Khát vọng xây dựng hệ sinh thái phi rác thải từ giun quế tại Vĩnh Phúc

Thời gian qua, nhiều địa phương xuất hiện tình trạng người dân dùng kích điện để săn bắt giun đất với số lượng lớn nhằm bán kiếm lời, gây ra tận diệt giun và các vi sinh vật có ích khác trong đất, ảnh hưởng đến việc mất cân bằng hệ sinh thái. Tuy nhiên, ở Vĩnh Phúc lại xuất hiện một mô hình điển hình tiên tiến, sử dụng rác thải hữu cơ được ủ men vi sinh để làm thức ăn nuôi giun quế.

Năm 2014, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, cần có hợp tác xã dịch vụ môi trường để thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt. Trước nhu cầu từ thực tế, ông Trần Bá Bình đã chủ động đứng ra thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Môi trường Tân Phong.

Thời gian đầu, HTX Tân Phong chỉ tới các gia đình thu gom rác sau đó vận chuyển ra bãi tập kết. Càng ngày, lượng rác đổ ra càng nhiều, đặc biệt là rác hữu cơ bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Tìm hiểu qua thông tin trên mạng, ông Bình biết tới mô hình nuôi giun quế ở một địa phương và bắt tay ngay vào nghiên cứu để thực hiện ý tưởng của mình. Từ đó, hệ sinh thái phi rác thải được ra đời.

Trại nuôi giun trùn quế xã Tân Phong

Trại nuôi giun trùn quế xã Tân Phong

Bước đầu, việc phân loại rác ngay tại nơi sinh hoạt của người dân được ông đề ra bằng cách đề nghị chính quyền xã tuyên truyền vận động các hộ dân phân loại rác, HTX Tân Phong đã phát miễn phí cho mỗi hộ gia đình một thùng chứa rác hữu cơ, một thùng chứa rác vô cơ.

Sau đó, rác hữu cơ thu gom theo ngày được ủ men vi sinh chừng 3 ngày để làm thức ăn nuôi giun quế. Nhờ đó, dù lượng rác hữu cơ đầy khoang chứa nhưng không hề phát sinh mùi khó chịu. Qua quá trình phân hủy, rác vô cơ trở thành phân bón có giá bán khoảng 2 ngàn đồng mỗi kilogam, còn giun quế trở thành thức ăn cho gà, vịt.

Chia sẻ với PV, ông Bình cho biết: Mấy năm trở lại đây, ông đang nghiên cứu tìm cách xử lý triệt để khoảng 4.500 tấn rác vô cơ phát sinh mỗi tháng. Lượng rác vô cơ lẫn tạp, cả phế thải cùng túi nilon, bao bì nên ông đã đề xuất với các cấp hỗ trợ đầu tư xây dựng dây chuyền phân loại rác thải vô cơ thành nhiều loại. Sau phân loại, túi nilon sẽ được đưa vào dây chuyền tái chế thành hạt nhựa, các loại phế thải hỗn hợp khác được đưa vào sản xuất vật liệu xây dựng.

Ông Lê Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Tân Phong, cho biết: từ khi HTX Dịch vụ môi trường ra đời đã giúp thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt khá bài bản. Điều đáng tự hào là người dân trong xã đã hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn và HTX Tân Phong cũng đã biến rác hữu cơ thành nguồn thu. Xã cũng đang cùng HTX bàn tính việc phân loại và xử lý dứt điểm lượng rác vô cơ phát sinh trong quá trình thu gom.

Theo tìm hiểu, được biết trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mỗi ngày phát sinh chừng 920 tấn rác thải. Trong đó, khu vực đô thị phát sinh 350 tấn rác, khu vực nông thôn phát sinh chừng 570 tấn rác. Tỷ lệ thu gom rác thải ở thành thị mới đạt 96%, tần suất 1 lần/ngày, khu vực nông thôn đạt 76%, tần suất trung bình từ 1 - 3 ngày một lần. Để giải quyết bài toán nêu trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành các đề án, kế hoạch cụ thể, đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện thu gom, phân loại và xử lý rác cách triệt để vừa bảo đảm vệ môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế từ rác thải.

Có thể nói, mô hình hoạt động của HTX Dịch vụ môi trường Tân Phong đang trở thành điểm sáng trong việc thu gom và xử lý rác thải, không những tạo cho người dân thói quen phân loại rác, đem lại môi trường sống sạch sẽ, mà còn bảo tồn được loài giun. Do đó, các cấp ngành của tỉnh Vĩnh Phúc cần nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng mô hình hoạt động này tới nhiều địa phương khác.

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/khat-vong-xay-dung-he-sinh-thai-phi-rac-thai-tu-giun-que-tai-vinh-phuc-391731.html