Khi bác sĩ viết

Đối với những người làm nghề y, trang giấy và cây bút gắn liền với họ không kém gì những người theo nghề viết khi ngày ngày phải khám lâm sàng, kê đơn thuốc, viết sổ theo dõi hoặc làm báo cáo khoa học, thực hiện các đề tài nghiên cứu, viết sách. Không chỉ là sách chuyên ngành, nhiều cuốn sách của đội ngũ y, bác sĩ đã và đang tiếp cận với bạn đọc phổ thông, được độc giả đón nhận nồng nhiệt.

Vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều đầu sách y học thường thức ra đời với hình thức và nội dung vô cùng phong phú, từ dạng hỏi đáp về các bệnh thường gặp; tư vấn và giải đáp thắc mắc; lời khuyên về dinh dưỡng, cách luyện tập; hướng dẫn cách phòng và nhận biết dấu hiệu bệnh, trong số đó có nhiều đầu sách do bác sĩ viết.

Nhiều bác sĩ Việt Nam coi trọng việc phổ biến kiến thức y học cho người dân. Nếu trước đây, cuốn sách y học thường thức phổ biến nhất trong các gia đình chỉ có Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS Đỗ Tất Lợi thì nay đã có rất nhiều sách của các y, bác sĩ viết về đề tài này, như: Tự sự của trái tim, Bí mật của hạnh phúc, Y khoa và cuộc sống, Nghỉ hưu là sự khởi đầu, Chế độ ăn giải độc, Kỹ thuật bột, Tâm bệnh học, Thay đổi lối sống - bí quyết để phòng, chống các bệnh không lây nhiễm...

“Nở rộ” và “hot” hơn cả phải kể đến các đầu sách về chăm sóc, nuôi dạy con, về phân biệt và điều trị các bệnh thường gặp ở trẻ em. Trong đó, Để con được ốm của bác sĩ Trí Đoàn và Để con được chích của bác sĩ Minh Lê và bác sĩ Vân Hương là hai cuốn sách được viết với sự kết hợp giữa bác sĩ và nhà báo, từng gây “sốt” trong “thế giới các bà mẹ bỉm sữa” Việt Nam; bộ sách của bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo với Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng, Bước đệm vững chắc vào đời, Chat với bác sĩ hay Hỏi bác sĩ nhi đồng của bác sĩ Trương Hữu Khanh.

Uy tín của các vị bác sĩ này đã được “truyền tai” từ lâu và những cuốn sách của họ ra đời góp phần giải “cơn khát” thông tin cho các bà mẹ đang nuôi con nhỏ. Những chia sẻ đáng tin cậy dựa trên các nghiên cứu y khoa được cập nhật trên thế giới của các bác sĩ này đã giúp các bà mẹ trang bị kiến thức cơ bản, tự tin trong chăm sóc con một cách khoa học, cho con tiêm phòng đầy đủ thay vì kiêng khem không đúng đắn.

Mới đây, cuốn sách 3 phút sơ cứu ra mắt bạn đọc, được cho là cần thiết với người từ 8 đến 80 tuổi. Bằng cách viết ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu và dễ nhớ, cuốn sách được kỳ vọng là “cẩm nang cho mọi nhà”, hướng dẫn cách xử lý ban đầu khi ai đó bị tai nạn, chấn thương, ngộ độc, bệnh lý bất ngờ hay trên người xuất hiện các vết cắn, đốt...

Tác giả - bác sĩ Ngô Đức Hùng là một facebooker khá nổi tiếng. Năm 2018, anh từng viết tự truyện Để yên cho bác sĩ hiền, cuốn sách “gây bão” này được tái bản liên tục. Điều làm nên độ “hot” cho Để yên cho bác sĩ hiền là những câu chuyện thật, những trải nghiệm thực tế được vị bác sĩ làm việc ở Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai đưa vào trang viết, giúp bạn đọc thấu hiểu sự vất vả nhiều đến thế nào của người thầy thuốc.

Giọng văn hài hước, ngôn ngữ sắc sảo, thậm chí đôi lúc... đanh đá, chanh chua nhưng vẫn có những khoảng lặng khiến người đọc không cầm được nước mắt, Để yên cho bác sĩ hiền đã nhanh chóng “thu phục” bạn đọc.

Hiểu thêm về cuộc đời của người thầy thuốc, biết thêm về công việc chuyên môn, việc “hậu trường” trong ngành Y tế, đó là một trong những điểm hấp dẫn mà các tự truyện, hồi ký của các bác sĩ mang lại cho độc giả.

Không ai giỏi hơn các bác sĩ khi làm việc đó, bởi dù giọng văn có hay đến đâu thì cũng khó có nhà văn, nhà báo nào có thể tường tận công việc chuyên môn bằng chính người trong cuộc, như bác sĩ Tôn Thất Tùng từng ví von: “Cả quãng đời thanh niên của tôi đóng chặt trong bốn bức tường của bệnh viện ấy”.

Sự thật được viết nên bởi sự chân thật của chính các bác sĩ mà không cần phải lọc qua một lớp ngôn ngữ hoa mỹ nào sẽ luôn hấp dẫn bạn đọc. Đó có lẽ là một trong những lý do để cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm - cuốn nhật ký của một nữ chiến sĩ - bác sĩ càng thêm nổi bật giữa rất nhiều cuốn nhật ký chiến trường.

Tương tự, những cuốn hồi ký như Đường vào khoa học của tôi của bác sĩ Tôn Thất Tùng, Thời gian trong mắt tôi của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp hay các tập sách về cuộc đời và sự nghiệp của những vị bác sĩ nổi tiếng khác như Đặng Vũ Hỷ, Hồ Đắc Di, Nguyễn Thiện Thành, Phạm Ngọc Thạch, Đỗ Xuân Hợp... luôn được nhiều độc giả tìm đọc.

Năm 2019, cuốn sách Đốc - tờ Năm được rất nhiều bạn đọc đón nhận với sự hào hứng khi kể câu chuyện xúc động về hành trình đến với Đông Dương và cuộc đời nghiên cứu của nhà vi trùng học Alexandre Yersin, vị bác sĩ tài ba, đôn hậu đã được người dân Việt Nam trân trọng đặt cho cái tên vô cùng gần gũi: Đốc - tờ Năm.

Không chỉ giúp những người làm cha, làm mẹ có thêm kiến thức y khoa, nhiều tác giả tìm cách tác động tới trẻ nhỏ. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc từng nhiều năm giữ chuyên mục Hỏi đáp bác sĩ trên một số tờ báo đã kể những câu chuyện “cổ tích”, mang đến kiến thức bổ ích, giúp các em nhỏ có thể học cách tự chăm sóc bản thân qua những cuốn sách tranh thú vị như Có một con mọt sách, Cá bảy màu, Giếng nước mùa xuân, Một cuộc du lịch kỳ quái, Có “Chí” thì… hư, Cái mũi để chi, Nghỉ hè, nên làm gì?

Các thầy thuốc Việt Nam không chỉ trực tiếp cứu người bệnh mà còn thông qua việc viết sách để giúp cộng đồng hiểu về công việc của mình, về ngành Y và nhất là giúp người đọc có thêm thông tin, kiến thức để tự giúp mình.

Hạ Yến

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/959553/khi-bac-si-viet