Khéo léo vận động, hỗ trợ người dân Hà Tĩnh thoát nghèo bền vững

Ủy ban MTTQ các cấp ở Hà Tĩnh đã rất linh hoạt trong phương thức vận động nguồn lực, đổi mới cách hỗ trợ để giúp người dân thoát nghèo bền vững.

HƯỞNG ỨNG PHONG TRÀO “CẢ NƯỚC CHUNG TAY VÌ NGƯỜI NGHÈO”:

Khéo léo trong vận động, phân bổ nguồn lực

Trưởng ban Tuyên giáo - Phong trào (Ủy ban MTTQ tỉnh) Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết: “Nếu những năm trước, việc vận động Quỹ Vì người nghèo tập trung vào một số đơn vị, doanh nghiệp lớn, khả năng tài chính dồi dào thì trong giai đoạn khó khăn, MTTQ mở rộng đối tượng vận động, kêu gọi thêm các tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ, con em xa quê cùng chung tay đóng góp”.

Trong giai đoạn khó khăn, MTTQ các cấp ở Hà Tĩnh khéo léo, linh hoạt vận động nguồn lực cho người nghèo (Trong ảnh: Đài Truyền hình Việt Nam bàn giao nhà chống thiên tai cho bà con các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn).

Cùng với sự linh hoạt trong phương thức vận động, MTTQ cũng đổi mới cách hỗ trợ người nghèo để giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững. MTTQ tỉnh đã hướng dẫn MTTQ các cấp phân loại hộ nghèo theo từng nhóm đối tượng như: độ tuổi; hộ thiếu hụt về nhà ở, công cụ, con giống để phát triển sản xuất. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng: đối với các hộ chỉ có người già, không có khả năng lao động thì vận động về chung sống với con; những hộ còn có sức lao động ở nông thôn thì hỗ trợ vật nuôi, cây trồng; hộ ở đô thị hỗ trợ phương tiện, vay vốn để kinh doanh.

MTTQ cũng đã huy động sự vào cuộc của các tổ chức thành viên, phát huy tinh thần đoàn kết của cộng đồng trong hỗ trợ người nghèo như: cho vay vốn sản xuất; trợ giúp ngày công, vật liệu xây nhà…

Ông Hồ Quốc Hợp (áo trắng) cùng bà con tổ dân phố Yên Bình - thị trấn Lộc Hà giúp ngày công xây nhà đại đoàn kết cho hộ chị Trần Thị Hoa.

Tranh thủ thời gian phụ giúp gia đình chị Trần Thị Hoa (tổ dân phố Yên Bình - thị trấn Lộc Hà) xây nhà đại đoàn kết, ông Hồ Quốc Hợp - hàng xóm của chị Hoa chia sẻ: “Chị Hoa mẹ góa con côi, gia cảnh khó khăn, xóm làng ai cũng thương nên khi chị được hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, chúng tôi đều cố gắng giúp đỡ ngày công, tiền bạc. Mong sao, mẹ con chị sớm có ngôi nhà mới, ổn định cuộc sống để còn kiếm kế mưu sinh thoát nghèo”.

Phân loại đối tượng để có cách thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. (Trong ảnh: Ủy ban MTTQ tỉnh trao tặng dê giống cho hộ nghèo ở huyện Hương Sơn).

Với phương thức linh hoạt đó, từ đầu năm đến nay, thông qua Quỹ “Vì người nghèo”, ủy ban MTTQ các cấp ở Hà Tĩnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa 486 nhà ở với số tiền hơn 20 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm hỗ trợ phát triển sản xuất 31 hộ với số tiền 285 triệu đồng; hỗ trợ 19 công trình dân sinh với số tiền hơn 34 tỷ đồng và hơn 2,5 tỷ đồng hỗ trợ các hoạt động khác.

Giúp người dân thoát nghèo từ trong tư tưởng

Có một thực tế là không ít hộ nghèo vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm mà chưa tự lực vươn lên tìm cách thoát nghèo. Nhìn nhận rõ tồn tại này, Ủy ban MTTQ tỉnh đã quán triệt đến tận cơ sở, xây dựng kế hoạch hỗ trợ các hộ nghèo vươn lên bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất.

Cán bộ mặt trận và các tổ chức đoàn thể luôn khích lệ, động viên hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, trước khi nhận được sự hỗ trợ của xã hội, mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã luôn động viên tinh thần, khích lệ họ tự lực trong cuộc sống; vận động bà con lối xóm hỗ trợ, kèm cặp. Trường hợp không thể tự lao động để vươn lên thoát nghèo được nữa mới hỗ trợ làm nhà ở.

Từ sự động viên, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, nhiều hộ nghèo đã tự nguyện xin thoát nghèo, giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Gia đình ông Lê Thanh Trúc trú tại thôn 3 - xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) là một trong những hộ như thế.

Sau khi được hỗ trợ con bò giống, cùng với mảnh vườn nhỏ, vợ chồng ông Lê Thanh Trúc đã tự giác xin thoát nghèo.

Sau khi được nhận hỗ trợ sinh kế là một con bò giống, ông bà đã bàn bạc với nhau xin thoát nghèo để đỡ gánh nặng cho xã hội. Chăm sóc con bò giống, trồng thêm rau củ trong mảnh vườn nhỏ, ông bà cũng đủ trang trải cuộc sống.

Ông Trúc thành thật chia sẻ: “Năm nay, tôi đã gần 75 tuổi rồi, lại là Chi hội trưởng Người cao tuổi của thôn, nói gì thì nói cũng là “cán bộ”, mình phải đi đầu, bước trước cho bà con theo chứ. Hơn nữa, chính quyền, xã hội cũng hỗ trợ mình nhiều rồi, thoát nghèo là hợp lý!”.

Nhiều mô hình kinh tế đã được hình thành từ sự hỗ trợ của mặt trận các cấp. (Trong ảnh: Được Ủy ban MTTQ huyện Hương Khê hỗ trợ sinh kế, mô hình trang trại của anh Phạm Văn Quyết - thôn Hưng Yên, xã Lộc Yên cho trái ngọt đầu mùa).

Suy nghĩ của ông Trúc chính là sự thoát nghèo từ trong tư tưởng - điều rất cần có ở những hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Muốn xã hội hỗ trợ, trước hết bản thân họ phải xác định tư tưởng, mong muốn thoát nghèo.

Và để làm được điều đó, không gì hiệu quả hơn bằng việc đưa người nghèo vào guồng quay của sự phát triển sản xuất, biến họ thành các “mắt xích” của guồng quay đó. Đó cũng chính là sinh kế lâu dài, ổn định nhất để người nghèo thoát nghèo bền vững.

Kiều Minh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/chinh-sach-xa-hoi/kheo-leo-van-dong-ho-tro-nguoi-dan-ha-tinh-thoat-ngheo-ben-vung/200192.htm