Khèn bè của dân tộc Thái trước nguy cơ mai một

Khèn bè là loại nhạc cụ dân gian được người Thái sử dụng để đệm cho người hát các bài dân ca trong những ngày lễ truyền thống, hoặc làm nền cho các điệu dân vũ của người Thái trong những ngày vui, những dịp trọng đại. Tuy nhiên, những nghệ nhân có thể chế tác và thổi được khèn bè thì ngày một hiếm dần.

Năm nay đã bước vào tuổi 86, cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng nghệ nhân khèn bè duy nhất của tỉnh Sơn La – ông Lừ Hồng Xưa vẫn hàng ngày miệt mài tỉ mẩn, kiêm nhẫn với từng thân nứa để chế tác khèn bè. Những cánh rừng bạt ngàn xưa kia giờ thay thế dần bằng nương rẫy nên nứa trên rừng ngày càng hiếm dần. Ông phải tìm mua và nhờ người mua về từ nhiều nơi. Sau đó, những bó nứa được phơi khô từ 15 đến 20 ngày, thân vàng óng mới được lựa chọn, cắt khúc vừa tầm và đục xuyên thân.

Làm khèn bè yêu cầu tính kiên trì và sự tỉ mẩn, các khâu chế tác đều làm thủ công. Khó nhất là việc nấu và cắt, chế tác lưỡi đồng hoặc lưỡi bạc để lắp vào ống nứa nhằm tạo ra tiếng với những âm điệu trầm bổng khác nhau. Đau đáu trước nguy cơ thất truyền nghề chế tác khèn bè, nghệ nhân Lừ Hồng Xưa thỉnh thoảng lại gọi các con cháu đến cùng phụ mình làm khèn với hy vọng truyền được cho thế hệ sau niềm đam mê.

Trong ngôi nhà sàn nhỏ của nghệ nhân Hồng Xưa, ngày ngày vẫn vang lên tiếng khèn bè dìu dặt trầm bổng. Những chàng trai cô gái năm xưa của xã Chiềng Khoi vốn giỏi đàn giỏi hát, giỏi thổi khèn bè nay đều ở vào tuổi xưa nay hiếm. Việc các cụ gặp nhau ôn lại điệu khèn gọi bạn, điệu khèn mừng hội, mừng nhà mới như thế này chỉ còn được tính bằng ngày, bằng tháng ít ỏi.
Thúy Hà dẫn hiện trường.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thực hiện : Thúy Hà

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/khen-be-cua-dan-toc-thai-truoc-nguy-co-mai-mot