Khi ba mẹ không tin con

Ông bà mình nói “Không ai hiểu con bằng mẹ”. Nói vậy không hề sai, nhưng trong trường hợp khi trẻ đang ở tuổi dậy thì, câu này phải xem xét lại. Trên thực tế khi trẻ vào độ tuổi này, giữa cha mẹ và trẻ thường có mâu thuẫn.

Tôi kết luận vậy vì sáng nay, một số cô, cậu học trò của tôi than thở: Ba mẹ không tin tụi em, cứ đi tin người ngoài. Người ngoài họ nói sao cũng tin và tụi em sẽ là người “lãnh đạn”. Có em xác nhận: Tức quá, chịu không nổi, em cũng cãi lại, thế là ba mẹ kết luận: Ba mẹ cho ăn cho học rồi hỗn hào. Tệ nhất là trong lúc nóng giận, ba mẹ chửi con bằng những từ rất khó nghe. Các em nói: Những lần chửi đó, có thể ba mẹ nói xong sẽ quên nhưng các em thì không, cả năm sau vẫn còn nhớ như in. Em khác lại nói cảm thấy tổn thương nhiều, dù biết ba mẹ yêu mình nhất, đáng lẽ ba mẹ phải tin mình nhất, đằng này…

Em Đ.T kể: Tháng trước, em và bạn D.Q bị đụng xe, hai chiếc xe đạp va nhau khi qua cua, rủi thay em bị gãy tay. Hai em đã tường trình toàn bộ sự việc trước thầy cô và gia đình, nhưng mẹ em không tin, mẹ khăng khăng em là người có lỗi trong tai nạn đó. Không thể thuyết phục được mẹ, em đã đưa mẹ đến đoạn đường đó, miêu tả, kể lại ngọn ngành sự việc bắt đầu thế nào, kết thúc ra sao nhưng mẹ vẫn không tin. Sau này em T mới biết, mẹ đã nghe một bà mẹ khác kể lại sự việc và bà mẹ kia nhất nhất khẳng định tận mắt thấy T là người gây ra lỗi đó. Em T chia sẻ: Mẹ không tin đã đành, mẹ lại chuyện nọ xọ chuyện kia, lôi tất tật ra mắng. Kiểu như con gái hư hỏng, lén mẹ son môi, mặc quần đùi y như… Tôi khuyên học trò: Ba mẹ muốn tốt nên nhắc nhở, la rầy, chứ không ai thương mình bằng ba mẹ. Hãy bỏ qua vì cuộc sống vẫn đâu đó tồn tại cái lý “ba mẹ nói ép”… Nhưng em bảo trong sâu thẳm vẫn thấy buồn, không hiểu sao mẹ lại không tin con.

Còn em M.U, học sinh lớp 11 kể: Nhà em, mẹ rất dịu dàng, cư xử với con rất cởi mở, em có thể chia sẻ với mẹ mọi chuyện - ngay cả chuyện rung động đầu đời hay những mối quan hệ bạn bè khác, nhưng ba em thì không. Mỗi lần đi chơi về, ba thường nói “tao nghe người này nói thế nọ thế kia…”, nhưng những chuyện ba nghe được có chuyện chỉ một nửa sự thật, có chuyện hoàn toàn không phải. Em giải thích nhưng ba không tin. Em nói với tôi mà muốn khóc: Ba nói em trốn tiết, tà tụ đi nhậu, hút thuốc, chạy xe lạng lách… Nhiều lúc em uất tới mức hết muốn về nhà luôn.

Phải làm sao để giúp cho mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái ở tuổi dậy thì bớt căng thẳng? Thật khó. Vì vậy, tôi muốn qua bài viết này đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh: Hãy bình tĩnh, sáng suốt trước những thông tin về con cái khi chưa được kiểm chứng. Khi con ở tuổi dậy thì, các em muốn được nói chuyện với ba mẹ như một “người lớn”.

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/232628/khi-ba-me-khong-tin-con.html