Khát vọng vươn mình

Không chỉ giành quyền vào tứ kết môn bóng đá nam Olympic Tokyo 2020 mà hai đại diện của bóng đá châu Á là đội tuyển Olympic Nhật Bản và Hàn Quốc đều kết thúc vòng bảng với vị trí thứ nhất. Với Nhật Bản là 3 trận toàn thắng và ngôi nhất bảng A, với Hàn Quốc là 2 trận thắng cùng ngôi nhất bảng B.

Thành tích ở các giải đấu trẻ không phản ánh hết thực chất và đẳng cấp của nền bóng đá mỗi quốc gia. Tuy nhiên, bóng đá trẻ tiến bộ cũng đồng nghĩa với việc nền bóng đá đó đang phát triển đúng hướng và là nòng cốt để xây dựng đội tuyển quốc gia. Lâu nay trên các đấu trường thế giới, bóng đá châu Á thường không được đánh giá cao, luôn bị coi là những “kẻ học việc”. Thua xa châu Âu, Nam Mỹ về đẳng cấp, kỹ thuật, thể hình, thể lực, nhưng không vì thế mà bóng đá châu Á không khát khao vươn mình, mà minh chứng rõ nhất đến từ trường hợp của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Olympic Hàn Quốc giành chiến thắng đậm trước Honduras với tỷ số 6-0. Ảnh: Dân trí.

Olympic Hàn Quốc giành chiến thắng đậm trước Honduras với tỷ số 6-0. Ảnh: Dân trí.

Thành tích tốt nhất của đội tuyển Olympic Nhật Bản ở sân chơi Olympic là vị trí thứ 4 tại London 2012. Tham dự môn bóng đá nam Olympic Tokyo 2020 với tư cách đội chủ nhà, Nhật Bản đang khát khao có thể tạo nên điều kỳ diệu. Trong tay huấn luyện viên H.Moriyasu đang có những cầu thủ chất lượng. Đó là tài năng trẻ sáng giá nhất T.Kubo-sản phẩm của lò đào tạo trứ danh La Masia (Barcelona) và hiện đang thuộc biên chế của câu lạc bộ Real Madrid. Đó là tiền vệ W.Endo (Stuttgart), K.Itakura (Man City); là lão tướng dạn dày kinh nghiệm M.Yoshida (Sampdoria)... Trong số 22 cầu thủ Olympic Nhật Bản thì có tới 10 cầu thủ đang chơi bóng tại các câu lạc bộ của châu Âu. Chất lượng của đội tuyển Olympic Nhật Bản không phải bàn cãi và thắng lợi 2-1 trước Mexico, 1-0 trước Nam Phi và đặc biệt là 4-0 trước Pháp là minh chứng.

Không có nhiều cầu thủ đang chơi bóng tại châu Âu như Nhật Bản, nhưng đội tuyển Olympic Hàn Quốc đang trình diễn một phong độ khá thuyết phục tại Olympic Tokyo 2020 nhờ lối chơi tập thể gắn kết. Bất ngờ thua New Zealand 0-1 ở trận ra quân, nhưng sự quyết tâm của các cầu thủ Hàn Quốc đã giúp họ vượt qua khó khăn bằng hai thắng lợi đậm 4-0 trước Romania và 6-0 trước Honduras. Thay vì cố gắng gửi những cầu thủ trẻ sang châu Âu đào tạo, nhiều cầu thủ trẻ của Hàn Quốc đã được tạo điều kiện tối đa để phát triển trong nước. Họ sớm được thể hiện giá trị trong màu áo câu lạc bộ và với những cầu thủ trẻ, không có gì phát triển tốt hơn bằng việc được ra sân thi đấu thường xuyên.

Dù trường phái đào tạo trẻ có chút khác biệt nhưng giữa bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc đều có điểm chung là những năm qua, họ luôn đặt niềm tin vào các chiến lược gia trong nước. H.Moriyasu không phải là cái tên xa lạ khi ông kiêm nhiệm dẫn dắt đội tuyển quốc gia và đội tuyển Olympic Nhật Bản. Trong khi đó, người đồng nghiệp Kim Hak-bum cũng đã có nhiều năm gắn bó với bóng đá trẻ Hàn Quốc. Cả H.Moriyasu và Kim Hak-bum đều hiểu rõ nội tình của bóng đá nước mình. Họ gắn bó với cầu thủ trẻ, hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của các học trò để từ đó xây dựng chiến thuật phù hợp.

Không nhiều người tin đội tuyển Olympic Nhật Bản và Hàn Quốc có thể bước tới trận đấu cuối cùng tại môn bóng đá nam Olympic Tokyo 2020. Nhưng với những gì đang thể hiện, hai đội bóng này sẽ chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc và gánh trên vai trọng trách khẳng định khát vọng vươn tầm của bóng đá châu Á-nền bóng đá lâu nay luôn bị coi là “vùng trũng” của thế giới. Trong bối cảnh các ông lớn là Olympic Pháp, Đức và Argentina đều sớm dừng cuộc chơi, tin rằng môn bóng đá nam Olympic Tokyo 2020 sẽ còn nhiều bất ngờ.

HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/olympic-tokyo-2020/khat-vong-vuon-minh-667034