Khi các siêu ứng dụng tìm cách 'nương tựa' lẫn nhau
Khi động lực gia tăng thị phần giao đồ ăn, đi lại, giao hàng không còn lớn, các siêu ứng dụng tìm cách bắt tay nhau nhằm kích thích người dùng tăng tần suất sử dụng dịch vụ, từ đó gia tăng giá trị các đơn hàng và tăng doanh thu nói chung.
Gojek vừa qua đã đưa tính năng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood lên MoMo và trở thành siêu ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam cung cấp tính năng đặt đồ ăn trực tuyến thông qua một ví điện tử.
Giờ đây, người dùng MoMo không cần phải rời nền tảng mà vẫn duy trì kết nối vào hệ sinh thái Gojek, với đầy đủ tiện ích như: gọi xe, đặt đồ ăn, theo dõi đơn hàng, kiểm tra lịch sử đơn hàng...
Ông Sumit Rathor, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam cho rằng, việc giới thiệu tính năng GoFood của Gojek trên nền tảng MoMo là một bước đổi mới, giúp người dùng tiếp cận các dịch vụ trong hệ sinh thái Gojek một cách thuận tiện.
"Bằng việc này, chúng tôi hy vọng mang đến nhiều lựa chọn hơn, cũng như nhiều giá trị dịch vụ lớn hơn cho người dùng trên MoMo", ông Sumit Rathor nói.
Bên cạnh đó, Gojek sẽ có cơ hội tiếp cận với hệ sinh thái hơn 31 triệu người dùng của MoMo. Sự kết hợp này đặc biệt có ý nghĩa với Gojek trong bối cảnh thị trường giao đồ ăn trực tuyến ở Việt Nam đã đạt 1,1 tỷ USD trong năm ngoái, theo Momentum Works.
Việc bắt tay với MoMo sẽ giúp Gojek gia tăng lượng khách hàng tiềm năng, đồng thời có thêm thị phần khi mà các đối thủ như: GrabFood (Grab), ShopeeFood (Shopee), và Baemin (Delivery Hero) đang ngày một phát triển mạnh mẽ.
Ở chiều ngược lại, khi thị phần ví điện tử MoMo đang chiếm tới 68% tại Việt Nam trong quý 1/2023 (theo Decision Lab), động lực để siêu ứng dụng này tiếp tục gia tăng thị phần trong thời gian tới đây là không lớn.
Thay vì tìm kiếm thêm các khách hàng mới, việc MoMo thúc đẩy người dùng gia tăng tần suất sử dụng ví điện tử, từ đó gia tăng giá trị các khoản thanh toán dường như là một chiến lược khả dĩ hơn.
Những năm gần đây, hình thức thanh toán qua ví điện tử phát triển nhanh tại Việt Nam nhờ tính tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm, đặc biệt đối với các giao dịch có tần suất lặp lại cao như: ăn uống, đi lại, giao nhận hàng.
Trước khi Gojek và MoMo công bố hợp tác tại Việt Nam, nhiều siêu ứng dụng khác cũng đã "bắt tay" nhau trong khu vực Đông Nam Á.
Điển hình như việc công ty giao đồ ăn Foodpanda đã ký kết hợp tác chiến lược với ứng dụng gọi xe Tada khi 2 hãng này bắt đầu tiếp thị tại Singapore và Campuchia - nơi tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á 2023.
Tương tự, Grab cũng đã bắt tay với một số đối tác để du khách đến Đông Nam Á có thể đặt chuyến đi trên các ứng dụng địa phương. Tại Trung Quốc, Grab đã làm việc với các ứng dụng như WeChat và AliPay, còn tại Hàn Quốc là ứng dụng gọi xe Kakao T.
Đây được xem là những nỗ lực của Grab và Foodpanda nhằm mở rộng thị phần. Bên cạnh đó, cả hai siêu ứng dụng này còn thử nghiệm chuyển hướng sang kinh doanh ăn uống tại chỗ, kỳ vọng tạo ra doanh thu trong bối cảnh người dùng thắt chặt chi tiêu.
Chẳng hạn Grab đang thử nghiệm tính năng ăn uống tại chỗ ở 15 thành phố của Singapore, Thái Lan và Indonesia, cho phép người dùng mua các phiếu ăn uống tại nhà hàng với mức chiết khấu lên tới 50%.
Ông Jonathan Woo, Chuyên gia phân tích tại Phillip Securities Research cho biết, với việc chi phí ăn uống ngày càng tăng cùng với áp lực từ lạm phát, người tiêu dùng đang tìm kiếm các mã giảm giá để tiết kiệm chi phí ở bất cứ nơi nào họ đến.
Ông cũng nói thêm, doanh thu các ứng dụng giao đồ ăn có thể tăng nhờ các dịch vụ ăn uống tại chỗ. Cụ thể, doanh thu có thể được tính từ phí hoa hồng cho mỗi lần khách hàng mua phiếu ăn tối tại các nhà hàng thông qua dịch vụ của Grab.
Trong khi đó, ứng dụng Foodpanda đã giới thiệu tính năng ăn uống tại chỗ lần đầu tại Singapore. Hiện tại, tính năng này đã có mặt trên nhiều thị trường của Foodpanda như Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Hong Kong, Pakistan và Bangladesh.