Khỉ ăn thịt chuột khiến nhà nghiên cứu kinh ngạc
Những con khỉ đuôi lợn ăn chuột nhiều đến mức có thể thay thế phương pháp phun hóa chất để kiểm soát vật gây hại ở các đồn điền dầu cọ.
Khỉ đuôi lợn thường được xem như vật gây hại và các nhà nghiên cứu cho rằng chúng chủ yếu ăn hoa quả, chim nhỏ, thằn lằn, theo báo cáo công bố trên tạp chí Current Biology hôm 21/10.
"Tôi rất kinh ngạc khi lần đầu tiên quan sát đàn khỉ ăn chuột ở đồn điền", Nadine Ruppert, đồng tác giả nghiên cứu ở Đại học Khoa học Malaysia, chia sẻ. "Tôi không nghĩ chúng lại săn loài gặm nhấm này và ăn nhiều thịt như vậy".
Thông qua giảm số lượng chuột, các nhà nghiên cứu cho rằng loài khỉ có thể giúp duy trì tính bền vững của đồn điền. Malaysia cung cấp 30% lượng dầu cọ trên thế giới, nguồn dầu thực vật giá rẻ dùng trong nhiều thực phẩm và hàng tiêu dùng như dầu gội.
Chuột có thể làm sản lượng giảm 10%, tương ứng với thiệt hại trị giá 930 triệu USD mỗi năm ở Malaysia, nhưng thuốc diệt chuột vừa không hiệu quả vừa tốn kém. Các hóa chất cũng ảnh hưởng tới nhiều loài khác và môi trường xung quanh.
Nhóm nghiên cứu theo dõi hai đàn khỉ, mỗi đàn gồm khoảng 44 cá thể, ở khu bảo tồn rừng Segari Melintang từ tháng 1/2016 tới tháng 9/2018. Báo cáo chỉ ra những con khỉ ăn nhiều quả cọ nhưng bù lại chúng cũng ăn chuột, loài gây ra thiệt hại lớn hơn về sản lượng.
Bằng cách lần tìm hang hốc ở thân cọ, nơi chuột trú ẩn trong ngày, một đàn khỉ đuôi lợn có thể bắt hơn 3.000 con chuột mỗi năm, theo trưởng nhóm nghiên cứu Anna Holzner ở Đại học Leipzig và Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck. Những con khỉ hạn chế mức độ thiệt hại mùa màng từ 10% xuống dưới 3%, giúp tiết kiệm 650 triệu USD mỗi năm. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh các nông dân và công ty sản xuất dầu cọ nên bảo vệ khỉ, loài vật được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp vào danh mục dễ tổn thương. Điều này sẽ góp phần làm tăng năng suất và môi trường bền vững cho các đồn điền.
"Chúng tôi hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ khuyến khích chủ đồn điền cân nhắc biện pháp bảo vệ loài khỉ và môi trường sống tự nhiên của chúng quanh đó", Anja Widdig, nhà nghiên cứu ở Đại học Leipzig, chia sẻ.
An Khang/VNE (Theo CNN)