Khi câu hát cất lên…

Tiếp xúc với Hồng Hạnh dễ nhận thấy âm nhạc đã chiếm trọn con người chị. Khi câu hát vút lên, chỉ còn một Hồng Hạnh của lời ca, của những câu chuyện kể về quê hương đất nước, về mẹ, về người lính…

NSND Hồng Hạnh. Ảnh: Thành Duy.

NSND Hồng Hạnh. Ảnh: Thành Duy.

Thấm thoắt đã 30 năm có lẻ, kể từ năm 1993, khi Hồng Hạnh rời mảnh đất Quảng Ninh về đầu quân cho Đoàn Ca múa Quân đội, nhưng tôi cảm thấy không có khoảng cách của một nữ Đại tá, Nghệ sĩ nhân dân, Chỉ huy cao nhất của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội hôm nay với cô bé Hồng Hạnh đang học cấp ba tại Uông Bí, Quảng Ninh đầu những năm 90 thế kỷ trước.

Hai năm sau khi về Nhà hát, tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995 chị đã dành Huy chương vàng với ca khúc “Cho con xin câu hát” của nhạc sĩ Minh Quang, một giải thưởng đặc biệt dành cho các nghệ sĩ hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp mà người được nhận còn rất trẻ, lại chưa được đào tạo về âm nhạc.

Sau đó Hồng Hạnh mới được đơn vị cử đi học tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Thanh nhạc là thứ khổ luyện thành tài, dù bậc trung cấp thì cũng phải 4 năm mới tốt nghiệp. Sau đó chị tiếp tục học lên cao đẳng, rồi đại học. Đó là một quá trình vừa học vừa làm gian khổ nhưng cũng tự hào, khoảng thời gian để chị tích lũy những kiến thức chuyên môn và văn hóa tạo nền tảng cho người nghệ sĩ.

Phải nói rằng các ngành văn học, nghệ thuật của quân đội cho đến những năm sau này vẫn giữ được cách tuyển người không theo một khuôn mẫu nào nhưng hầu như không bao giờ… chọn nhầm. Các thế hệ nghệ sĩ tiền bối đã luôn có con mắt xanh để phát hiện, đào tạo đội ngũ nghệ sĩ kế cận cho quân đội, phát hiện ra những hạt mầm đầy sinh lực của tuổi trẻ và nhiệt huyết.

Hồng Hạnh ngày ấy đã nổi danh khắp các sự kiện âm nhạc lớn nhỏ của vùng mỏ, cái nôi âm nhạc chuyên nghiệp, nơi chắp cánh cho các giọng hát NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ, NSND Đức Long… Cô bé học sinh vùng mỏ khi ấy đã hát các bài hát về người lính, từ “Thời hoa đỏ” của Thuận Yến, “Vòng tay cầu hôn” của Trần Tiến, “Nhớ” của Phan Huỳnh Điểu… tại những buổi lễ tiễn tân binh nhập ngũ của địa phương, những liên hoan văn nghệ quần chúng của các đơn vị bộ đội trên địa bàn.

Cũng có nơi này nơi kia ngỏ ý muốn mời Hồng Hạnh đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp nhưng bố mẹ chị không muốn con gái đi xa. Thế rồi khi các nghệ sĩ: PGS.TS Ứng Duy Thịnh, NSND Doãn Tần, nghệ sĩ múa Đặng Hùng, nhạc sĩ Nguyễn Tiến đã về tận nơi hỏi Hồng Hạnh và thuyết phục bố chị đồng ý cho con gái đầu quân.

Bởi đơn giản, bố chị cũng là một người lính, một người lính đặc công từng tham gia trận đánh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa năm 1972 trước khi về làm giảng viên tại Trường Chính trị của huyện Uông Bí.

NSND Hồng Hạnh bên cây đàn piano, hiện vật trưng bày tại Phòng truyền thống Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Ảnh Xuân Thủy.

NSND Hồng Hạnh bên cây đàn piano, hiện vật trưng bày tại Phòng truyền thống Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Ảnh Xuân Thủy.

Mỗi người lính đều có một quê hương, một người mẹ. Hồng Hạnh cũng là một người lính với một miền quê đã cho chị những ký ức đẹp vô ngần. Những cánh rừng vùng Uông Bí khi còn nhỏ chị vẫn đi lấy củi, những thửa ruộng ven sông chị từng mò cua bắt ốc đã là những “sân khấu ca nhạc” đầu tiên của cô bé Hồng Hạnh, chỉ nghe ca nhạc qua loa phóng thanh cô bé Hạnh vừa lao động vừa cất cao giọng hát như một chú sơn ca núi.

Hồng Hạnh đùa rằng, giọng hát của chị từ thuở đầu đời đã “vang rừng vọng biển” bởi đặc thù địa hình Quảng Ninh, núi luôn gần với biển, “lấy củi trên núi mà hát thì cả biển trời nghe được”. Nước mắt chảy xuôi, mỗi người mẹ đều dành tình yêu thương nhất mực cho con mình, mẹ của Hồng Hạnh cũng thế. Và ngược lại, càng sống thêm năm tháng trên đời, càng nhiều trải nghiệm chị càng cảm nhận sâu sắc hơn sự thiêng liêng của tình mẫu tử, như tâm sự của chị “làm mẹ rồi mới thương mẹ nhiều hơn”.

Bố mẹ Hồng Hạnh đều là những người con quê gốc ở Ứng Hòa, Hà Nội ra lập nghiệp tại Quảng Ninh. Mẹ chị là người có nhiều ảnh hưởng, đã gieo mầm tình yêu âm nhạc nơi chị. Phải chăng vì thế mà những lời ca về mẹ qua giọng hát Hồng Hạnh cứ thăm thẳm những đong đầy yêu thương, nhận được sự đồng cảm của nhiều thế hệ khán thính giả, trong đó có những người lính.

“Mẹ cho con câu hát thời con gái, đời cho con câu hát người thương người” là câu hát trong bài “Cho con xin câu hát” đã đưa Hồng Hạnh đến với giải thưởng âm nhạc chuyên nghiệp đầu tiên.

Sau 30 năm, nhắc lại kỷ niệm đầu đời, Hồng Hạnh vẫn cất lên lời ca nồng nàn bằng giọng nữ trung như ngày còn tuổi đôi mươi. Chất giọng của chị hợp với nhạc nhẹ nhưng chị vẫn hát dòng dân gian vì dòng nhạc này thường ít người hát, chị thích các bài hát đậm chất trữ tình đằm thắm, sâu lắng nồng nàn. Một giọng hát nội lực có thể là trời cho, nhưng một giọng hát có chiều sâu với những thông điệp ngầm ẩn thì phải là nền tảng tri thức, sự lắng đọng của những trầm tích văn hóa. Hồng Hạnh hiểu điều đó, bố chị, một nhà giáo dạy triết học cũng nói với chị như vậy.

Bởi thế Hồng Hạnh không chỉ học âm nhạc, chị luôn ý thức tích lũy kiến thức về mọi lĩnh vực, cùng với những hiểu biết xã hội để bồi tụ cho mình một phông tri thức, đó là bệ phóng bền vững để cho chị sự tự tin nhất khi đứng trên sân khấu với vai trò ca sĩ, tự tin nhất với ca khúc mình lựa chọn, tự tin nhất với cá tính âm nhạc để khi chị cất giọng lên đó là sự lan tỏa, đó là sự kết nối, đó không chỉ là hát mà còn là đối thoại, còn là trò chuyện, là tâm tình với công chúng nghe nhạc.

Hồng Hạnh đã hát, hát rất nhiều về quê hương đất nước, về người lính, nhưng những bài hát về một thời hoa lửa bao giờ cũng khiến chị tràn đầy xúc cảm. Như bài hát về Thành cổ Quảng Trị, nơi bố chị đã cống hiến những năm tháng tuổi trẻ. "Cỏ non Thành cổ" của nhạc sĩ Tân Huyền là bài hát lay động được thể hiện bởi giọng ca Hồng Hạnh, trong đó có sự ngưỡng mộ, thành kính trước sự hi sinh của những người lính, trong đó có tình cảm chị dành cho người cha của mình và những đồng đội của ông.

Hồng Hạnh đã có hàng trăm chuyến lưu diễn, biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân tại khắp các địa phương trong cả nước, nhưng nếu hỏi chị về chuyến biểu diễn để lại nhiều kỷ niệm thì với cá nhân chị luôn nhớ chuyến về Quảng Trị tại Đường 9 - Khe Sanh, khi có bố chị đi cùng.

Chuyến đi ấy trong khuôn khổ liên hoan “Tiếng hát Đường 9 xanh” năm 2019, chị vừa với tư cách quản lý đoàn, vừa là ca sĩ biểu diễn, còn bố chị là người lính về thăm lại chiến trường xưa. Bài hát “Trở về Quảng Trị” của nhạc sĩ Xuân Đồng chị đã hát với tình cảm của người trong cuộc. Niềm hạnh phúc của chị trong chuyến đi ấy đó là được hát cho bố nghe ngay tại nơi ông đã từng tham gia chiến đấu cùng đồng đội để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, để hiểu mỗi tấc đất, mỗi cái cây ngọn cỏ nơi đây đều thấm máu đào liệt sĩ, dòng sông nơi đây đã từng hòa máu của những chiến sĩ trẻ trong những kết nối, ngân rung của âm nhạc. Rất nhiều đồng đội của bố chị cũng đã hy sinh.

Chị vẫn nhớ lời bố bảo, những đồng đội của bố đã ra đi để những người còn sống được hưởng cuộc sống sau ngày đất nước hòa bình, hưởng niềm vui nhìn đất nước đổi mới, nhìn con cái trưởng thành. Bởi thế, bài hát chị hát không chỉ là một ca khúc, đó còn là sự tri ân, là nén hương gửi về miền xa thẳm, thành kính thắp trước vong linh các anh hùng liệt sĩ. Lần nào nghe chị hát bố cũng khóc.

Trong những nhiệm vụ của quân đội luôn có sự đồng hành của binh chủng “âm nhạc”, từ những ca sĩ hát dưới chiến hào Điện Biên Phủ những năm chống Pháp đến những bài ca vượt Trường Sơn, “tiếng hát át tiếng bom” những năm chống Mỹ đến thời đất nước đổi mới hôm nay không thể thiếu sự hiện diện của những ca sĩ áo lính.

Ở thời đất nước phát triển, hội nhập với công tác đối ngoại quốc phòng rộng mở cũng luôn có sự kết nối từ âm nhạc. Ở nhiệm vụ mới này Hồng Hạnh lại một lẫn nữa bộc lộ khả năng thiên bẩm với các ca khúc nước ngoài. Những bài hát của Nga, của Hàn Quốc, Ấn Độ chị đều tìm tòi thể hiện thành công… Mỗi ngôn ngữ có đặc trưng riêng, để hát thuần thục bài hát ở ngôn ngữ nào chị phải nhờ đến sự tư vấn của chuyên gia ngôn ngữ đó.

Bởi vậy, trong những sự kiện ngoại giao, mỗi khi tiếng hát của Hồng Hạnh cất lên, quan khách quốc tế đều bất ngờ trước giọng hát có sự đồng điệu về bản sắc văn hóa dân tộc mình của nữ ca sĩ Việt Nam.

Trong phòng làm việc của Hồng Hạnh hiện nay có rất nhiều những kỷ niệm nghề nghiệp, những giải thưởng chuyên môn, những bằng khen, giấy khen, nhưng có một thứ chị luôn trân trọng, đó là biểu trưng phần thưởng tốt nghiệp cao đẳng âm nhạc tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Giải thưởng “Ngọn lửa nghệ tinh” của trường dành cho sinh viên đặc biệt xuất sắc năm 2001 ấy đã như một kỷ niệm đáng tự hào về thời sinh viên của chị. Một niềm hạnh phúc lớn của Hồng Hạnh khi năm 2023 chị vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, cùng bước lên bục nhận danh hiệu cao quý với những người thầy của mình.

Có một câu nói nổi tiếng đại ý rằng, nếu chọn được một công việc yêu thích bạn sẽ thấy cả đời không phải làm việc.

Câu nói này đã nhấn mạnh về việc chọn lĩnh vực theo đuổi đúng sở trường và niềm đam mê của mỗi cá nhân để phát huy tốt nhất trong sự nghiệp, Hồng Hạnh đã chọn âm nhạc và có lẽ âm nhạc cũng đã chọn chị, và tôi tin chị đã được đắm mình trong dòng sông âm nhạc, trong những câu hát suốt những năm tháng cuộc đời, cùng với sự khổ luyện chị đã tỏa sáng trong âm nhạc và còn chứng tỏ được mình ở năng lực lãnh đạo một đơn vị nghệ thuật.

Hiện tại chị là Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, vị trí trong suốt 73 năm kể từ khi thành lập người chỉ huy cao nhất là nam giới. Không chỉ là nữ Giám đốc đầu tiên NSND Hồng Hạnh còn là ca sĩ đầu tiên của Nhà hát đảm đương cương vị này.

Dù bộn bề công việc và phải phân thân cho nhiều vai trò khác nhau, nhưng khi câu hát cất lên, choáng ngợp trước công chúng hàng nghìn người nghe chị hát hay chỉ là vài người chứng kiến chị luyện thanh, chỉ còn lại một ca sĩ Hồng Hạnh, người đã được âm nhạc thắp lửa và chính chị đã truyền lửa đam mê âm nhạc đến mọi người. Khi âm nhạc cất lên, vẫn còn đó một cô bé Hồng Hạnh hát giữa thiên nhiên, hát giữa cuộc đời với niềm đam mê bản nguyên thuở đầu đời.

NGUYỄN XUÂN THỦY

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khi-cau-hat-cat-len-10286671.html