Khí cầu Trung Quốc làm dấy lên câu hỏi ai kiểm soát vùng 'cận vũ trụ'
Trên thế giới vẫn chưa tồn tại thỏa thuận quốc tế quy định về khoảng không gian vượt quá độ cao 18,2 km - điểm kết thúc của không phận mỗi quốc gia.
Chính phủ Mỹ khẳng định khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ hôm 4/2 đã vi phạm không phận nước này. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, khi chiếc khinh khí cầu trên tiến vào lãnh thổ Mỹ ở độ cao khoảng 19,8 km, thiết bị bay này đã lọt vào một "vùng xám" về mặt pháp lý.
Cho đến nay, chưa có một thỏa thuận quốc tế nào quy định quyền kiểm soát không gian ở độ cao trên.
Những cáo buộc của chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng Trung Quốc vận hành phi đội khinh khí cầu do thám tại hơn 40 quốc gia đã làm nổi lên các cuộc bàn luận về quản lý không gian tại khu vực ngoài độ cao hoạt động thông thường của máy bay thương mại.
Vấn đề phát sinh sau các vụ bắn hạ của Mỹ
Các chuyên gia pháp lý từ lâu đã bày tỏ lo ngại về những mối đe dọa an ninh khi số lượng máy bay và các thiết bị bay di chuyển ở độ cao lớn ngày càng gia tăng.
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, những quốc gia có chương trình không gian phát triển như Mỹ và Trung Quốc trước đây đã ngăn chặn những nỗ lực để mở rộng độ cao không phận của mỗi nước đến khu vực rìa vũ trụ.
Nguyên nhân là những quốc gia trên muốn có quyền triển khai các thiết bị bay của mình mà không bị hạn chế về mặt pháp lý.
Chủ đề này dự kiến được đưa ra bàn luận trong cuộc họp vào tháng 3 của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Sử dụng Không gian một cách Hòa bình, cơ quan phụ trách việc thiết lập những quy định về quản lý không gian.
Tại Mỹ, Cục Hàng không Liên bang (FAA) có trách nhiệm giám sát và kiểm soát hoạt động của thiết bị bay dân - quân sự di chuyển ở độ cao thấp hơn 18,2 km. Ngưỡng độ cao này nhất quán với các thỏa thuận quốc tế được nhiều nước khác áp dụng.
Ba vật thể bay không xác định bị Mỹ bắn hạ vào tuần trước nằm trong không phận thuộc quyền quản lý của FAA. Không phận này cũng kéo dài tới khu vực cách bờ biển của mỗi quốc gia khoảng 20 km.
"Những vụ bắn hạ vừa qua rõ ràng nằm trong không phận của Mỹ", Steven Freeland giáo sư luật quốc tế tại Đại học Tây Sydney và Đại học Bond của Australia cho biết.
Các công ước quốc tế quy định rằng một quốc gia không có chủ quyền đối với vùng không gian ở độ cao di chuyển của các vệ tinh - thường được hiểu là từ 100 km trở lên.
Một số quốc gia đã khẳng định chủ quyền đối với khu vực ở độ cao từ 18,2 km cho tới ranh giới 100 km - khu vực còn được gọi là không gian "cận vũ trụ". Nhưng những tuyên bố này không được luật pháp quốc tế công nhận.
Thiếu cơ chế quốc tế về không gian cận vũ trụ
Những quy định về không gian cận vũ trụ sẽ tập trung vào việc "cấp giấy phép và đảm bảo an toàn", Stephan Hobe, giám đốc Viện nghiên cứu Luật Hàng không, Luật không gian và Luật An ninh mạng tại Đại học Cologne, phát biểu tại một hội thảo ở thành phố Montreal vào năm 2020.
Do số vụ phóng tàu vũ trụ ngày càng tăng cùng sự phát triển của công nghệ máy bay không người lái và khinh khí cầu, Liên Hợp Quốc và một số cơ quan quốc tế khác như Liên minh châu Âu đã nghiên cứu một số cơ chế quản lý không gian cận vũ trụ.
"Ngày càng nhiều quốc gia nghĩ tới khu vực có độ cao lớn", giáo sư Freeland, người giúp soạn thảo các dự luật quản lý không gian của New Zealand và Australia, cho biết.
Năm 2017, New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên đưa các quy định giám sát không gian cận vũ trụ vào luật pháp nước này. Quy định trên yêu cầu những thực thể muốn vận hành thiết bị bay ở độ cao lớn trên lãnh thổ New Zealand phải xin giấy phép từ chính phủ nước này.
Một số quốc gia khác đã theo gót New Zealand bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Chính quyền UAE đã đặt các phương tiện bay ở độ cao dưới 79,8 km vào quyền kiểm soát của nước này. Tuy nhiên, yêu cầu của UAE chưa được quốc gia khác công nhận.
"Các quốc gia có quyền đặt ra yêu cầu. Nhưng điều này không có nghĩa các yêu cầu trên sẽ trở thành luật", giáo sư Freeland nhận định.