Khi cảnh sát biển đồng hành với ngư dân

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 được Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam giao nhiệm vụ phối hợp với Ban Dân vận tỉnh, thành ủy của 9 tỉnh, thành phố trên địa bàn (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh và TP. Hồ Chí Minh) triển khai thực hiện chương trình 'Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân' trong điều kiện tình hình chính trị, kinh tế - xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định, tiềm lực quốc phòng, an ninh từng bước được tăng cường…

Tuyên truyền thay đổi nhận thức

Đến nay qua 5 năm chương trình đã đạt được những kết quả nổi bật. Cụ thể Bộ Tư lệnh Vùng 3 đã phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và các cơ quan báo, đài phát thanh, truyền hình của 9 tỉnh để thống nhất về nội dung, đối tượng, hình thức, địa bàn tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương - nơi được dự kiến tổ chức các hoạt động chương trình, để tổ chức các hoạt động tuyên truyền về biển đảo và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức các cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” trên địa bàn...

Các báo cáo viên Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân (ảnh minh họa).

Các báo cáo viên Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân (ảnh minh họa).

Ngoài ra, quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, các tàu của đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền trực tiếp trên hệ thống máy thông tin nghề cá và phát tờ rơi tuyên truyền trực tiếp cho các thuyền viên và ngư dân khi tiếp cận các tàu của ngư dân. 5 năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo các tỉnh trên địa bàn tổ chức được 87 buổi tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tuyên truyền về biển, đảo, chức năng, nhiệm vụ cảnh sát biển cho hơn 90.720 lượt cán bộ, công chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, ngư dân và nhân dân trên địa bàn. Cấp phát trên 100.000 tờ rơi tuyên truyền, tổ chức 25 cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp cho các em học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn 9 tỉnh, với sự tham gia của 158 trường. Trong đó tại Bình Thuận, Bộ Tư lệnh Vùng 3 đã tổ chức tuyên truyền được 7 buổi/9.400 lượt người; cấp phát hơn 10.000 tờ rơi tuyên truyền; viết đưa 184 tin, bài, phóng sự trên các báo, đài. Ký kết phát sóng chuyên mục “Vì chủ quyền, an ninh, an toàn biển đảo” trên Đài PTTH Bình Thuận và đăng chuyên trang “Vì chủ quyền, an ninh, an toàn biển đảo” trên Báo Bình Thuận từ tháng 1/2024; tổ chức được 3 cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp/9 trường THCS/4.450 học sinh tham gia...

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội Việt Nam trao nhà “Đại đoàn kết” cho hộ bà Lê Thị Kim Mai, ngụ tại thôn Thạnh Mỹ, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội Việt Nam trao nhà “Đại đoàn kết” cho hộ bà Lê Thị Kim Mai, ngụ tại thôn Thạnh Mỹ, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam.

Qua tuyên truyền đã góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc đồng thời xây dựng ý thức trách nhiệm cho ngư dân đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực và các hành vi vi phạm pháp luật trên biển, đảo như: Vi phạm quy định về trật tự, an toàn trên biển; đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài; dùng hóa chất đánh bắt hải sản tận diệt làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và phá hoại môi trường sinh thái biển…

Điểm tựa để ngư dân vươn khơi bám biển

Những năm qua cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 3 đã tích cực, chủ động hỗ trợ giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bộ Tư lệnh Vùng 3 xác định đây là một nội dung quan trọng, thường xuyên và lâu dài, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân trong quản lý, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Kịp thời cứu hộ cứu nạn ngư dân bị tai nạn trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển.

Kịp thời cứu hộ cứu nạn ngư dân bị tai nạn trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển.

Các tàu cảnh sát biển duy trì nghiêm túc các chế độ trực; theo dõi, thông tin, tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời không để ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản. Không sử dụng các biện pháp đánh bắt hải sản mang tính tận diệt và ảnh hưởng đến tài nguyên, môi trường biển; trao đổi, thống nhất các tín hiệu, kênh, tần số liên lạc khi gặp sự cố hoặc phát hiện tàu gặp sự cố và cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự, an toàn hàng hải, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển cho các lực lượng chức năng trên biển. Kịp thời hỗ trợ, bảo vệ ngư dân khi ngư dân đánh bắt hải sản trên các vùng biển, khi bị các tàu lạ đâm va, truy đuổi.

Bên cạnh đó đã phối hợp và tổ chức thực hiện tốt công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường trên. Bộ Tư lệnh Vùng 3 duy trì nghiêm túc trực đài canh đảm bảo hoạt động 24/24 với các tàu thuyền hoạt động trên biển. Kết nối thông tin liên lạc với các Trung tâm TKCN khu vực III và Trung tâm TKCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Khánh Hòa kịp thời trao đổi thông tin những tình huống xảy ra trên biển và phối hợp thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với ngư dân. Chủ động tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường trên biển, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ, giúp đỡ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước ngọt, dầu nhớt... cho tàu cá của ngư dân ngoài biển khi gặp khó khăn.

Đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy BĐBP và các ngành có liên quan của 9 tỉnh, thành phố xây dựng các kế hoạch bảo đảm; phối hợp tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập cho nguồn nhân lực, tàu thuyền dân sự, nhằm đáp ứng đủ điều kiện sẵn sàng tham gia và thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, các tỉnh, thành phố đã kịp thời xác định, điều chỉnh nguồn huy động đối với nhân lực là cán bộ địa phương, ưu tiên các đồng chí có chuyên môn liên quan đến tàu thuyền. Đối với phương tiện tàu thuyền chủ yếu tập trung vào các tàu có công suất trên 500 CV, lượng giãn nước trên 90 tấn và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra...

Hiệu quả của chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” đã mang lại ý nghĩa sâu sắc và sức lan tỏa trên địa bàn các địa phương ven biển, hải đảo, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Nhờ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, phát huy tinh thần yêu nước, tình yêu biển đảo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới biển, đảo.

Trung tâm CHCN&BVMT biển số 3 đã duy trì nghiêm kíp trực CHCN 24/24; nắm chắc tình hình sự cố, thiên tai, CHCN và ô nhiễm môi trường trên các vùng biển do đơn vị quản lý. Nhờ vậy 5 năm qua đã xử lý 772 thông tin TKCN trên biển; tham mưu điều động 25 lượt tàu, xuồng tham gia TKCN 18 vụ, cứu được 8 phương tiện, vớt được 6 thi thể, cứu và hỗ trợ được 325 người.

HỒNG TRINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/khi-canh-sat-bien-dong-hanh-voi-ngu-dan-123952.html