Khi bão Wipha đến: Sinh viên ở ký túc xá không còn bị động như bão Yagi
Bão Wipha vừa đổ bộ miền Bắc khiến nhiều sinh viên đang ở ký túc xá phải 'án binh bất động' trong phòng. Nhưng khác với đợt bão Yagi năm ngoái, khi không ít người rơi vào cảnh thiếu đồ ăn, lần này, sinh viên đã chủ động hơn nhiều trong việc chuẩn bị và ứng phó.
Mắc kẹt vì phụ thuộc vào app đồ ăn nhanh
Lê Thảo Vi – sinh viên năm 3 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền – vẫn còn nhớ rõ cảm giác lúng túng trong cơn bão Yagi năm ngoái. Thời điểm đó, cô và nhiều bạn cùng khu kí túc xá chủ quan, không theo dõi dự báo thời tiết. Đến khi mưa lớn kéo dài, gió giật mạnh, nước bắt đầu ngập lênh láng, mọi chuyện mới trở nên nghiêm trọng.
Tuy nhiên, điều khiến sinh viên “bị mắc kẹt” không chỉ là do mưa lớn gây ngập úng. Việc các ứng dụng giao đồ ăn như Grab, ShopeeFood tạm ngưng hoạt động vì thời tiết, cộng thêm quy định kí túc xá không cho phép nấu ăn trong phòng, đã khiến nhiều sinh viên rơi vào tình thế bị động.

“Ngay trưa hôm bão, các ứng dụng đặt đồ ăn qua mạng tắt hết, chúng mình không thể đặt được đồ ăn. Trong phòng chỉ còn chút đồ ăn vặt. Gió thì tạt vào cửa sổ vì quên không đóng chặt cửa, sách vở ướt gần hết,” Thảo Vi kể lại.
Vì thiếu sự chuẩn bị và kinh nghiệm, nhiều sinh viên chỉ biết chờ mưa ngớt để ra ngoài. Đó là lần đầu tiên họ ý thức được rằng, sống trong kí túc xá mùa mưa bão mà không có phương án dự phòng là một rủi ro thực sự.
Khi sinh viên không còn chủ quan
Từ sau cơn bão Yagi, sinh viên ở nhiều khu kí túc xá đã rút ra bài học và thay đổi thói quen. Khi bão Wipha được cảnh báo sẽ ảnh hưởng đến Hà Nội, không khí chuẩn bị đã sớm lan rộng trong các dãy nhà ở.
Thảo Vi cho biết, cô và bạn cùng phòng đã lên danh sách đồ cần mua: mì tôm, bánh mì gối, nước đóng chai, khăn lau sàn, băng dính, dây rút. Ngoài ra, họ còn dùng khăn chẹn vào các mép cưat, kê lại đồ đạc và kiểm tra ổ điện đề phòng nước vào. Ngoài ra còn sạc pin đầy đủ các thiết bị cần thiết.


“Chúng mình không để đến phút cuối mới xoay xở nữa. Giờ nghe có áp thấp là tự bảo nhau lên kế hoạch trước.” Lê Vi chia sẻ
Không khí “tự chủ” không chỉ xuất hiện trong từng phòng, mà còn lan rộng trong cả khu nhà. Nhiều bạn sinh viên đã tạo nhóm chung để chia sẻ thông tin thời tiết, hướng dẫn cách xử lý khi thấm vào, thậm chí hỗ trợ nhau mượn đồ dùng chống ngập.
Học sống cùng mưa bão
Với Đinh Trâm Anh – sinh viên năm 4 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền – những cơn bão đã trở thành “khóa học thực tế” giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng sống.
“Cứ nghĩ sống ở Hà Nội thì mưa bão cũng nhẹ thôi, nhưng thực tế thì rất bất tiện. App ngừng giao đồ ăn, nước dễ tràn vào phòng, đồ đạc ẩm hết. Nếu không chuẩn bị gì thì rất dễ bị động.”

“Không đặt được đồ ăn thì tụi mình vẫn tự xoay xở được, miễn là đã chuẩn bị sẵn,” Trâm Anh chia sẻ.
Từ sau đợt bão Yagi, Trâm Anh luôn dành một góc nhỏ trong phòng để dự trữ đồ ăn khô, nước uống, thuốc cảm, đèn pin và sạc dự phòng. Cô cũng thường xuyên nhắc các bạn năm nhất chú ý theo dõi dự báo thời tiết và chủ động từ trước.
“Ở xa nhà, không có ai hỗ trợ trực tiếp, nên quan trọng nhất là mình phải lo cho mình trước. Nhưng cũng đừng lo lắng quá – chỉ cần chuẩn bị đơn giản, kỹ lưỡng là yên tâm được phần lớn rồi.”
Những trải nghiệm trong mùa bão cũng giúp sinh viên hiểu hơn về tinh thần tương trợ: chia sẻ đồ ăn, cho mượn khăn, nhường nước lọc, giúp nhau kê lại đồ đạc… Từ khó khăn, họ học được cách sống tập thể, biết san sẻ và gắn bó.

Bão Wipha qua đi, nhưng những bài học mà sinh viên ký túc xá rút ra từ mỗi cơn mưa lớn thì vẫn còn nguyên giá trị. Từ sự bị động, phụ thuộc vào các tiện ích hiện đại, họ đã học được cách chủ động, chuẩn bị và thích nghi.
Trong hành trình trưởng thành của người trẻ, không chỉ có sách vở và đèn học, mà còn có kỹ năng sống, tinh thần hợp tác và bản lĩnh vượt qua thử thách – dù chỉ là một trận mưa bất ngờ giữa lòng thành phố.