Khi âm nhạc 'lên tiếng'
5 giờ sáng, khi bình minh bắt đầu một ngày mới, nhóm nghệ sĩ Dalat 5AM chuẩn bị cho buổi diễn của mình
Âm nhạc cất lên từ một góc hồ với tiếng guitar, violon, piano cùng giọng hát của ca sĩ như thể đang đánh thức thành phố. Những bản nhạc Trịnh như: "Diễm xưa", "Mưa hồng", hay một giai điệu jazz vang lên, không gian trở thành một bản giao hưởng của thời gian, ký ức và thiên nhiên.
Âm nhạc xóa nhòa không gian và thời gian
Những năm gần đây, Đà Lạt trở thành điểm đến không chỉ du lịch mà còn để thưởng thức âm nhạc. Vì vậy, việc nghe nhạc từ 5 giờ sáng không phải là ý tưởng "chơi trội" mà là cách để điểm đến nghe nhạc này trở nên thú vị hơn với lịch trình thưởng thức nghệ thuật dày đặc, bắt đầu từ lúc 5 giờ. Trong vô vàn những khoảnh khắc khơi gợi cảm hứng, có một trải nghiệm âm nhạc đầy đặc biệt đang dần được người dân và du khách truyền tai nhau: đó là những buổi biểu diễn không tên bên hồ Xuân Hương vào lúc tinh sương. "Âm nhạc trở thành một phần ký ức của người dân Đà Lạt hay du khách, để họ mang theo kỷ niệm ấy và lan tỏa khắp nơi, đó là điều quý giá nhất. Chương trình biểu diễn từ 5 giờ, tôi cảm nhận được một Đà Lạt dịu dàng, đầy chất thơ, như ngày xưa chưa từng mất đi" - nhạc sĩ Trương Lê Sơn chia sẻ.
Không sân khấu, không bán vé, không có lịch biểu diễn cố định nhưng các sô này lại có thể đánh thức mọi rung cảm trong lòng người thưởng thức.
Đà Lạt được UNESCO công nhận là "Thành phố sáng tạo" trong lĩnh vực âm nhạc. Vì vậy, một chương trình biểu diễn lúc gà gáy cũng không phải quá huyền bí. Nhạc sĩ Trương Lê Sơn kể rằng ý tưởng về Dalat 5AM đến từ thói quen cà phê của những người bạn cùng có niềm đam mê âm nhạc. Những người bạn cùng nhau đón bình minh bên hồ Xuân Hương, một người cất giọng hát, một người so cung đàn...

Live concert “Sketch a rose” của ca sĩ Hà Anh Tuấn
Không sân khấu, không quảng bá, Dalat 5AM tồn tại bằng sự đồng điệu. Những nghệ sĩ đủ mọi độ tuổi, có người gần 80 vẫn đứng hát mỗi sáng chủ nhật, bằng tất cả đam mê. Mỗi buổi diễn là một món quà ngẫu hứng, không định kỳ, không báo trước, như một phép mầu mà ai may mắn lướt qua sẽ bắt gặp.
Hát vào lúc 5 giờ không dễ, vì có ca sĩ chuyên nghiệp còn cần đến gần cả ngày để mở giọng. Nhưng âm nhạc có thể kết nối tất cả, không chỉ xóa nhòa không gian, thời gian mà còn xóa luôn cả những nỗi lo ngại, sợ hãi.
Có buổi diễn lúc 5 giờ sáng thì cũng có buổi diễn lúc giữa đêm. 3 giờ sôi động cùng DJ trên xe buýt 2 tầng giữa đêm ở TP HCM đang là một trong những xu hướng được các bạn trẻ yêu thích.
Tour tham quan thành phố trên xe buýt 2 tầng với âm nhạc xập xình này mới xuất hiện thời gian gần đây nhưng rất được yêu thích bởi những trải nghiệm mới đầy thú vị cho du khách khi du lịch TP HCM về đêm, đặc biệt là những ai yêu thích không khí sôi động. Chuyến tour đêm khởi hành lúc 21 giờ và kết thúc vào 0 giờ, tổ chức mỗi cuối tuần với điểm xuất phát trước Nhà hát Thành phố.
Trong suốt 3 giờ, hành khách không chỉ ngồi trên xe buýt mở nóc để tận hưởng làn gió đêm mát lành và ngắm phố xá rực rỡ ánh đèn mà còn được hòa mình vào không gian âm nhạc sống động ngay trên xe. Đó chính là ưu thế của trải nghiệm độc đáo. Chị Trần Ngọc Thúy Vy, Giám đốc Công ty Du lịch Mypro Guide - đơn vị vận hành tour, cho biết: "Nếu các tour truyền thống tập trung vào tham quan và thuyết minh lịch sử thì chuyến đi này lại là hành trình của cảm xúc, âm nhạc và ánh sáng. Khách không chỉ được ngắm nhìn Sài Gòn từ góc độ độc đáo mà còn tận hưởng không khí sôi động cùng DJ, ánh đèn và đồ uống nhẹ, điều mà không một city tour đêm nào khác đang mang lại".
Âm nhạc của sự kết nối
Theo thống kê từ nền tảng SocialTrend, từ ngày 1-1 đến 28-3, khán giả Việt đã đón nhận 19 concert âm nhạc đến từ các nghệ sĩ trong và ngoài nước, tạo ra hơn 2 triệu thảo luận và gần 28 triệu tương tác. Trong đó, có 14 concert đến từ các idol "quốc nội" và lượng thảo luận được tạo ra bởi các concert này chiếm tới 90,61% so với tổng lượt thảo luận về concert.
Trong đó, 2 show "hiện tượng" là "Anh trai say hi" và "Anh trai vượt ngàn chông gai" chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu với một làn sóng dư luận bùng nổ trên mạng xã hội. Trong khi đó, live concert "Sketch a rose" của Hà Anh Tuấn ghi nhận gần 130.000 lượt thảo luận và 1,89 triệu tương tác. Những chương trình này cùng với live concert "Chuyến tàu: Mùa đông" của Phan Mạnh Quỳnh, "Gai Concert", "Những thành phố mơ màng"... sở hữu lượng khán giả không hề nhỏ.
Trong bối cảnh văn hóa truyền thống đang được cư dân mạng đón nhận rộng rãi, concert âm nhạc không còn là hoạt động giải trí đơn thuần mà đang dần trở thành không gian kết nối cảm xúc cộng đồng và lan tỏa yếu tố văn hóa, tinh thần dân tộc đến hàng triệu khán giả. Những sự kiện âm nhạc quy mô lớn không chỉ cho thấy mức độ kết nối với cộng đồng, mà còn phản ánh sự chuyển mình rõ nét trong "văn hóa fandom" của nghệ sĩ Việt. Thay cho trào lưu mê sao ngoại trước đây là làn sóng ủng hộ nghệ sĩ quốc nội vì các concert trong nước hiện nay đạt chất lượng cao.
Từ đó, khán giả không chỉ được chiêu đãi một "bữa tiệc thị giác - thính giác" mà còn khơi dậy tinh thần tự hào, lòng yêu nước mãnh liệt luôn hiện hữu.
Không chỉ dừng lại ở khía cạnh văn hóa, các concert còn tạo ra những ảnh hưởng tích cực xã hội, cộng đồng nói chung. Như việc ca sĩ Hà Anh Tuấn thường trích một khoản doanh thu cho các hoạt động thiện nguyện sau mỗi đêm diễn. Hay việc ban tổ chức của "Anh trai vượt ngàn chông gai" xác nhận đã có 6 trái tim của các em bé trong Quỹ Nhịp tim Việt Nam được cứu sống thông qua sự quyên góp của tiết mục "Nếu một mai tôi có bay lên trời". Với những tác động tích cực đồng thời lên cả văn hóa, nghệ thuật và cộng đồng, concert ngày nay không chỉ mang lại những trải nghiệm thăng hoa của nghệ thuật, mà còn đem lại những giá trị xã hội và cộng đồng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khi-am-nhac-len-tieng-196250708203241892.htm