Khi cầu thủ Việt Nam làm kinh tế

Giới cầu thủ Việt Nam nổi tiếng vài năm gần đây rất giỏi đánh bóng tên tuổi để tạo sự lan tỏa trong kinh doanh ngay cả khi còn hành nghề hoặc chuyển hướng làm kinh tế lúc giải nghệ.

Số đông cầu thủ cả nam lẫn nữ khi không còn chơi bóng nữa thường mở các trung tâm bóng đá cộng đồng, cửa hàng kinh doanh đồ thể thao, quán cà phê và… quán nhậu. Họ thường có đông đảo bạn bè, người hâm mộ ủng hộ nên “sống khỏe”, bên cạnh những cựu cầu thủ - doanh nhân thứ thiệt ở nhiều lĩnh vực kinh tế lớn, hoặc lấy sự lành nghề bóng đá nuôi “kiếp đam mê”.

Bóng đá như hơi thở

Cựu tiền vệ tuyển Việt Nam Triệu Quang Hà có máu kinh doanh từ nhỏ, khi còn loi choi đúc từng viên gạch cho phân xưởng gia đình ở Thanh Hóa. Khi khoác áo Thể Công và lên tuyển quốc gia, cầu thủ chạy cánh mặc áo số 17 thường “đánh” những chuyến hàng giày đá bóng và trang phục thể thao chuyển nhượng lại cho giới quần đùi áo số, tiền kiếm được kha khá.

Tuyển thủ Xuân Trường hiếm hoi trong giới quần đùi áo số phát triển kinh doanh ngay khi còn thi đấu

Tuyển thủ Xuân Trường hiếm hoi trong giới quần đùi áo số phát triển kinh doanh ngay khi còn thi đấu

Giới cầu thủ khi nhắc đến Triệu Quang Hà vừa trầm trồ về khả năng của một tiền vệ tạt cánh chuẩn xác trăm quả như một, vừa nể nang anh với tư cách HLV giữ kỷ lục nắm Hà Nội T&T ba năm lên ba hạng, lại còn thán phục anh về đầu óc làm kinh tế nhạy bén mà nếu anh nhận số 2 chẳng ai dám giành số 1.

Công ty cổ phần đào tạo và phát triển thể thao của Triệu Quang Hà khai trương cách đây cả chục năm là bước mở đường cho hàng trăm trung tâm bóng đá cộng đồng sinh sau đẻ muộn. Nhưng sự khác biệt của CEO Triệu Quang Hà chính là vốn kiến thức tích lũy từ 20 năm học hỏi cách làm kinh tế bóng đá giúp anh trở thành đại gia ở mảng này.

Tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn và Lê Công Vinh tận dụng sự nổi tiếng và kinh nghiệm để bước vào con đường kinh doanh, khẳng định tên tuổi ở một lĩnh vực hoàn toàn mới.

Giới cầu thủ Việt Nam ai cũng thấy cách hay nhất là tận dụng tên tuổi nổi tiếng của mình khi còn thi đấu để đầu tư vào bóng đá kiếm tiền nhưng không phải ai cũng làm ăn thành đạt như Triệu Quang Hà. Sau hàng chục năm hành nghề cầu thủ, huấn luyện viên và kinh doanh, Triệu Quang Hà vẫn cần mẫn như con ong thợ với những niềm đam mê bằng tất cả cái tâm trong sáng, sự tận tụy, ý chí vượt khó… để mang lại những giá trị vật chất, tinh thần cho gia đình, xã hội.

Tương tự, đồng nghiệp cùng thời của Triệu Quang Hà như cựu trung vệ tuyển quốc gia Đỗ Khải, Anh Trung, hay sau này có Quang Thanh, Tuấn Phong, Sỹ Mạnh, Thanh Phương, Thanh Phong… mở những lớp bóng đá cộng đồng thu hút nhiều học viên nhờ kỹ năng tốt cùng sự nổi tiếng của mình. Đặc biệt có cựu hậu vệ Lưu Ngọc Hùng khai sinh hàng chục trung tâm dạy bóng đá mang tên anh và những năm qua cung cấp nguồn cầu thủ cho một số CLB lớn đang chơi ở V-League. Bóng đá, sân cỏ với họ chẳng khác gì hơi thở.

Cầu thủ mặc áo doanh nhân

Trong làng bóng đá Việt Nam, tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn và Lê Công Vinh là hai cái tên nổi bật không chỉ trên sân cỏ mà còn ở lĩnh vực kinh doanh sau khi treo giày. Cả hai đã tận dụng sự nổi tiếng và kinh nghiệm để bước vào con đường kinh doanh, khẳng định tên tuổi ở một lĩnh vực hoàn toàn mới.

Tiền vệ Lương Xuân Trường (trái) gọi vốn 7 tỉ đồng trong chương trình Shark Tank Vietnam và cùng chung tay với các cộng sự sáng lập chuỗi trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế IRC

Tiền vệ Lương Xuân Trường (trái) gọi vốn 7 tỉ đồng trong chương trình Shark Tank Vietnam và cùng chung tay với các cộng sự sáng lập chuỗi trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế IRC

Hồng Sơn “công chúa” đã chọn đầu tư vào chuỗi nhà hàng, cửa hàng kinh doanh đồ thể thao và nhanh chóng gặt hái nhiều thành công, nhờ danh tiếng cùng chất lượng dịch vụ, sự quản lý chuyên nghiệp. Trong khi đó, Công Vinh hiếm hoi sớm giã từ sự nghiệp quần đùi áo số khi còn ở đỉnh cao và chuyển hướng sang kinh doanh.

Công Vinh đã tham gia đầu tư vào bất động sản và dịch vụ, trong đó gồm lĩnh vực nhà hàng và thương mại điện tử. Với tầm ảnh hưởng và mối quan hệ rộng rãi trong lẫn ngoài nước, cựu tuyển thủ Công Vinh đã “mặc chiếc áo doanh nhân” tiêu biểu cho sự năng động và hiện đại.

Khác với hai đàn anh, tiền vệ Lương Xuân Trường khi còn thi đấu và chỉ mới 25 tuổi đã khai sinh trung tâm phục hồi chấn thương thể thao ở Sài Gòn vào năm 2020, và năm ngoái đặt thêm một chi nhánh tại Hà Nội. Cầu thủ quê Tuyên Quang hợp tác với bác sĩ giỏi ở Hàn Quốc, nổi bật là “thần y” Choi Ju-young, Lee Jung-bin cùng các chuyên gia hàng đầu trong giới y học thể thao chữa trị, chăm sóc cho đồng nghiệp đá bóng lẫn vận động viên ở nhiều nội dung khác.

Xu hướng cầu thủ Việt Nam chuyển hướng sang kinh doanh khi còn đá bóng hoặc đã giải nghệ cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tương lai của họ. Điều này không chỉ giúp cầu thủ tiếp tục duy trì sự nổi tiếng mà còn đảm bảo cuộc sống ổn định sau khi rời xa sân cỏ. Nhưng cho dù các cầu thủ nổi tiếng có nhiều lợi thế, nhưng khi bước vào kinh doanh cũng đối mặt với không ít thách thức.
Danh tiếng có thể giúp họ thu hút sự chú ý ban đầu, nhưng để duy trì thành công lâu dài, họ cần kiến thức sâu rộng về kinh doanh và khả năng quản lý. Nhiều cầu thủ đã thất bại do thiếu kinh nghiệm hoặc chọn sai ngành nghề kinh doanh. Một số cầu thủ từng gặp phải sự chỉ trích khi việc kinh doanh của họ không đạt được kỳ vọng, hoặc bị cho là lạm dụng tên tuổi để trục lợi.

Gia Huy - Như Quỳnh

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/khi-cau-thu-viet-nam-lam-kinh-te-314217.html