Khi 'Câu lạc bộ nhà giàu' tìm kiếm đồng minh…
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã bế mạc ngày 28-6, khẳng định các nền dân chủ sẽ đoàn kết và tăng cường các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga - nước bị cáo buộc xâm lược Ukraine và là nguyên nhân dẫn đến các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu hiện nay.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo G7 cũng ra tuyên bố tập trung vào mối lo ngại đối với Trung Quốc và không che giấu ý định thoát khỏi sự phụ thuộc vào quốc gia này. Nhưng phương Tây cũng nhận thức được sự đơn độc trong cuộc chiến của họ và đã nỗ lực tìm kiếm đồng minh ở phần còn lại của thế giới.
Mở rộng mặt trận dân chủ chống Moscow…
Bằng cách mời 5 nền kinh tế mới nổi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng ở Bavaria (Đức), bao gồm cả những “người khổng lồ” Ấn Độ và Nam Phi, nhất là trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lương thực, câu lạc bộ nhà giàu muốn tìm cách mở rộng mặt trận các nền dân chủ để chống lại Moscow và Bắc Kinh.
Các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, Argentina, Senegal, Indonesia và Nam Phi đã tham gia cuộc họp tại Lâu đài Elmau, dưới chân dãy núi Alps. Đối với người chủ trì hội nghị, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, lời mời này phải chuyển tải một thông điệp rằng “cộng đồng các nền dân chủ” không chỉ giới hạn ở “phương Tây và các quốc gia ở Bắc bán cầu”. Thorsten Brenner, Giám đốc Viện Chính sách công toàn cầu, giải thích: Trong một G7 không chỉ bị chi phối bởi cuộc chiến của Nga ở Ukraine, mà còn bởi cuộc khủng hoảng lương thực và khí hậu, “việc đối thoại với các quốc gia đặc biệt quan trọng, đóng vai trò lãnh đạo khu vực là điều cần làm”. Ông nhấn mạnh, G7 phải làm rõ rằng trong khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine, chứ không phải các lệnh trừng phạt, góp phần gây ra các vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, phương Tây phải chịu trách nhiệm thúc đẩy an ninh lương thực ở các quốc gia dễ bị tổn thương nhất”. Lãnh đạo các nước G7 trước đó đã một lần nữa kêu gọi Moscow đảm bảo cho hàng hóa lương thực - thực phẩm từ Ukraine được “lưu thông tự do”.
Tuy nhiên, lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng chỉ được gửi tới các quốc gia đại diện cho hơn 1,7 tỷ dân đang phải đối mặt với những thách thức chiến lược khác sau khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra. Có thể thấy G7 thực sự đang tìm cách lôi kéo Ấn Độ, Senegal và Nam Phi, những quốc gia đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Liên hiệp quốc lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Hôm 27-6, ba quốc gia này đã đồng ký Tuyên bố G7 về các giá trị dân chủ, trong đó đặc biệt cam kết “tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia khác” đồng thời phản đối “đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực”. Thủ tướng Đức Scholz nhấn mạnh: “Liên quan cuộc chiến ở Ukraine, chúng ta có những quan điểm khác nhau, chúng ta đều biết điều đó, và đó là lý do tại sao chúng ta phải cùng nhau chia sẻ và trao đổi quan điểm riêng của mình một cách cởi mở”.
Tại Bavaria, các đồng minh G7 đã tái khẳng định sự thống nhất và cam kết của họ đối với Ukraine, đồng thời gửi tín hiệu rõ ràng tới các quốc gia muốn giữ vai trò trung lập, hoặc thậm chí ủng hộ Nga. Các nước G7 một lần nữa thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm “hạ gục” Tổng thống Vladimir Putin bằng mọi cách. Những cuộc thảo luận về trừng phạt kinh tế Nga do Mỹ đóng vai trò chủ đạo đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Tại hội nghị, Mỹ đã đề cập với báo giới về lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga và kế hoạch đưa ra mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga. Một quan chức cấp cao của Chính quyền Biden cho rằng chỉ bằng việc tập hợp sức mạnh chung của các nền dân chủ mới có thể giải quyết được các thách thức chung. Mục đích của Mỹ là phân rõ ranh giới giữa “các nền dân chủ” và “chủ nghĩa độc tài”. Giống như hội nghị năm ngoái ở Anh, lần này Nga được định vị là quốc gia xem thường luật quốc tế khi bị cáo buộc là đơn phương xâm lược Ukraine.
Thực tế cho thấy tình hình chiến sự tại Ukraine vẫn tiếp tục bế tắc và chưa cho thấy rõ hiệu quả của các lệnh trừng phạt. Nỗ lực giảm thiểu và loại bỏ sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô như dầu mỏ và khí đốt Nga đang khiến giá năng lượng tăng chóng mặt, mang lại lợi thế lớn cho Nga. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu ở nhiều góc độ khác nhau. Một số quốc gia châu Âu, trong đó có Đức, đang phải tính đến phương án mở rộng sản xuất nhiệt điện than, đi ngược lại những cam kết về chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhấn mạnh tại Hội nghị rằng tuyên bố của Tổng thống Putin cho rằng các lệnh trừng phạt của G7 đã dẫn đến khủng hoảng lương thực toàn cầu là hoàn toàn sai, đồng thời cho rằng muốn chấm dứt khủng hoảng lương thực thì các nước phải đoàn kết để chấm dứt cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel bày tỏ lo ngại về “tác dụng phụ” của các lệnh trừng phạt và cho rằng phải cần cố gắng không làm tổn thương đến các nước phương Tây và nhiều quốc gia khác. Việc G7 tái khẳng định sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga với sự hợp tác chưa từng có tiếp tục làm dấy lên những lo lắng về một viễn cảnh thế giới ngày càng mệt mỏi khi chiến tranh vẫn còn kéo dài.
…và chống Bắc Kinh
Cuộc chiến chống cái gọi là “chủ nghĩa độc tài” của các nền dân chủ mà G7 là nòng cốt không thành công như kỳ vọng. Bất chấp việc Mỹ đã công bố sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn cho các nước đang phát triển nhằm đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc, sáng kiến “Đối tác về Cơ sở Hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu” (PGII) là bản sửa đổi của kế hoạch “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) được giới thiệu tại cuộc họp thượng đỉnh năm ngoái của G7 với số tiền huy động lên tới 600 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, một năm đã trôi qua, sáng kiến cũ của G7 dường như chưa mang lại kết quả tích cực, thậm chí còn khiến dư luận thế giới cảm thấy thất vọng.
Khi được yêu cầu bình luận về tuyên bố của Nhà Trắng liên quan PGII, Thủ tướng Đức Scholz nhấn mạnh G7 “đã tự đặt ra tham vọng biến thế giới trở thành một thiên đường cho các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng”. Cụ thể, phương Tây muốn làm khác với Trung Quốc, quốc gia đã đầu tư mạnh vào nhiều nước đang phát triển để xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua BRI. Bắc Kinh bị phương Tây cáo buộc thực hiện các dự án thông qua các khoản cho vay không sinh lời, điều này sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề nợ của các quốc gia vốn đã dễ bị tổn thương. Trung Quốc cũng bị cáo buộc đã đẩy các nước đang phát triển, chẳng hạn như Sri Lanka, lâm vào cảnh vỡ nợ.
Theo một quan chức Nhà Trắng, chiến lược của Trung Quốc “đã tồn tại trong nhiều năm”, đồng thời khẳng định sáng kiến của G7 “vẫn chưa thực sự quá muộn”. Nguồn tin này cho biết thêm, nhiều quốc gia đã nhận vốn hoặc đầu tư từ chương trình BRI giờ đây nhận ra rằng họ ngày càng mắc nợ nhiều hơn, và GDP của họ hầu như không tăng, nên cái gọi là các khoản đầu tư của Trung Quốc đã không đến được với đại đa số người dân”.
Quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết, châu Phi, Nam Sahara rõ ràng sẽ là một ưu tiên lớn trong sáng kiến thúc đẩy cơ sở hạ tầng toàn cầu do G7 khởi xướng, nhưng cũng đảm bảo rằng Trung Mỹ, Đông Nam Á hoặc Trung Á cũng là những khu vực “cực kỳ quan trọng”.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng lên án các hành vi thương mại quốc tế “không minh bạch và bóp méo thị trường” của Trung Quốc. Theo tuyên bố, lãnh đạo các nước G7 cam kết giảm sự phụ thuộc chiến lược vào Trung Quốc, thúc đẩy đa dạng hóa nền kinh tế. Một quan chức Mỹ đã gọi tuyên bố này là “chưa từng có”, trong bối cảnh lãnh đạo G7 thừa nhận những ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách không minh bạch và bóp méo thị trường của Trung Quốc.
Ngoài ra, trong thông cáo chung hôm 28-6, các nhà lãnh đạo G7 đã lên án hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông; tiếp tục bày tỏ sự quan ngại nghiêm trọng về tình hình ở các vùng biển này cũng như những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc.
Thông cáo nêu rõ: “Chúng tôi nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, dựa trên pháp quyền. Chúng tôi vẫn quan tâm nghiêm túc đến tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Chúng tôi cực lực phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc làm gia tăng căng thẳng. Chúng tôi nhấn mạnh rằng không có cơ sở pháp lý nào cho các tuyên bố chủ quyền trên biển ngày càng lan rộng của Trung Quốc tại Biển Đông. Về vấn đề này, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ đầy đủ phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye ngày 12-7-2016 và tôn trọng các quyền và tự do hàng hải được ghi trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Chúng tôi nhắc nhở Trung Quốc về sự cần thiết phải duy trì nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc về giải quyết hòa bình các tranh chấp và tránh đe dọa, ép buộc, hoặc sử dụng vũ lực”.