Khát vọng vươn xa của thị trường chứng khoán Việt Nam

Từ những viên gạch đầu tiên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua bao thăng trầm và thử thách. Hành trình ấy không chỉ là những con số tăng trưởng ấn tượng, mà còn là minh chứng cho sự kiên định, bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược.

Đó là khát vọng về một thị trường minh bạch, hiệu quả, hội nhập sâu rộng, và là điểm đến tin cậy cho cả nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế.

Giờ đây, thị trường chứng khoán đang được kỳ vọng trở thành kênh huy động vốn quan trọng, dẫn dắt sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia.

+Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital:

Chứng khoán cần tiếp tục thể hiện vai trò trụ cột của thị trường vốn

 Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital

Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital

Nhìn lại chặng đường 25 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt nhiều bước tiến quan trọng, trong đó, có thể kể đến ba dấu ấn tiêu biểu:

(1) Xây dựng nền tảng giao dịch hiện đại với việc đưa hệ thống KRX vào vận hành thành công, mở ra dư địa cho các sản phẩm mới, phù hợp với xu thế toàn cầu.

(2) Mở rộng quy mô và gia tăng chiều sâu thị trường: Với hơn 10 triệu tài khoản nhà đầu tư, hơn 1.600 công ty niêm yết và mức vốn hóa 300 tỉ USD, thị trường chứng khoán đóng vai trò then chốt trong việc dẫn vốn trung và dài hạn. Thanh khoản cải thiện mạnh mẽ, đưa Việt Nam trở thành thị trường có giá trị giao dịch hàng ngày dẫn đầu ASEAN, đạt trung bình trên 1 tỉ USD.

(3) Đẩy mạnh hội nhập và thu hút vốn đầu tư quốc tế: Những cải cách về giới hạn sở hữu nước ngoài, quản trị doanh nghiệp đã giúp thị trường ngày càng hấp dẫn hơn với nhà đầu tư.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, vai trò của thị trường vốn cần được khẳng định rõ nét hơn nữa — không chỉ là công cụ hỗ trợ tăng trưởng, mà còn là trụ cột trong việc hiện thực hóa các mục tiêu dài hạn, đặc biệt là thúc đẩy sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân.

Thị trường chứng khoán nước ta đang ở thời cơ tốt nhất cho việc chuyển mình. Chúng ta có đầy đủ các yếu tố giống các nước láng giềng như Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan và Singapore khi họ đột phá từ ngưỡng thị trường chiếm khoảng 60% GDP lên mức 100% GDP. Tôi tin Việt Nam sẽ sớm tiệm cận được con số này.

Dù mỗi quốc gia có những ưu tiên và những bước ngoặt khác nhau, nhưng có những điểm chung Việt Nam có thể học hỏi, như đẩy mạnh IPO và cổ phần hóa, đa dạng hóa sản phẩm đầu tư. Ở Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 85% giao dịch hằng ngày trong khi ở các nước phát triển, nhà đầu tư tổ chức đóng vai trò then chốt.

Thúc đẩy nhà đầu tư tổ chức trong nước là yếu tố quan trọng để thị trường phát triển bền vững, bởi đây sẽ là lực lượng đi đầu trong xây dựng và triển khai các sản phẩm tài chính mới. Ví dụ, quỹ hưu trí là đặc trưng của các nước phát triển. Các quỹ này đầu tư dài hạn và đóng góp vào an sinh xã hội.

Ngoài ra, hạ tầng cũng là một lĩnh vực mà thị trường chứng khoán có thể hỗ trợ rất lớn. Với nhu cầu vốn lên đến hàng tỉ USD cho các dự án đường bộ, đường sắt, cảng biển, hàng không, năng lượng. Chúng ta không thể chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước hay đầu tư nước ngoài. Chúng ta cần phát triển các quỹ đầu tư hạ tầng, thúc đẩy huy động vốn trong nước và tự chủ tài chính.

Chúng tôi xin đề xuất những mục tiêu trọng tâm nên được hoàn thành trong 5 năm tới của thị trường chứng khoán, đó là nâng hạng thị trường, tăng cường giáo dục tài chính, khuyến khích phát triển nhà đầu tư tổ chức, phát triển các sản phẩm mới và hiện đại hóa hạ tầng thị trường.

Sau đó, thị trường có thể hướng tới mục tiêu dài hạn hơn, đó là hội nhập quốc tế sâu rộng, xây dựng hệ sinh thái tài chính số, kết nối khu vực tư nhân để hỗ trợ các ưu tiên quốc gia.

Một thị trường vốn phát triển bền vững, hiệu quả và minh bạch sẽ là công cụ để Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.

+Bà Nguyễn Thị Việt Hà, quyền Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM:

Ứng dụng nhiều công nghệ mới cho thị trường chứng khoán

 Bà Nguyễn Thị Việt Hà, quyền Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, quyền Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM

Sau 25 năm hoạt động, thị trường chứng khoán đã có một số thay đổi rõ nét. Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM là nơi tập trung niêm yết các công ty lớn, đầu ngành, có hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định, đa dạng về ngành nghề và quy mô hoạt động.

Thứ hai, hàng hóa trên HOSE đã có nhiều chuyển biến tích cực, vừa đa dạng về chủng loại, vừa nâng cao về chất lượng. Ngoài cổ phiếu là sản phẩm truyền thống, thị trường còn ghi nhận sự hiện diện ngày càng rõ nét của các loại hình sản phẩm mới như chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền có bảo đảm, góp phần đa dạng hóa danh mục đầu tư cho nhà đầu tư và tiệm cận thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, chất lượng hàng hóa niêm yết cũng không ngừng được nâng lên, thể hiện qua sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đầu ngành, có năng lực tài chính vững mạnh, quản trị minh bạch và uy tín trên thị trường.

Thứ ba, hoạt động của các thành viên thị trường ngày càng chuyên nghiệp và đa dạng. Các công ty chứng khoán không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính và áp dụng nhiều dịch vụ mới vào hoạt động kinh doanh cũng như đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ hiện đại, xây dựng các kênh thông tin, ứng dụng hỗ trợ nhà đầu tư, qua đó thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán.

Trong giai đoạn tới, HOSE sẽ tập trung vào một số chiến lược trọng tâm như: Tăng số lượng và nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết, nâng cao năng lực quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết, phân bảng các doanh nghiệp niêm yết để sắp xếp các doanh nghiệp theo quy mô, hiệu quả hoạt động, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, FDI, tư nhân, và đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết.

Thực hiện chuyển đổi số toàn diện đối với các hoạt động quản lý, nghiệp vụ và quản trị nội bộ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ, ứng dụng các công nghệ mới như AI, big data, blockchain để tăng tính minh bạch, giám sát hiệu quả hơn.

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:

Chứng khoán Việt hướng đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng

 Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: Báo Chính Phủ

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: Báo Chính Phủ

Chúng tôi định hướng đến năm 2030, quy mô thị trường đạt 20% GDP, số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt 11 triệu tài khoản, nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á, áp dụng thông lệ tốt về ESG tại các sở giao dịch chứng khoán hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế.

Để thực thi được điều này, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, kiểm soát rủi ro, tăng cường minh bạch thông tin nhằm nâng cao niềm tin và thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phát triển các sản phẩm quỹ đầu tư chứng khoán để đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư theo hướng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đa dạng hóa sản phẩm hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số chứng khoán, từng bước triển khai hợp đồng quyền chọn chỉ số chứng khoán, các sản phẩm hợp đồng tương lai,…

Tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chủ động hội nhập quốc tế để hài hòa khuôn khổ pháp lý hướng tới các chuẩn mực chung về lĩnh vực chứng khoán của khu vực và thế giới. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, pháp lý cho quá trình hội nhập thị trường chứng khoán quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE):

Thành công vượt bậc nhờ thị trường chứng khoán

 Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE).

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE).

Tháng 7-2000, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM chính thức được thành lập và REE tự hào là một trong những doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên thị trường này.

Hiện nay, các kênh huy động vốn đã đa dạng hơn, bao gồm ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và phát hành cổ phiếu thông qua thị trường chứng khoán.

Từ góc độ doanh nghiệp niêm yết, chúng tôi nhận thấy kênh ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn, với lãi suất nhiều thời điểm cao hơn mặt bằng chung trong khu vực. Với kênh phát hành cổ phiếu qua thị trường chứng khoán, chúng tôi cho rằng đây là phương thức huy động vốn an toàn, minh bạch và bền vững.

Nhà đầu tư trên thị trường luôn yêu cầu cao về tính minh bạch, chiến lược rõ ràng và mong muốn đồng hành lâu dài với doanh nghiệp. Điều này tạo động lực để doanh nghiệp phát triển lành mạnh hơn.

Chúng tôi đã nhiều lần phát hành cổ phiếu thông qua thị trường và nguồn vốn này đã được đầu tư hiệu quả vào lĩnh vực năng lượng, bao gồm các nhà máy thủy điện, điện gió và điện mặt trời, giúp công ty mở rộng nhanh chóng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Nhìn lại chặng đường 25 năm kể từ ngày niêm yết, chúng tôi tự hào rằng công ty đã đạt được các mục tiêu ban đầu và hơn thế nữa, xây dựng một hệ thống quản trị theo chuẩn mực quốc tế, giữ vững uy tín với nhà đầu tư, đối tác, khách hàng và đội ngũ nhân viên.

Khi cổ phần hóa vào năm 1993, vốn điều lệ của công ty chỉ là 16 tỉ đồng. Đến nay, vốn hóa đã đạt 36.000 tỉ đồng, tăng 2.250 lần.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng hạng, đây chính là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong bối cảnh đất nước đang bước vào một kỷ nguyên mới với khát vọng phát triển, niềm tin mạnh mẽ và sự quyết tâm cao độ.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/khat-vong-vuon-xa-cua-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-post862773.html