Doanh nghiệp Việt sẵn sàng với cuộc đua làm đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị
Cuộc đua phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam đang rất sôi động, nhất là trong những lĩnh vực mới, còn nhiều dư địa phát triển như đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao.

Lễ ký kết thỏa thuận mua sắm thiết bị TBM giữa Tập đoàn Đèo Cả với Tổng công ty Công nghiệp nặng Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCHI).
Các doanh nghiệp Việt không chỉ từng bước tham gia, trực tiếp triển khai thực hiện, mà còn hướng tới mục tiêu tiếp nhận công nghệ, làm chủ “cuộc chơi” để dẫn dắt các lĩnh vực mới như: đường sắt cao tốc và metro ngay trên “sân nhà”.
Hợp lực để đầu tư
Tập đoàn Đèo Cả - Fecon - PowerChina - Sucgi vừa kiến nghị với UBND TP.HCM cho phép liên danh nhà đầu tư này được triển khai Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Bến Thành - Tham Lương.
Liên danh này cam kết thực hiện Dự án theo hình thức tổng thầu EPC, với nguồn lực nhân sự và thiết bị máy thi công hầm bằng khiên đào (Tunnel Boring Machine - TBM) được huy động từ chính các doanh nghiệp nội địa để có thể làm chủ hoàn toàn công nghệ, tránh việc độc quyền công nghệ của nước ngoài.
Cách làm này không xa lạ đối với Tập đoàn Đèo Cả bởi tại Dự án BOT hầm Đèo Cả, doanh nghiệp này đã thuê chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản để từng bước tiếp cận, dần làm chủ công nghệ, sau đó có những sáng tạo, cải tiến đưa ra phương pháp đào hầm riêng của mình với sự vượt trội về tiến độ, chất lượng.
Cần phải nói thêm rằng, đó là thời điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam chưa từng thực hiện được công nghệ khoan hầm này và cũng chưa sở hữu máy móc, nhân sự lớn mạnh như hôm nay.
Cùng với Tập đoàn Đèo Cả, nhiều nhà đầu tư trong nước đã hưởng ứng Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị khi tham gia đề xuất đầu tư nhiều dự án lớn, phức tạp trong lĩnh vực hạ tầng đường sắt như: Tập đoàn Sovico đề xuất đầu tư tuyến metro số 4; Thaco đề xuất nghiên cứu tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; Tập đoàn Vingroup đề xuất đầu tư PPP tuyến đường sắt từ trung tâm TP.HCM - Cần Giờ.
Đặc biệt, tại Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đến thời điểm này đã có 2 nhà đầu tư lớn đã gửi các đề xuất rất chi tiết tới Chính phủ và Bộ Xây dựng là Công ty cổ phần Vinspeed (thuộc Tập đoàn VinGroup) và Thaco.
Chính sự tham gia của các doanh nghiệp này là một trong những lý do khiến Chính phủ trình và được Quốc hôi thông qua bổ sung hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư theo phương thức PPP và đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư cho Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam bên cạnh hình thức đầu tư công.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực đường sắt, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi) để thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương của Đảng về đầu tư phát triển hệ thống đường sắt, tháo gỡ các “điểm nghẽn về thể chế” trong lĩnh vực đường sắt.
Theo đó, phần lớn các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt vừa được đưa vào Luật Đường sắt (sửa đổi) được đánh giá là “khoán 10” trong xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt trên thực tế đã bám rất sát tinh thần của “bộ tứ trụ cột” gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW về "Hội nhập quốc tế trong tình hình mới"; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
“Đây là điểm tựa quan trọng để kích hoạt làn sóng đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng đường sắt trong 5 - 10 năm tới”, lãnh đạo Bộ Xây dựng chia sẻ.

Đội ngũ học viên Đèo Cả tham gia chương trình tu nghiệp chuyên sâu về công nghệ thi công hầm bằng máy khoan TBM.
Chìa khóa tiếp cận công nghệ mới
Ngoài việc tham gia với tư cách là nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang có sự chuẩn bị, đầu tư nghiêm túc để có thể tham gia thi công các dự án đường sắt quốc gia, dự án đường sắt đô thị.
Với tầm nhìn dài hạn và chiến lược bài bản, các doanh nghiệp hàng đầu về hạ tầng giao thông ở Việt Nam, trong đó có Đèo Cả, Fecon… đang có sự chuẩn bị toàn diện về công nghệ, nhân lực cũng như nguồn lực tài chính để tự tin tham gia thực hiện các dự án đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao.
Trong các thiết bị, công nghệ đặc chủng, thiết bị khoan hầm TBM là thiết bị hiện đại, không thể thiếu trong thi công đường sắt đô thị với hiệu quả tối ưu về tốc độ, an toàn và giảm thiểu tác động môi trường. Tuy vậy, các dự án metro trước đây thường phải phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài sở hữu TBM.
Để tiến tới sử dụng và làm chủ công nghệ TBM hiện đại, qua đó tham gia sâu hơn vào chuỗi công việc khó khăn nhưng có giá trị nhất trong thi công hạ tầng đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải học hỏi, nắm vững lý thuyết từ các quốc gia hàng đầu về công nghệ như Trung Quốc, Nhật Bản… mà còn phải có năng lực thực chiến.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, vào tháng 5/2025, đơn vị này đã cử đội ngũ kỹ sư và công nhân sang Trung Quốc học tập từ Cục 2 Tập đoàn Xây dựng Trung Quốc - đơn vị hàng đầu về nghiên cứu và ứng dụng TBM.
Chương trình đào tạo này giúp nhân sự tiếp cận từ lý thuyết đến trực tiếp thị phạm, thực hành tại các công trường thực tế như tuyến đường sắt Quảng Châu - Đông Quan - Thâm Quyến hay Dự án nhà ga Long Thành thuộc tuyến đường sắt liên TP. Thâm Quyến - Huệ Châu.
Trước đó, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động phối hợp với Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM để “đặt hàng” đào tạo gần 200 nhân sự trong hệ thống, tham gia chương trình đào tạo văn bằng hai chuyên ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị, dự kiến tốt nghiệp vào tháng 8/2025.
Đặc biệt, Tập đoàn Đèo Cả đang xây dựng kế hoạch hợp tác với các cơ sở giáo dục quốc tế như Trường Cao đẳng nghề Đường sắt Quảng Châu và Trường Cao đẳng Đường sắt Vũ Hán, nhằm thiết kế các chương trình đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực đường sắt.
Điều này không chỉ giảm sự phụ thuộc vào đối tác nước ngoài và tăng tính tự chủ trong thi công mà còn giúp các doanh nghiệp Việt tự tin hơn khi tham gia các dự án quy mô quốc tế.
Cùng với việc chủ động đào tạo nhân sự, chuyển giao và tiến tới làm chủ công nghệ lõi, việc đầu tư vào máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại là một bước đi quan trọng của các doanh nghiệp Việt nhằm chinh phục thị trường xây dựng đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao.
Hiện Tập đoàn Đèo Cả là doanh nghiệp nội địa đầu tiên đặt mua thiết bị TBM thông qua thỏa thuận với Tổng công ty Công nghiệp nặng Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCHI) - nhà sản xuất TBM hàng đầu thế giới hiện nay và đại lý ủy quyền tại Việt Nam là Công ty Cổ phần Thiết bị và Dịch vụ TCE.
Việc sở hữu TBM sẽ giúp doanh nghiệp trong nước giảm phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia vào các dự án đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao.
“Sự chuẩn bị bài bản từ nhân lực đến thiết bị sẽ giúp cho doanh nghiệp trong nước đặt nền tảng vững chắc cho các các tuyến metro tại Hà Nội và TP.HCM... Nhìn xa hơn, là minh chứng cho khát vọng vươn xa của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời khẳng định năng lực nội tại, góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa giao thông quốc gia”, một chuyên gia cho biết.