Khi các thầy cô lên sóng truyền hình

Dù hồi hộp khi đứng trước máy quay và bỡ ngỡ với phong cách giảng dạy trên sóng truyền hình, tuy nhiên các giáo viên đều thể hiện tốt vai trò diễn đạt không kém gì những MC chuyên nghiệp để truyền tải kiến thức đến học sinh.

Các cô giáo tranh thủ từng giây từng phút biên soạn lại bài giảng thật kỹ lưỡng trước khi giảng dạy trên sóng truyền hình.

Các cô giáo tranh thủ từng giây từng phút biên soạn lại bài giảng thật kỹ lưỡng trước khi giảng dạy trên sóng truyền hình.

Cô Lương Thu Thủy - giáo viên Ngữ văn Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: Từ giáo viên hàng ngày chỉ quen với bục giảng, học trò, giờ đây đứng trước máy quay truyền hình không tránh khỏi bỡ ngỡ. Nhưng vì học trò, tôi đã cố gắng hết sức mình để truyền tải bài giảng một cách ngắn gọn, dễ hiểu và sâu lắng nhất.

Cô Phạm Thị Thanh Huyền - giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bộc bạch: Dù đã có kinh nghiệm trong giảng dạy nhưng tôi vẫn khá hồi hộp khi đứng trước máy quay. Khác biệt lớn nhất khi dạy học trên truyền hình đó là không có tương tác với học sinh, vì vậy tôi phải biên soạn rất kỹ các bài giảng sao cho phù hợp khi giảng dạy.

Cũng như cô Huyền, cô Lê Thị Thu - giáo viên môn Lịch sử Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Không có học sinh tương tác nên tôi thường hình dung học trò đang ngồi dưới nghe học như thế nào và sử dụng thường xuyên những câu lệnh để nhấn mạnh đối với phần kiến thức trọng tâm giúp học sinh dễ tiếp thu hơn. Chỉ sau vài tiết dạy, tôi cảm thấy tự tin với phương pháp mới.

Thầy Nguyễn Như Tùng - giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) có bỡ ngỡ trong lần lên sóng nhưng rồi cũng quen bởi phong trào tất cả vì học sinh thân yêu của các thầy cô giáo. Ngoài việc chuẩn bị kỹ bài giảng, thầy cô còn tập dượt nhiều lần về giọng nói, phong thái để có thể lên sóng được hoàn hảo nhất.

Để có 1 tiết học kéo dài 20 - 30 phút trên truyền hình, các thầy cô phải chuẩn bị kỹ lưỡng, chi tiết từ nội dung kiến thức cho đến những hình ảnh, video tư liệu. Đơn cử trong bài giảng môn Lịch sử “Nhân dân hai miền trực tiếp chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược”, cô Phạm Thị Thanh Huyền - giáo viên Trường THPT Việt Đức đã sử dụng hình ảnh, video tư liệu lịch sử để minh họa cho bài học thêm sinh động, dễ tiếp thu. Kết thúc bài giảng, cô đưa ra những nội dung trọng tâm của bài để học sinh nắm vững và bài tập để các em ôn lại kiến thức đã học.

Đánh giá cao hiệu quả của các chương trình dạy học trên truyền hình, chị Nguyễn Mai Anh - phụ huynh học sinh tại quận Đống Đa chia sẻ: Xin cảm ơn các thầy cô đã có những bài giảng hay, ngắn gọn mà đủ đầy, súc tích, bố cục chặt chẽ và dễ nhớ dễ hiểu.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khi-cac-thay-co-len-song-truyen-hinh-20200403094631811.html