Khí cầu Trung Quốc phơi bày lỗ hổng phòng không của Mỹ

Giới chức Mỹ thừa nhận tồn tại lỗ hổng trong hệ thống phòng không Bắc Mỹ, khiến nhiều lần khinh khí cầu Trung Quốc xâm nhập không phận mà không bị phát hiện.

Tướng Glen VanHerck, tư lệnh Bộ chỉ huy phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD), thừa nhận quân đội Mỹ đã không phát hiện những lần khinh khí cầu Trung Quốc xâm nhập không phận trước đây. Thực tế, thông tin về những lần khí cầu Trung Quốc bay vào không phận Mỹ đến tay NORAD từ các cơ quan tình báo.

Vị chỉ huy NORAD cho rằng có lỗ hổng trong hệ thống giám sát không phận và quân đội Mỹ đang tìm hiểu vì sao những lần không phận bị xâm nhập trước đây không bị phát hiện, theo Wall Street Journal.

4 lần không phận bị xâm nhập

Các quan chức chính quyền Tổng thống Biden cho hay đã xác định ít nhất 4 lần khí cầu Trung Quốc xâm nhập không phận Mỹ mà không bị phát hiện cho đến khi chúng đã rời đi, theo CNN. Trong đó, 3 vụ xâm nhập xảy ra dưới thời cựu Tổng thống Trump, vụ còn lại diễn ra những ngày đầu nhiệm kỳ của ông Biden.

Các vụ xâm nhập làm dấy lên lo ngại về năng lực phòng thủ của hệ thống radar mặt đất dưới quyền NORAD, nhiệm vụ chính là giám sát không phận Mỹ và Canada.

Tướng VanHerck thừa nhận NORAD chỉ biết về các vụ xâm nhập sau khi nhận được thông tin từ các cơ quan tình báo.

 Khí cầu Trung Quốc bị máy bay F-22 Mỹ bắn hạ hôm 4/2. Ảnh: AP.

Khí cầu Trung Quốc bị máy bay F-22 Mỹ bắn hạ hôm 4/2. Ảnh: AP.

John Kirby, điều phối viên chiến lược Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết Nhà Trắng biết về các vụ xâm nhập sau khi Tổng thống Biden nắm quyền, dù rằng trước đó Washington có thông tin Trung Quốc đang tiến hành chương trình do thám bằng khinh khí cầu.

"Chúng tôi biết Trung Quốc vẫn tiếp tục chương trình khí cầu do thám. Chúng tôi đang cố gắng hiểu rõ hơn ý định và khả năng do thám của Trung Quốc", ông Kirby nói.

Tuy vậy, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, người từng đứng đầu Lầu Năm Góc dưới thời cựu Tổng thống Trump, tuyên bố ông chưa từng nhận được báo cáo về việc khí cầu nước ngoài xâm nhập không phận Mỹ.

Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mike Waltz viết trên Twitter ông đã được Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng thông báo về các vụ khí cầu xâm nhập trong vài năm gần đây, một vụ việc xảy ra tại Florida. Tuy vậy, ông Waltz không nói rõ thời gian xảy ra các vụ việc này.

Trong vụ xâm nhập mới nhất, sau khi bị phát hiện trên quần đảo Aleutian hôm 28/1, khí cầu đi dọc bang Alaska vào không phận Canada. Tới 31/1, khí cầu đi tới miền bắc tiểu bang Idaho của Mỹ. Sau đó, khí cầu Trung Quốc bay qua các địa điểm nơi có trận địa tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ tại Montana.

Sau thời gian bay lơ lửng ở Montana, khí cầu chuyển hướng bay về phía bờ biển Đông Nam. Thiết bị này bị bắn hạ trên vùng biển ngoài khơi South Carolina.

"Khi khí cầu từ Canada bay vào Mỹ, tôi đã nói với Bộ Quốc phòng rằng tôi muốn bắn hạ khí cầu ngay khi có thể. Bộ Quốc phòng cho rằng khí cầu không phải đe dọa nghiêm trọng, chúng ta không nên bắn rơi nó trên đất liền", Tổng thống Biden nói với báo giới hôm 6/2.

Sau khi khí cầu bị bắn hạ, thợ lặn của hải quân Mỹ đã trục vớt nhiều mảnh vỡ từ vùng biển ở bờ Đông. Các mảnh vỡ đã được đưa đi giám định nhằm xác định dấu hiệu hoạt động gián điệp.

Điều kiện sóng biển cuối tuần qua khiến các nỗ lực giám sát và trục vớt mảnh vỡ khí cầu gặp khó khăn. Giới chức Mỹ cho hay các mảnh vỡ nằm rải rác cách nhau nhiều km.

Nhận định sai lầm của NORAD?

Tướng VanHerck, tư lệnh NORAD, cho biết phần bóng khí cầu cao tới 70 m. Thiết bị mà khí cầu mang theo có kích thước bằng một chiếc máy bay, nặng hàng trăm kg.

Trung Quốc nhiều lần bác bỏ cáo buộc khí cầu được sử dụng cho mục đích quân sự, thay vào đó khẳng định đây là thiết bị nghiên cứu khí tượng. Bắc Kinh cáo buộc Mỹ phản ứng thái quá và "vi phạm thông lệ quốc tế", theo Reuters.

Tuy vậy, giới chức Mỹ phủ nhận tuyên bố của Trung Quốc, khẳng định khí cầu là một thiết bị tình báo. Washington nói đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngăn khí cầu thu thập thông tin tình báo bởi thiết bị này bay qua các địa điểm nhạy cảm.

 Tư lệnh NORAD Glen VanHerck. Ảnh: AP.

Tư lệnh NORAD Glen VanHerck. Ảnh: AP.

Các quan chức Mỹ không tin những thông tin mà khí cầu Trung Quốc thu được thực sự có nhiều giá trị, bởi lúc này Bắc Kinh đã có sẵn một hệ thống vệ tinh trên quỹ đạo vốn có khả năng hoạt động tình báo hiệu quả.

Hiện chưa rõ khí cầu có truyền tín hiệu về Bắc Kinh trong thời gian di chuyển hay không, hay thiết bị này lưu trữ dữ liệu để tải xuống sau này. Cơ chế hoạt động, lưu trữ và truyền tin của khí cầu có thể được hé lộ sau khi quân đội Mỹ hoàn tất trục vớt các mảnh vỡ của thiết bị này.

Chính quyền Tổng thống Biden trước đó hứng chịu sức ép vì cách xử lý khí cầu. Các nghị sĩ Cộng hòa chất vấn vì sao quân đội không bắn rơi khí cầu khi nó hoạt động tại Alaska.

Tướng VanHerck cho biết khi khí cầu đang ở Alaska, quân đội Mỹ không hành động bởi chưa coi đây là một mối đe dọa.

"Khi đó tôi cho rằng khí cầu không mang tới đe dọa quân sự cho Bắc Mỹ. Tôi đã không đưa ra hành động dứt khoát bởi khí cầu không có hành động hoặc ý định thù định", tướng VanHerck nói.

Tuy vậy, NORAD thay đổi nhận định khi khí cầu bay vào các bang nằm ở đại lục của nước Mỹ. Sau đó, quyết định sử dụng biện pháp quân sự một lần nữa bị trì hoãn do lo ngại gây ra thiệt hại không cần thiết bởi mảnh vỡ của khí cầu rơi xuống khu vực dân cư.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-cau-trung-quoc-phoi-bay-lo-hong-phong-khong-cua-my-post1399695.html