'Khẩu vị' tiếng lóng

Có một số từ tiếng Việt xuất hiện và phổ biến trong giao tiếp, thoạt nghe không mấy ai rõ nghĩa, bởi nó là tiếng lóng, chỉ sử dụng trong một nhóm người, chỉ họ hiểu với nhau.

Trải theo thời gian, tiếng lóng đó có thể mất đi và thay thế bằng từ khác hợp "khẩu vị" hơn với người sử dụng đương thời.

Có lẽ quyển sách trước nhất bàn về vấn đề này vẫn là "Tiếng lóng nước nhà" - L'argot Annamite. Mục đích sách này là cốt để khảo về ngôn ngữ các hạng người.

Từ quyển sách này, mãi đến 71 năm sau, theo tôi biết, mới có cuốn "Tiếng lóng Việt Nam" (NXB Khoa học Xã hội - 2001) của Nguyễn Văn Khang. So sánh 2 quyển sách này, ta dẫn đến kết luận: Chắc chắn một điều sẽ hết sức khó khăn nếu ai đó muốn tìm hiểu vì sao, do cơn cớ gì từ đó lại được chọn sử dụng trong tiếng lóng?

Chẳng hạn, trước đây trong Nam có cụm từ "kênh xì bo" hàm chỉ cái nhìn ai đó có ý gây sự, câng câng cái mặt, khiêu khích. Hiện nay, hầu hết cho rằng, "xì-po" là vay mượn "sport: thể thao" của tiếng Pháp. Trước hết, cần lưu ý do vay mượn tiếng Pháp nên dẫn tới cách phát âm khác nhau, chẳng hạn, nhà thơ Tú Mỡ viết:

Bạn gái ngày xưa thích "xịch bo"

"Bính boong", xe đạp… thực nhiều trò

Nhưng mà mốt nhất khoa "quần vợt"

Đã đẹp con người, ngực lại to.

"Bính boong" cũng vay mượn tiếng Pháp "ping pông: bóng bàn". Ngoài ra, "Tầm nguyên tự điển Việt Nam" của nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ còn ghi nhận qua cách viết "xì bo", "xít bo", "ết bo". Một khi "kênh" kết hợp với "xì bo" để trở thành tiếng lóng là theo "cấu trúc" Việt - Pháp nửa nạc nửa mỡ, bởi tiếng Việt đã có từ "kênh" được hiểu là kênh kiệu, vênh váo, kiêu căng. Người miền Nam còn sử dụng từ "nghinh" là vác mặt lên, xem kẻ đối diện không ra gì, chỉ coi bằng nửa con mắt bằng cái nhìn khiêu khích, những muốn gây sự.

"Phương ngữ Nam Bộ" (2015) của Bùi Thanh Kiên giải thích là kẻ đó đang nghinh: "a) thách thức kẻ khác bằng sức mạnh cơ bắp của mình; b) nghinh ngang coi người khác chẳng ra gì; c) có vẻ hiêu hiêu tự đắc, coi thường kẻ khác". Vậy có phải "xì bo" đơn thuần chỉ là do vay mượn sport từ nghĩa vốn có? Chắc gì. Bởi lúc "kênh xì bo" không phải ai cũng có sức mạnh cơ bắp cuồn cuộn, mà có thể là kẻ ốm tong ốm teo như cây sậy vẫn dám "nghinh" kẻ to cao hơn mình kia mà.

Vậy "xì bo" này ở đâu ra?

Thưa, vẫn từ "sport" mà ra, thế nhưng người sử dụng không nhất thiết xác định, phải biết đến nghĩa vốn có, mà nó trở thành tính từ nói chung nhằm chỉ tính chất nổi trội của ai đó. Tùy ngữ cảnh, cũng từ đó nhưng lại hàm nghĩa khác nhau, chẳng hạn: "Vóc dáng cô X xì-bo quá ta" là lời khen cơ thể thon gọn, mạnh khỏe; "Tay X rớt mồng tơi bữa nay ăn diện xì-bo ghê", lại châm biếm, cười cợt. Lời khen chê này không căn cứ vào cô X có phải dân "sport" hoặc tay X kia có mặc quần áo "sport" hay không.

Khi ai đó "kênh xì-bo", không hẳn do có cơ bắp cuồn cuộn như dân chơi thể thao mà chính là đang ỷ vào lợi thế nổi trội nào đó. "Xì-bo" kết hợp với "kênh xì-bo" là không chỉ kênh, nghinh bình thường mà ở mức độ cao hơn.

Ngoài ra, còn có từ "bo xì", cần nhấn mạnh hơn nữa là "bo bo xì" - tỏ thái độ không ngán, không sợ, cũng hiểu là không thèm chấp hoặc có thể hiểu nghỉ chơi với ai đó, hoặc đám đông, không thèm dây dưa nữa, thể hiện một cách dứt khoát.

Sở dĩ cụm từ "bo xì" xuất hiện, có ý kiến cho rằng là vay mượn từ "pause: dừng lại" của tiếng Pháp. Không hẳn, có thể chỉ là một cách nói ngược lại "xì bo" thành "bo xì" chăng? Tức là trong câu nói ấy còn tỏ thái độ ngay tắp lự "ăn miếng trả miếng", không chần chừ. Nếu "xì po" cũng viết "xì bo" ắt "bo xì" hay "bo sì" cũng vậy.

Ở đây, "xì" xuất hiện theo từ "bo" là nhằm ngụ ý theo nghĩa thứ 2 trong "Tự điển tiếng Việt" (1988) do Hoàng Phê chủ biên: "Phì hơi mạnh qua kẽ răng, làm bật lên tiếng "xì" để tỏ thái độ không bằng lòng hoặc coi thường, khinh bỉ". Cần phải nói thêm rằng dù "xì bo" nếu có (xin nhấn mạnh) nói ngược từ "xì-bo" đi nữa nhưng "bo" ở đây không vay mượn âm "bo" trong "sport" mà tôi ngờ là mượn từ "bo" trong "tay bo". Một khi nói "đánh tay bo" là hai người xông vào nhau, đánh nhau bằng tay không, không cầm hung khí. Vậy, lúc bị kẻ này "kênh xì bo", lập tức kẻ đó đáp trả dõng dạc: "Bo-xì" là còn choàng theo ý "thích thì nhích", đây dám "tới luôn bác tài", chứ nào có ngán.

Với cái nhìn nghênh ngang, thách thức, muốn gây sự với ai đó, nay còn có từ khác là "nhìn đểu" và nó chiếm "ưu thế" hơn cả. Cứ cho các "từ khóa" đó lên Google ắt sẽ nhận ra kết quả ngay tức thì.

Lê Minh Quốc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khau-vi-tieng-long-196240928185506717.htm