp anh có thêm thu nhập.

Quyết chí ắt làm nên

Dền Sáng là xã có địa hình chia cắt mạnh, thời tiết rất khắc nghiệt, đặc biệt là vào mùa đông. Thế nhưng khi đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, ông Tẩn Sài Vảng, thôn Ngải Chồ vẫn tìm cho mình hướng làm kinh tế thành công.

Những năm qua các cấp, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân không mở rộng, tiến tới xóa bỏ diện tích cây thảo quả để bảo vệ rừng tự nhiên. Vì vậy, ông Vảng đã dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm của gia đình đầu tư xây dựng bể nuôi cá tầm. Ông Vảng tâm sự: Những năm đầu nuôi cá tầm chưa có kinh nghiệm, cùng với đại dịch Covid-19 ập đến bất ngờ, khiến kinh tế gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, giai đoạn đó đã qua, năm 2022, gia đình tôi nuôi 6.000 con cá tầm, bán đi thu lãi hơn 100 triệu đồng…

Ông Hoàng, ông Tiên và ông Vảng chỉ là 3 trong số hàng trăm gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Bát Xát. Họ là người tiên phong, tạo động lực, sức lan tỏa mạnh mẽ, cổ vũ và nhân rộng ý chí, quyết tâm vươn lên trong cộng đồng dân cư huyện Bát Xát.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363659-khat-vong-vuon-len-cua-nong-dan-bat-xat