Khẩu trang không ngăn được 'virus suy giảm' trong ngành dệt may
Trong giai đoạn dịch Covid-19 đang căng thẳng, nhiều nhà đầu tư nhìn thấy điểm tích cực ở những doanh nghiệp dệt may có thể nhanh chóng xuất khẩu khẩu trang, vải kháng khuẩn… để có được dòng tiền, ít nhất là có đầu ra khi hầu hết các lĩnh vực khác đều đang bị ngưng trệ vì dịch.
Mọi yếu tố về tài chính tạm được để sang một bên, bởi vậy, những cổ phiếu như TCM, TNG, MSH, STK, VGT… đã có những đợt tăng khá tốt. Và sự kỳ vọng hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA chính thức được Nghị viện Châu Âu thông qua là những thông tin hỗ trợ cho giá cổ phiếu nhóm này.
Tuy nhiên, do không có dòng tiền mới vào thị trường, còn dòng tiền hiện hữu không quá mặn mà với nhóm này, nên sóng tăng trên thực tế khá yếu. Các nhà đầu tư cũng bắt đầu nhìn nhận kỹ hơn về lợi thế cạnh tranh ở từng doanh nghiệp dệt may, tác động cụ thể dịch bệnh vào kế hoạch kinh doanh năm 2020… để cân nhắc đầu tư.
Đến thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp đã công bố kế hoạch kinh doanh sụt giảm khoảng 15% so với thực hiện năm 2019.
CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) báo lãi sau thuế 4 tháng đầu năm giảm phân nửa do dịch Covid-19, đạt 2 triệu USD. Công ty đã cố gắng tìm kiếm đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế bù đắp cho thiếu hụt đơn hàng truyền thống.
Nhu cầu khẩu trang vải kháng khuẩn ở các nước vẫn rất cao, nên Công ty sẽ gia tăng công suất để xuất sang các thị trường như EU và các thị trường khác.
Năm 2020, TCM lên kế hoạch doanh thu 3.779,6 tỷ đồng, tăng gần 3% so thực hiện năm trước nhưng chỉ tiêu lãi trước thuế giảm 14%, với 236 tỷ đồng.
Theo nhìn nhận của TCM, 2020 có thể là năm rất khó khăn đối với ngành dệt may Việt Nam nói chung và Công ty nói riêng do dịch bệnh Covid-19.
Tháng 11 năm ngoái, Công ty dự kiến doanh thu tăng khoảng 20% trong năm 2020 nhưng khi dịch bệnh xảy ra, Công ty phải điều chỉnh lại mục tiêu.
CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh - Gilimex (GIL) doanh nghiệp được đánh giá có lợi thế riêng biệt, có được đơn hàng của khách hàng “khó tính” IKEA cũng lên kế hoạch lợi nhuận sụt giảm sâu 38% trong năm nay.
Cụ thể, GIL đặt kế hoạch doanh thu 1.900 - 2.000 tỷ đồng, giảm khoảng 21% so với 2019; lãi sau thuế dự kiến từ 95-105 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lãi ròng gần 161 tỷ đồng.
Đáng chú ý, GIL có tờ tình về việc sửa đổi ngành nghề kinh doanh bất động sản, chi tiết thành đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, địa ốc, dịch vụ cho thuê văn phòng, cửa hàng, cho thuê nhà xưởng.
Đồng thời, GIL trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu phần vốn góp tại CTCP Khu công nghiệp Gilimex ở mức tối thiểu 255 tỷ đồng (51% vốn điều lệ) và tối đa 475 tỷ đồng (chiếm 95% vốn điều lệ).
Chưa có kế hoạch chi tiết cho năm 2020, CTCP Thương mại May Sài Gòn (GMC) chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu bình quân 20%/ năm cho giai đoạn phát triển 5 năm (2020 - 2024) và đến năm 2024 đạt mức doanh thu trên 200 triệu USD, 150 chuyền may.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, GMC cho biết tùy theo tình hình thực tế sẽ quyết định điều chỉnh kế hoạch ngắn hạn trong năm 2020.
Theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, chi phí mặt bằng và chi phí lao động (vốn là ngành thâm dụng lao động) là gánh nặng cho các doanh nghiệp dệt may, đặc biệt ở các doanh nghiệp chỉ gia công đơn giản.
Báo cáo của JLL cho biết, giá thuê đất khu công nghiệp trung bình trong quý I/2020 tại khu vực phía Bắc đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nhà xưởng xây sẵn vẫn giữ ở mức giá thuê ổn định dao động từ 4,0 - 5,0 USD/m2/tháng và đều đã được lấp đầy. Tại khu vực miền Nam, giá đất trung bình trong quý I/2020 đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ.
Bài toán dịch chuyển cơ sở sản xuất ra xa thành phố lớn để có được hai chi phí trên rẻ hơn được nhiều doanh nghiệp thực hiện vài năm trước và đến nay, tốc độ càng được đẩy nhanh hơn.