Khi bài toán môi trường được ưu tiên

Kinh tế làng nghề đóng vai trò quan trọng để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Dù vậy, cùng với đó là những thách thức về ô nhiễm môi trường ngày một lớn, đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ để giải quyết triệt để.

Cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Chính Bình

Cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Chính Bình

139 làng nghề đang gây ô nhiễm nghiêm trọng

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn TP hiện có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND TP Hà Nội công nhận thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Các làng nghề phát triển trong 6/7 nhóm lĩnh vực ngành nghề được Bộ NN&PTNT quy định.

Tổng doanh thu hàng năm của các làng nghề trên địa bàn Hà Nội ước đạt bình quân 20.000 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 20 làng nghề cho doanh thu hơn 50 tỷ đồng/năm. Kinh tế làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua từng năm.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí đánh giá, cùng với doanh thu lớn, sự phát triển của các làng nghề còn giúp cải thiện đáng kể thu nhập cho lao động nông thôn.

Mức thu nhập bình quân của lao động làng nghề hiện nay vào khoảng 5 - 6 triệu đồng. Con số này tuy còn thấp và chưa đồng đều, nhưng vẫn cao hơn lao động thuần nông, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy.

Vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề cần được giải quyết tại nguồn, nơi xảy ra phát thải. Chính quyền địa phương phải kiểm soát và hướng dẫn hoạt động của các làng nghề. Trước hết là thay đổi nhận thức, coi hoạt động làng nghề là sản xuất công nghiệp thay vì nông nghiệp, để có định hướng giải pháp phù hợp nhằm khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường…”.
GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật
(Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam)

Bên cạnh những giá trị về kinh tế mang lại, sự phát triển của các làng nghề cũng đặt ra nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường. Kết quả rà soát mới nhất của Sở TN&MT Hà Nội cho thấy, trên địa bàn TP hiện có khoảng 139 làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng; gần 100 làng nghề khác cũng đang trong tình trạng ô nhiễm. Các làng nghề gây ô nhiễm chủ yếu thuộc nhóm ngành nghề như: Thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản - thực phẩm, dệt - may mặc, gia công cơ kim khí…

Kết quả điều tra của Sở TN&MT Hà Nội cũng chỉ ra, có đến 36% tổng số hộ sản xuất trong các làng nghề không có công trình xử lý chất thải; khoảng 60% số hộ có hệ thống xử lý nhưng còn rất thô sơ, chưa đạt quy chuẩn. Chất lượng nguồn nước thải theo quan trắc tại nhiều làng nghề đều có hàm lượng các chất gây ô nhiễm như: COD, BOD, Nitrat, Amoni... vượt giới hạn nhiều lần.

Sẽ di dời các làng nghề có nguy cơ ô nhiễm

Để khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, mới đây, UBND TP đã ban hành Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu mà TP hướng đến là đảm bảo 100% các làng nghề được công nhận đáp ứng các điều kiện về môi trường. Đến năm 2030, hoàn thành di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề vào các khu, cụm, điểm sản xuất tập trung...

Theo định hướng trên, dự kiến sẽ có 19 làng nghề phải di dời cơ sở sản xuất, hoặc công đoạn có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực làng nghề. Trong số này có làng nghề đồ mộc Hữu Bằng (huyện Thạch Thất), làng nghề nón lá thôn Đông Giã (xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai), làng nghề mây tre đan, mộc ở thôn Phù Yên (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ), làng nghề chế biến lâm sản thôn Hạ (xã Liên Trung, huyện Đan Phượng), làng nghề dệt Phùng Xá (huyện Mỹ Đức)…

Liên quan đến định hướng của Hà Nội, hầu hết ý kiến chủ thể sản xuất đều đồng tình, ủng hộ cao. Theo anh Nguyễn Trọng Tiến - Chủ cơ sở sản xuất đồ mộc lâu năm tại xã Tân Lập (huyện Đan Phượng), chủ trương di dời các hộ chế biến lâm sản có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực làng nghề là đúng đắn. Tuy nhiên, kiến nghị TP cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp làng nghề, và tạo điều kiện tốt nhất về chi phí thuê mặt bằng để các hộ di dời.

Ở khía cạnh liên quan, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) Nguyễn Viết Hùng cho biết, trên địa bàn xã hiện có khoảng 1.000 hộ tham gia làm nghề điêu khắc đồ gỗ mỹ nghệ. Tuy nhiên, đa phần các hộ sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, phân tán khắp làng, tạo ra nguồn thải khó tập trung và gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí.

“Vấn đề ô nhiễm môi trường ở làng nghề xã Sơn Đồng đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp triệt để. Chính vì vậy, chính quyền địa phương mong mỏi UBND TP Hà Nội tiếp tục quan tâm, có kế hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp phù hợp quy hoạch, tạo điều kiện để đưa các hộ sản xuất trong làng nghề ra xa khu dân cư…” - ông Nguyễn Viết Hùng chia sẻ.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Theo Sở TN&MT Hà Nội, hiện nay TP đang chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề. Trước mắt, trong năm 2023, Sở sẽ tập trung thực hiện, sớm hoàn thành công tác rà soát, đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm môi trường đối với 100% làng nghề đã được công nhận trên địa bàn Hà Nội.

Đánh giá phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, đơn vị đã tham mưu UBND TP xây dựng Đề án quy hoạch phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030, định hướng đến năm 2040.

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đang đề nghị TP điều chỉnh, bổ sung, tích hợp “Đề án quy hoạch phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2040” với Quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Ngoài ra, Sở cũng đang tham mưu xây dựng dự thảo “Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn” và “Kế hoạch phát triển làng nghề gắn với du lịch” giai đoạn 2022 - 2025, trong đó sẽ có nhiều giải pháp nhằm phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông, việc ban hành Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề là quyết tâm lớn của Hà Nội nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong xây dựng các giải pháp tổng thể về xử lý ô nhiễm môi trường.

Với kế hoạch này, TP hướng đến bảo tồn, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất tại các làng nghề, làng nghề truyền thống; đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành.

Theo Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn Thủ đô đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội dự kiến đưa ra danh sách làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận trước đây đối với 29 làng nghề đang bị mai một. Trong số này, huyện Chương Mỹ có 8 làng nghề, trong khi các huyện: Thanh Oai, Phúc Thọ, Phú Xuyên - mỗi địa phương có 3 làng nghề dự kiến được đưa ra khỏi danh sách.

Về lộ trình và các giải pháp ưu tiên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cho biết, đến năm 2025, TP sẽ hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức triển khai phương án đã được phê duyệt đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Hà Nội cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề. Thường xuyên tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề nhằm ngăn ngừa nguy cơ suy thoái và ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, TP sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và yêu cầu các hộ sản xuất trong làng nghề đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong các làng nghề...

Không thể chần chừ

Theo số liệu tổng hợp từ kết quả các nghiên cứu cho thấy, không khí làng nghề bị ô nhiễm do khói từ lò nấu thủ công ở các làng nghề sử dụng than, củi, tỏa ra nhiều bụi và các khí độc hại như CO, CO2, SO2... nước thải sản xuất không qua xử lý, thải trực tiếp ra các ao hồ, mương và sông. Rồi các chất thải rắn đổ bừa bãi khắp nơi làm môi trường bị ô nhiễm, giảm năng suất cây trồng vật nuôi hoặc gây nhiễm độc theo dây chuyền thực phẩm, chất lượng sông, ao, hồ giảm sút gây tác động xấu tới đa dạng sinh học và chất lượng môi trường sống, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng dân cư sống trong khu vực. Bệnh tật của người dân làng nghề cũng cao hơn ở các làng thuần nông...
Từ thực tế trên cho thấy, chúng ta không phủ nhận vai trò cũng như những giá trị mà làng nghề mang lại, tuy nhiên, nhiều năm qua, chúng ta đã nêu rõ không đánh đổi môi trường vì mục tiêu phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế phải luôn song hành với bảo vệ môi trường là chủ trương nhất quán, nhằm mang đến cuộc sống ấm no và khỏe mạnh cho toàn dân. Đó cũng là hướng tới sự phát triển bền vững mà mọi quốc gia trên thế giới thực hiện. Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng cũng đang triển khai thực hiện hàng loạt giải pháp để đạt được mục tiêu đó.
Mới đây, Hà Nội tiếp tục thể hiện thêm quyết tâm khi ban hành quyết định về Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra là: "Đến năm 2030, đảm bảo 100% các làng nghề của Hà Nội được công nhận đáp ứng đầy đủ những điều kiện về bảo vệ môi trường, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội". Chúng ta kỳ vọng môi trường làng nghề Hà Nội sớm được cải thiện. Để từ đó người dân được hưởng thụ thành quả lao động của mình trong một môi trường sống đảm bảo sức khỏe.
Thuần Hưng

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khi-bai-toan-moi-truong-duoc-uu-tien.html