Khi Cánh diều lạc nhịp

Sau khi bị siêu bão Yagi quần thảo, Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc - đặc biệt những tỉnh Trung du và miền núi chìm trong mưa lũ.

Minh họa/INT.

Minh họa/INT.

Sau khi bị siêu bão Yagi quần thảo, Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc - đặc biệt những tỉnh Trung du và miền núi chìm trong mưa lũ. Hàng trăm người chết, mất tích và bị thương. Thậm chí có ngôi làng như làng Nủ ở Lào Cai bị vùi lấp toàn bộ. Thiên tai chồng thiên tai.

Vậy nhưng, giữa bời bời lo lắng của hàng chục triệu người, lễ trao giải Cánh diều vàng 2024 vẫn diễn ra theo đúng kịch bản, với đầy đủ các thủ tục vinh danh rườm rà và rực rỡ. Có khác một chút là thêm lời kêu gọi hướng về vùng lũ cùng động thái trao một số phần quà ủng hộ đồng bào.

Trong hơn hai tiếng đồng hồ, những tiết mục ca hát, những lời nói có cánh dành cho nhau và dành cho điện ảnh được tường thuật trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Khánh Hòa cùng nhiều đài truyền hình khác, đồng thời phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều nghệ sĩ cũng phấn khởi chia vui cùng bạn bè đồng nghiệp, khoe trang phục và vóc dáng tươi tắn ngọt ngào.

Ai cũng biết để chuẩn bị cho lễ trao giải thưởng thường niên này, ban tổ chức đã mất nhiều thời gian, công sức. Số tiền bỏ ra cũng không nhỏ.

Mưa gió lũ lụt và trao giải vinh danh là những việc khác nhau. Mỗi người một nhiệm vụ, một bổn phận. Cũng không vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Huống chi, trong buổi lễ, ban tổ chức đã phát động mọi người cùng hướng về vùng lũ. Như thế là rất ân tình, chu đáo rồi.

Nhưng thử đặt ra một kịch bản khác cho lễ trao giải Cánh diều vàng 2024: Lược đi phần văn nghệ, cô đọng các nghi lễ, không truyền thông ồn ào, đặc biệt không tường thuật trực tiếp trên truyền hình cũng như phát trên các nền tảng mạng. Các nghệ sĩ cùng lên sân khấu hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam hành động vì đồng bào vùng lũ. Mạnh mẽ hơn nữa là hủy bỏ lễ trao giải.

Làm được như thế, hẳn dư âm của giải thưởng Cánh diều 2024 sẽ sâu sắc, ý nghĩa hơn rất nhiều. Đó chính là thông điệp lan tỏa của điện ảnh, của nghệ thuật, của cái đẹp đích thực.

Ngược lại, giữa nỗi lo thắt lòng khi nước cứ mãi dâng cao, mưa mãi rơi và bao phận người còn bị cô lập hiểm nguy trong vùng nước dữ, thì những mỹ từ trên sân khấu trở thành vô duyên và tầm phào.

Nghệ thuật là sáng tạo, là dấn thân, là đổi mới không ngừng nghỉ. Nhưng trên thực tế chúng ta thường đi vào lối mòn. Ngay tại lễ trao giải Cánh diều 2024, những người làm nghệ thuật đã không muốn hoặc không dám cắt bỏ một kịch bản cũ kỹ, lạc nhịp để tạo nên một kịch bản mới hòa vào nhịp thở của đời sống nhân dân, hòa vào âu lo chung của đất nước. Thế nên, dễ hiểu vì sao nhiều tác phẩm điện ảnh vừa ra đời đã bị chết yểu, bị lãng quên.

Người thả diều luôn mong cánh diều mãi bay cao. Nhưng bay cao rồi tìm được điểm neo đậu vẫn tốt hơn là mất hút giữa tầng không.

Vũ Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khi-canh-dieu-lac-nhip-post700481.html