Reuters: Ông Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga

Ngày 17/11, giới chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Sự thay đổi mang tính bước ngoặt?

Theo hãng tin Reuters, quyết định nói trên được cho là sự thay đổi quan trọng trong chính sách của Washington đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh chỉ còn 2 tháng nữa là ông Biden sẽ từ nhiệm trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ lâu đã kêu gọi Mỹ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) đang nỗ lực để hỗ trợ Ukraine trong những ngày tháng cuối của nhiệm kỳ (Ảnh: Getty Images).

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) đang nỗ lực để hỗ trợ Ukraine trong những ngày tháng cuối của nhiệm kỳ (Ảnh: Getty Images).

Giới chức Mỹ cho biết, trong vài ngày tới, Ukraine có kế hoạch thực hiện những vụ tấn công tầm xa vào Nga. Song chi tiết kế hoạch không được tiết lộ do lo ngại về an ninh.

Dù vậy, theo một số nguồn tin, Ukraine được cho là sẽ sử dụng Tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn (ATACMS) có tầm tấn công lên tới 306km cho những đợt tấn công đầu tiên vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Phát biểu trong đêm 17/11, Tổng thống Ukraine Zelensky nhấn mạnh những quả tên lửa “sẽ tự cất lên tiếng nói”.

Đáp lại, ông Vladimir Dzhabarov, Phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga cảnh báo quyết định của Washington có thể dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ 3.

Dù vẫn còn một số quan chức Mỹ bày tỏ hoài nghi rằng việc cho phép Ukraine tấn công tầm xa vào Nga có thể thay đổi hoàn toàn quỹ đạo của cuộc chiến, song quyết định này có thể giúp Ukraine phần nào giành lại ưu thế trước các đợt tấn công ồ ạt của Nga. Qua đó Ukraine sẽ có vị thế đàm phán tốt hơn nếu các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn diễn ra.

Hiện vẫn chưa rõ Tổng thống đắc cử Donald Trump có đảo ngược quyết định của ông Biden khi ông lên nắm quyền hay không. Từ lâu ông Trump đã chỉ trích quy mô viện trợ tài chính và quân sự mà Mỹ dành cho Ukraine trong khi tuyên bố sẽ sớm chấm dứt cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Ông Richard Grenell, một trong những cố vấn về chính sách đối ngoại thân cận nhất của ông Trump đã lên tiếng chỉ trích quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden là tìm cách làm leo thang chiến tranh trước khi ông từ nhiệm.

Trong khi đó, kể từ khi ông Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 5/11, các quan chức trong chính quyền ông Biden đã nhiều lần tuyên bố sẽ tận dụng thời gian còn lại để đảm bảo Ukraine có thể chiến đấu hiệu quả trong năm tới hoặc đàm phán về hòa bình với Nga ở thế mạnh hơn.

Hay quyết định quá chậm trễ

Tuy nhiên, trên chiến trường, quân đội Ukraine đang hứng chịu thất bại nặng nề trước ưu thế về nhân lực vượt trội của Nga. Cụ thể, binh sĩ Nga đang đẩy lui lực lượng Ukraine khỏi khu vực Kursk nơi được Tổng thống Zelensky coi là “lá bài mặc cả” trong các cuộc thương lượng với Nga.

“Việc dỡ bỏ những giới hạn trong sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp cho quân đội Ukraine sẽ giúp họ không còn phải chiến đấu với một cánh tay bị trói chặt. Song, tôi tin rằng, lịch sử sẽ chứng minh quyết định này đến quá muộn.

Giống như các loại vũ khí khác như ATACMS, Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS), xe thiết giáp bộ binh Bradley, xe tăng Abrams hay tiêm kích F-16, quyết định này lẽ ra phải được đưa ra sớm hơn rất nhiều”, ông Alex Plitsas, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận định.

Sau quyết định có phần muộn mằn của Tổng thống Joe Biden, Ukraine giờ đã có thể sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga (Ảnh: Business Insider).

Sau quyết định có phần muộn mằn của Tổng thống Joe Biden, Ukraine giờ đã có thể sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga (Ảnh: Business Insider).

Trước đó, bất chấp sự hối thúc của Tổng thống Ukraine Zelenskiy, Nhà Trắng tỏ ra ngần ngại trong việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp tấn công vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga do lo ngại điều này có thể khiến xung đột leo thang.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Turner cho rằng quyết định của ông Biden là quá chậm trễ và vẫn có quá nhiều hạn chế đối với Ukraine.

Dù vậy, ông Turner nhận định bước đi đầu tiên này sẽ gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh ông Trump sắp quay trở lại Nhà Trắng và sẽ nỗ lực để chấm dứt cuộc chiến tranh Nga – Ukraine.

Giống như Mỹ, một số đồng minh khác của Ukraine cũng cung cấp vũ khí cho Kiev kèm theo những giới hạn về cách thức và thời điểm được sử dụng để tấn công vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Điều này xuất phát từ lo ngại rằng, các cuộc tấn công như vậy sẽ khiến Nga tấn công đáp trả ngay lập tức khiến các quốc gia thành viên NATO bị kéo vào vòng xoáy chiến tranh hoặc nghiêm trọng hơn là kích động một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/reuters-ong-joe-biden-cho-phep-ukraine-su-dung-vu-khi-my-tan-cong-sau-vao-lanh-tho-nga-192241118071316709.htm