Khi bà con như người một nhà
ĐBP - Lần đầu đến xã Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ), chúng tôi khá ấn tượng với hình ảnh bà con dân tộc Thái, Mông và Khơ Mú trong trang phục truyền thống dân tộc đang cùng nhau cuốc đất, trồng ngô trên nương. Họ nói chuyện với nhau vui vẻ bằng tiếng địa phương và gần gũi như người một nhà. Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khăn Lành Văn Tự thì ở xã Nậm Khăn, việc 3 dân tộc sống chan hòa như vậy đã diễn ra từ rất lâu. Tuy là xã còn nhiều khó khăn về mọi mặt nhưng người Nậm Khăn đồng thuận một lòng; vì thế đã tạo ra sức mạnh đoàn kết giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo đời sống và an ninh, trật tự địa phương.
Xã Nậm Khăn hiện có 7 bản (3 bản dân tộc Thái, 3 bản dân tộc Mông và 1 bản dân tộc Khơ Mú). Trước đây, xã Nậm Khăn vốn là “thủ phủ” của người dân tộc Thái quần tụ lâu đời và chỉ có một nhóm nhỏ người Khơ Mú sinh sống. Sau những năm 90 của thế kỷ trước, người Mông nơi khác di chuyển về đây an cư và thành lập các bản. Do địa hình xã nằm gọn giữa lòng thung nên các bản sinh sống sát cạnh nhau. Văn hóa, nếp nhà, tiếng nói của họ đều có đặc trưng riêng, vì thế, thời điểm ấy, chính quyền xã rất lo lắng trong việc giữ đoàn kết giữa các dân tộc và bắt đầu triển khai các kế hoạch tăng cường, củng cố, xây dựng khối đoàn kết dân tộc thiểu số theo chính sách, đường lối của Ðảng và Nhà nước.
“Thời điểm đó, việc phát triển kinh tế còn khó khăn, nan giải, cái đói nghèo còn đang bủa vây lấy cuộc sống của bà con; họ chỉ mải lao động, lo cái ăn cái mặc chứ chưa hiểu và chưa quan tâm tới các chương trình đại đoàn kết dân tộc. Thế nhưng may mắn thay, khi các chương trình, kế hoạch đoàn kết còn chưa kịp triển khai thì bà con các dân tộc đã sống hòa hợp, đoàn kết và bắt tay, hợp tác với nhau trong làm ăn, phát triển kinh tế để xây dựng đời sống gia đình và bản làng văn hóa” - Anh Lành Văn Tự cho biết.
Bản Nậm Khăn (bản dân tộc Thái) và bản Nậm Pang (bản dân tộc Mông) là 2 bản nằm sát nhau, nhìn tổng thể như một bản; người dân chỉ phân biệt được 2 bản bởi hình ảnh mái nhà sàn của dân tộc Thái khác với nhà tóc-xi của dân tộc Mông. Ông Lành Văn Chái, người có uy tín bản Nậm Khăn, chia sẻ: “Người dân tộc Thái ở bản tôi sống rất đoàn kết với người Mông ở bản Nậm Pang, nhiều năm chưa xảy ra tranh cãi, bất hòa liên quan đến vấn đề dân tộc. Mặc dù người dân các bản vẫn giữ truyền thống văn hóa riêng nhưng cùng hợp tác để phát triển kinh tế. Gần đây nhất là việc bà con hai bản cùng tham gia trồng, chăm sóc mô hình cây sa nhân ở bản Nậm Khăn. Vài năm nay mô hình cho hiệu quả cao nên bà con hai bản đang tiếp tục phát triển thêm diện tích trồng ở bản Nậm Pang”.
Là người dân tộc Thái nhưng ông Lành Văn Chái có thể nói thành thạo tiếng dân tộc Mông. Theo ông Chái, do giao tiếp nhiều với người Mông nên trong bản Nậm Khăn không thiếu những người nói thạo cả tiếng Mông và tiếng Thái. Cùng nhau phát triển kinh tế, người Thái bản Nậm Khăn và người Mông các bản: Nậm Pang, Hô Tâu, Huổi Văng còn thường xuyên giao lưu, gặp gỡ trong các lễ hội truyền thống của người Thái (cơm mới, nhà mới, tạ ơn, cầu mùa...) và của người Mông (Tết dân tộc Mông, làm lý, lúa mới...). Mỗi khi người dân bản này có việc gì cần trợ giúp thì người dân bản kia sẵn sàng có mặt giúp đỡ.
Trên con đường bê tông dài gần 2km dẫn vào bản Huổi Noỏng, bản dân tộc Khơ Mú duy nhất trong xã Nậm Khăn, chúng tôi được Phó Chủ tịch UBND xã Lành Văn Tự chia sẻ: Bản Huổi Noỏng vừa có con đường bê tông liên bản này là do người Khơ Mú trong bản và người dân tộc Thái, Mông các bản khác chung tay cùng làm. Chính quyền xã làm chủ đầu tư xây dựng theo chương trình nông thôn mới và vận động bà con góp công, góp sức, nhưng cũng rất bất ngờ là bà con lại hưởng ứng và hỗ trợ nhiệt tình đến vậy.
Chỉ tay về phía những cánh rừng già, rừng nguyên sinh nằm quanh khu vực các bản, Phó Chủ tịch UBND xã Lành Văn Tự kể với giọng đầy tự hào “Xã tôi hiện nay còn giữ được gần như 100% diện tích rừng, nhiều năm không bị chặt phá, khai thác bừa bãi bởi bà con các bản chung tay bảo vệ. Chúng tôi phấn khởi lắm, nhờ sự đồng thuận một lòng của bà con trong xã, những năm gần đây chính quyền xã cũng thuận lợi hơn trong việc điều hành, chỉ đạo bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo (tỷ lệ hộ nghèo giảm 3 - 5% mỗi năm); đặc biệt, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã được đảm bảo, đời sống văn hóa, tinh thần của bà con được nâng lên”.