Khát vọng vươn tới những tầm cao
Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ, bước vào công cuộc xây dựng, kiến thiết cùng cả nước, truyền thống 'Kỷ luật và Đồng tâm' luôn được người dân Quảng Ninh qua nhiều thế hệ hun đúc, phát huy. Thực hiện di nguyện lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Phải xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp và vững mạnh', những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc toàn tỉnh luôn đoàn kết một lòng, quyết tâm đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, tiên phong trong nhiều lĩnh vực, từng bước hiện thực hóa khát vọng vươn tới những tầm cao.
Sức mạnh nội sinh của Vùng mỏ bất khuất
Những ngày tháng Tư lịch sử, hòa trong niềm hân hoan của nhân dân cả nước hướng về kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nhân dân Quảng Ninh còn tự hào kỷ niệm 66 năm Ngày giải phóng Vùng mỏ 25.4 (1955 - 2023); nỗ lực lập thành tích hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh 30.10 (1963 - 2023). Càng đáng trân trọng hơn, sau hơn 3 năm kiên định thực hiện “mục tiêu kép” toàn tỉnh đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng. Từ gian khó trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, đến chống lại đại dịch toàn cầu càng làm mỗi người dân Quảng Ninh thêm tự hào về truyền thống được hun đúc từ ý chí, nghị lực quật cường qua nhiều thế hệ.
“Kỷ luật và Đồng tâm” đã trở thành khẩu hiệu truyền thống của người thợ mỏ cũng xuất phát từ lịch sử hào hùng của cả khu mỏ Hồng Quảng trong thời điểm quân thù còn giày xéo mảnh đất này. Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp mở rộng khai thác thuộc địa, nhất là khai thác than ở vùng Quảng Ninh. Việc khai thác mỏ thời bấy giờ hoàn toàn thủ công; thợ mỏ làm việc trong môi trường vô cùng khổ cực. Những người công nhân lúc đó đã đồng tâm đứng lên đấu tranh đòi chủ mỏ tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Từ những cuộc bãi công manh mún đã dẫn đến cuộc tổng bãi công của hơn 30.000 thợ mỏ vào ngày 12.11.1936. Không lâu sau, chủ mỏ đã phải chấp nhận mọi yêu sách của công nhân.
Đầu năm 1945, tình hình ở khu mỏ Cẩm Phả rất phức tạp, Pháp đầu hàng và dâng khu mỏ cho phát xít Nhật. Nhật đàn áp, bắt bớ, đánh đập công nhân rất dã man. Hàng vạn thợ mỏ phải sống trong cảnh nô lệ, lầm than. Khi Nhật đầu hàng quân Đồng minh, trên địa bàn khu mỏ Cẩm Phả có tới 5 lực lượng cùng quản lý (Pháp, Nhật, Tưởng, Quốc dân Đảng và Việt Minh). Thời điểm đó, công nhân mỏ phải làm việc quần quật từ sáng sớm tới tối mịt, chịu đựng khổ sai, cúp phạt, đòn roi. Bữa ăn của thợ mỏ là những miếng bánh đúc to bằng nửa viên gạch vôi. Đói khát, cực khổ nhưng anh em thợ mỏ vẫn bí mật hoạt động cách mạng, tham gia phá hoại máy móc, tài sản của chủ lò.
Sau khi Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở nhiều nơi, không khí cách mạng ở Vùng mỏ càng thêm sôi sục. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân Vùng mỏ Cẩm Phả đã vùng lên tham gia giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân... Đến năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, hàng vạn người con Cẩm Phả lên đường theo tiếng gọi của non sông. Những người ở lại thì vừa tập trung lao động sản xuất, vừa tham gia chiến đấu bảo vệ Vùng mỏ. Ngày 24.4.1955, khu mỏ Hồng Quảng hoàn toàn giải phóng, công nhân bắt tay vào công cuộc khôi phục mỏ; tổ chức các phong trào thi đua sản xuất, mở rộng quy mô, từng bước nâng cao sản lượng khai thác. Cả Vùng mỏ khi ấy hừng hực khí thế lao động hăng say.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một lần nữa, Vùng mỏ lại cùng cả nước vừa lao động và chiến đấu quên mình. Tháng 7.1967, hơn 2.000 thanh niên ưu tú đang làm việc trong các mỏ than đã huy động để chi viện cho chiến trường miền Nam. Cái tên Binh đoàn Than không phải là phiên hiệu trong quân đội nhưng đã đi vào lịch sử như một huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…
"Trái ngọt" từ quyết tâm đổi mới
Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ, bước vào công cuộc xây dựng, kiến thiết cùng cả nước, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” luôn được người dân Quảng Ninh qua nhiều thế hệ hun đúc, phát huy. Thực hiện di nguyện lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp và vững mạnh”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh luôn đoàn kết một lòng, quyết tâm đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá; tiên phong trong nhiều lĩnh vực. Với tầm nhìn mới, cách làm mới, tỉnh đã tìm ra được hướng đi bền vững trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa sản xuất công nghiệp với dịch vụ, du lịch và thương mại. Chuyển dịch mạnh mẽ “từ nâu sang xanh”, tập trung đầu tư để phát huy tốt nhất các thế mạnh. Chỉ vài năm trở lại đây, Quảng Ninh khoác lên mình diện mạo mới với sự phát triển đồng bộ, hiện đại về hạ tầng giao thông, kỹ thuật, các công trình thiết chế văn hóa, giáo dục, giải trí... ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Những ngày đầu tháng 4 này, tỉnh liên tiếp đón nhận tin vui từ sự ghi nhận của người dân, cộng đồng doanh nghiệp thông qua vị trí xếp hạng số 1 toàn quốc về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Qua đó, xác lập kỷ lục mới 6 năm liên tục đứng đầu chỉ số này và 10 năm liền (2013 - 2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Niềm vui nhân 3, ngay sau đó, tỉnh lại tiếp tục xuất sắc trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trên bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022.
Hơn 1 năm trước, cũng những ngày tháng Tư lịch sử (ngày 6.4.2022), trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: Quảng Ninh hơn 10 năm qua đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng. Các nhiệm kỳ kế tiếp nhau đã thể hiện rõ tinh thần kế thừa, đổi mới và phát triển, đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá; tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tích cực cải cách hành chính; đẩy nhanh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Trong thực tiễn sinh động của Quảng Ninh, luôn có một bài học quan trọng được tỉnh xác định nhất quán: để đi từ thành công này đến thành công khác, không thể thiếu sự đồng thuận của nhân dân. Mà minh chứng rõ nét nhất là kỳ tích trong giai đoạn đổi mới với tốc độ tăng trưởng GRDP hơn 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022) tỉnh đã xác lập trong bối cảnh hết sức khó khăn, phức tạp vừa qua. Không chỉ giữ vững sự ổn định kinh tế - xã hội, Quảng Ninh đã hết sức thành công khi giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá, ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, vì lợi ích nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện qua niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền và chế độ ngày càng được củng cố, nhân lên.
“Kỷ luật và Đồng tâm - chúng ta nhất định thắng”. Những ngày này ở Vùng mỏ vẫn vẹn nguyên ký ức tháng Tư!